Tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức khi cải cách tiền lương
Hiện nay, chế độ tiền lương của công chức, viên chức, người lao động trong khu vực nhà nước được tính dựa trên tiền lương cơ sở (1,8 triệu đồng) và hệ số. Mức lương thấp nhất là mức lương của lao động có trình độ trung cấp.
Ngoài ra, khoản 3.1 Điều 3 Mục II tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, tới đây, đối tượng công chức, viên chức trong khu vực công có mức lương thấp nhất sẽ là người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1).
Tuy nhiên, khi cải cách tiền lương, mức lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp bậc 1 khu vực công dự kiến sẽ không thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong khu vực doanh nghiệp; đồng thời cũng sẽ chuyển xếp lương cũ sang lương mới, đảm bảo không thấp hơn lương hiện hưởng. Sau đó tiến tới cao hơn mức lương thấp nhất bình quân khu vực doanh nghiệp và cuối cùng là bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất khu vực doanh nghiệp.
Nhằm tạo ra sự công bằng, tránh việc có những vị trí việc làm mức lương quá thấp, trước đó tại phiên họp thường kỳ chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xin ý kiến Quốc hội và Ban bí thư về việc đảm bảo tiền lương thấp nhất cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, mức tiền lương thấp nhất không dưới 5 triệu đồng khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây. Điều này có nghĩa là tiền lương của một công chức có mức lương cơ bản không được thấp hơn mức lương mức lương tối thiểu vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Mức cụ thể là trên 5 triệu đồng/tháng.
Mức tiền lương cao nhất sau cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Hiện chưa có bất kỳ quy định nào quy định về mức lương cao nhất của công chức, viên chức sau cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, dựa trên thông tin của Bộ Nội vụ, và Nghị quyết 27 thì tiền lương của cán bộ, công chức, người lao động sẽ mở rộng hệ số lương từ 1 – 2,34 – 10 lên 1 – 2,68 – 12.
Theo đó, hệ số lương cao nhất của công chức, viên chức sẽ lên đến 12, nghĩa là dự kiến mức lương của công chức với hệ số cao nhất cũng sẽ hơn con số 18 triệu đồng/tháng như hiện nay. Nếu tính hệ số 12 mà nhân với 1,8 (mức lương cơ sở) thì con số thu nhập là hơn 21 triệu đồng. Đó mới chỉ lương cơ bản theo vị trí việc làm, nếu cộng thêm các khoản thưởng và phụ cấp (1 số ngành) thì con số có thể sẽ còn cao hơn rất nhiều. Nhiều khả năng mức lương của các vị trí cán bộ quản lý cấp cao có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Ngoài vấn đề tiền lương, cải cách tiền lương từ ngày 1/7 sẽ sắp xếp lại các khoản phụ cấp tiền lương. Theo đó đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) thực hiện sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,…). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).