Cải cách từ cung tên sang súng hỏa mai của người Mông Cổ

Vào thế kỷ 17, người Nữ Chân đã tiến hành 1 cuộc chiến tranh xâm lược nhằm lật đổ nhà Minh để thiết lập vương triều Thanh của riêng họ tại Trung Nguyên. Mông Cổ lúc này đã không còn là một quốc gia thống nhất mà bao gồm nhiều bộ lạc đánh giết lẫn nhau nhau khi nhà Thanh lên nắm quyền. Trong thời gian trỗi dậy, các lãnh tụ Nữ Chân đã thu nạp các bộ lạc Mông Cổ khác nhau như Khách Nhĩ Khách và Sát Cáp Nhĩ chiến đấu dưới ngọn cờ quân đội Đế Quốc Mãn Thanh để chinh phục nhà Minh đồng thời tiêu diệt bất kỳ bộ lạc Mông Cổ nào dám cả gan chống lại họ. Khi Hãn Quốc Chuẩn Cát Nhĩ (Dzungar Khanate) tấn công các bộ lạc Khách Nhĩ Khách, hoàng đế Khang Hy đã cho phép nhiều người Khách Nhĩ Khách (Khalkhas) tị nạn dưới sự bảo hộ của Đế Quốc Thanh và tiến hành một loạt các cuộc phiêu lưu quân sự để trừng phạt Hãn Quốc Chuẩn Cát Nhĩ, cuối cùng dẫn đến việc hủy diệt toàn bộ Hãn Quốc này dưới thời Càn Long.

Người Mông Cổ gia nhập nhà Thanh được hưởng các đặc quyền tương tự như tầng lớp tinh hoa thống trị Mãn Châu như trả lương hàng tháng bằng bạc, lương thực cấp phát theo quy định và miễn bị tra tấn khi bị bắt vì phạm tội. Cũng giống như con cháu Bát Kỳ, họ không cần đảm nhận bất kỳ nghề nghiệp nào khác ngoài làm chiến binh hoặc tham gia việc triều chính. Họ đúng nghĩa là “người của hoàng đế”, chịu đặc ân của Hoàng Đế nhà Thanh. Các bộ lạc Mông Cổ tham gia trong giai đoạn đầu được gia nhập Mãn Châu Kỳ còn những người tham gia sau cuộc bình định Trung Nguyên được xếp vào Mông Cổ Kỳ, nhưng tất cả đều có cùng đặc quyền như Mãn Châu Kỳ. Rất nhiều cuộc hôn nhân hòa huyết đã củng cố thêm mối quan hệ hòa huyết giữa 2 lớp chiến binh Mãn Châu – Mông Cổ.

Đến Thế kỷ 18, có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng người Mông Cổ bên ngoài nhà Thanh, ít nhất là người Dzungar, đã chuyển từ cung sang súng hỏa mai. Những vũ khí này đã được chuyển cho họ thông qua trao đổi buôn bán trên con đường tơ lụa từ thế kỷ 16.

Những người Dzungar (Chuẩn Cát Nhĩ) là một nhánh người Mông Cổ chống lại nhà Thanh. Họ đã chiến đấu nhiều trận chiến trước khi bị quân đội nhà Thanh đánh bại và diệt chủng. Và trong số danh sách các chiến lợi phẩm thu được được lấy từ xác quân Dzungar không hề có cây cung tên nào được tìm thấy. Thay vào đó, là súng và các loại đao cong, đoản kiếm. Các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 18 cũng khắc họa người Dzungar chiến đấu chủ yếu với giáo, kiếm và súng hỏa mai.

Nghe có vẻ như báng bổ đối với những người thích tưởng tượng người Mông Cổ là đại diện cho “văn hóa bắn cung” của châu Á. Nhưng không phải là không hợp lý khi hầu như tất cả các đội quân bắn cung nổi tiếng khác trên thế giới đã chuyển hết từ cung sang súng vào thời điểm này: Samurai Nhật Bản, Ottoman Janissary, chiến binh Mughal Ấn Độ, Ba Tư, Hàn Quốc, v.v … đều đã chuyển sang dùng súng hỏa mai được đem đến châu Á (chủ yếu) bởi người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16. Trên thực tế, thế kỷ 18 là thời kỳ đã rất muộn để cải cách 1 đội quân lỗi thời sử dụng cung sang dùng súng. Mãn Thanh là đế chế cuối cùng dùng cung tên trên quy mô lớn.

Và sau đó chúng ta thấy có nhiều sách đề cập đến súng Mông Cổ: Phần trang bị vũ khí ghi chép trong sách 皇朝 禮 器 圖 – Hoàng Triều Lễ Khí Đồ năm 1759 và 1766 (dưới thời Càn Long) khẳng định người Mông Cổ đã sử dụng súng hỏa mai trên quy mô lớn. Không chỉ vậy, họ thậm chí còn phát triển kiểu dáng riêng của loại vũ khí này.

Trên thực tế, việc sử dụng súng ở Nội Mông trở nên phổ biến đã khiến hoàng đế Càn Long lo lắng kỹ năng bắn cung của các chiến binh ưu tú của mình sẽ thui chột. Vào ngày 6/11/1750, hoàng đế đã ban hành sắc lệnh khuyến khích bỏ súng đi và thay vào đó là dùng cung.

Sách 定 器 – Định Khí (Các quy định và tiền lệ ủy nhiệm hoàng gia về trang bị quân sự) năm 1803 dưới thời Gia Khánh cho thấy quân Mông Cổ thuộc Bát Kỳ binh “bắt buộc” phải được trang bị giống như Bát kỳ Mãn Châu, cung tên Mãn Châu, thanh kiếm, bao tên.

Chính phủ nhà Thanh đã tổ chức nhiều sự kiện bắn cung để thúc đẩy tài năng cung thuật đối với người Mãn Châu, người Mông Cổ và người Hán. Có 1 mối liên hệ sâu sắc giữa việc bảo thủ giữ truyền thống bắn cung với sự suy tàn của nhà Thanh. Cung thủ đế quốc Thanh đã đánh bại nhiều đội quân súng hỏa mai nên họ thấy không cần thiết phải thay đổi. Đến khi họ nhận ra rằng họ không còn là đối thủ của súng nạp hậu phương Tây, thì đã không còn cơ hội để đầu tư thời gian, ngân sách để thay đổi nữa.

Chính người Mãn Thanh đã ép buộc người Mông Cổ phải bỏ súng đi rồi dùng cung giống họ. Đây là 1 trong các lý do khiến cho cung Mông Cổ ngày nay không giống với cung tên thời Thành Cát Tư Hãn chinh phục thế giới. Thay vào đó, đến thế kỷ 20, người Mông Cổ không biết cách làm cung của tổ tiên nên đã thu nhỏ cung Mãn Châu lại để tái hiện thuật bắn cung Mông Cổ và tiện cho các hoạt động thể thao, săn bắn.

Ảnh: Súng hỏa mai của người Mông Cổ (皇朝禮器圖式). và mô tả trang bị quân Mông Cổ dưới thời Mãn Thanh ( 欽定軍器則例).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *