cai-cach-tien-luong-toi-thieu-5-trieu-dong/thang,-cong-chuc-co-thoat-canh-“giat-gau-va-vai”?

Cải cách tiền lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, công chức có thoát cảnh “giật gấu vá vai”?

Cải cách tiền lương để nhiều công chức, viên chức không bị gắn mác… “ăn bám”!

Hơn 15 năm công tác và 12 năm kinh nghiệm trong ngành quân sự nhưng giờ đây tiền lương của anh Trương Văn Bắc (37 tuổi) – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn không đủ sống.

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, anh Bắc ngậm ngùi kể: “Trước đây, tôi tốt nghiệp đại học nhưng quyết định về quê xin việc. Tôi được sắp xếp làm tại Ban quân sự xã. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực đặc thù, nên tiền lương phải được tính dựa trên văn bằng chuyên môn. Bằng chuyên môn của tôi chỉ là trung cấp, vì thế tôi ăn lương theo hệ số trung cấp là 2,06. Tiền lương cộng với phụ cấp hàng tháng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4,8 triệu đồng”.

cải cách tiền lương

Cải cách tiền lương đặt mục tiêu đưa mức tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức không dưới 5 triệu đồng. Ảnh: N.T

Mức tiền lương quá thấp, giá cả thì leo thang. Theo anh Bắc, lương chỉ đủ để chi cho thăm hỏi, đình đám, xăng xe, điện thoại, điện, nước… Cũng may, vợ anh làm công ty thu nhập tương đối khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng nên gia đình cũng đỡ túng quẫn. Để gia tăng thu nhập, lấy tiền lo con cái ăn học, ngày nghỉ, 2 vợ chồng anh chị phải tìm thêm công việc để làm.

“Nếu so sánh mức tiền lương này với tiền lương của lao động tự do thì quá thấp, nhiều khi tự động viên làm vì trách nhiệm chứ thật sự tiền lương ấy không đủ sống. Bạn bè còn trêu công chức đi làm mà vẫn ăn bám vợ”, anh Bắc hài hước kể.

Nghe nói nhà nước sắp cải cách tiền lương, anh Bắc đang rất hồ hởi, mong chờ sớm được tăng lương. Anh mong muốn nhà nước có chế độ tiền lương riêng với những ngành đặc thù như công việc anh đang làm vì đây là ngành vất vả, nhằm đảm bảo đời sống để cán bộ công chức tập trung làm nghề.

Mong muốn cải cách tiền lương sẽ tạo được sự công bằng

Ông Trương Văn Độ – Chủ tịch Hội nông dân xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cùng chung tình cảnh. Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Độ cho biết là một trong số những người có mức tiền lương được cho là thấp ở xã. Hiện tại, tiền lương của ông Độ ở bậc 3, tương đương hàng tháng ông được nhận 6,7 triệu đồng, cộng phụ cấp nữa vào khoảng 7 triệu đồng.

“Mức lương không cao nhưng sống ở quê nên gia đình tôi cũng tiết kiệm chi tiêu, chịu khó trồng thêm rau, nuôi thêm gà… thì chi phí cũng tạm đủ”, ông Độ chia sẻ.

Dù biết ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng ông Độ cùng nhiều cán bộ, công chức vẫn rất mong nhà nước có những chính sách cải cách tiền lương sớm để cán bộ, công chức và người lao động yên tâm làm việc và cống hiến.

Cũng theo ông Độ, nhiều vị trí cán bộ, chức danh hội đoàn thể khác như: Hội phụ nữ; đoàn thanh niên… còn thấp hơn tiền lương của ông nhiều. Ngay cả cấp phó của ông (Phó chủ tịch Hội Nông dân) cũng chưa được nhận tiền lương mà chỉ có phụ cấp do nguồn ngân sách UBND tỉnh cấp là 1,8 triệu đồng/tháng.

cải cách tiền lương

Nhiều cán bộ, công chức, mong muốn mức tiền lương mới sẽ đáp ứng được cuộc sống, tạo động lực để làm việc. Ảnh: N.T

Cũng như cán bộ công chức khác, ông Độ mong muốn đợt cải cách tiền lương lần này tạo được sự đột phá, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc. Cải cách tiền lương sẽ tạo ra sự công bằng và sự tương đồng trong từng vị trí việc làm. Tránh trường hợp chênh lệch quá lớn về tiền lương giữa các vị trí việc làm và các đối tượng.

“Chúng tôi làm cán bộ ở cấp xã cũng chịu áp lực rất lớn, công việc nhiều, các đơn vị sáp nhập nên dân số đông. Khối lượng công việc tăng lên, kỷ luật gắt gao, tiền lương nếu cũng thấp thì rất khó tạo động lực để công chức, viên chức làm việc”, ông Độ nói.

Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, nhiều đơn vị sự nghiệp có thu cũng đang nhận mức lương thấp lẹt đẹt chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Nhằm tạo ra sự công bằng, tránh việc có những vị trí việc làm mức lương quá thấp, mới đây tại phiên họp thường kỳ chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xin ý kiến Quốc hội và Ban bí thư về việc đảm bảo tiền lương thấp nhất cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, mức tiền lương thấp nhất không dưới 5 triệu đồng khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây. Điều này có nghĩa là tiền lương của một công chức có mức lương cơ bản không được thấp hơn mức lương mức lương tối thiểu vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Mức cụ thể là trên 5 triệu đồng/tháng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *