cai-cach-tien-luong-se-xoa-bo-tinh-tien-luong-theo-bang-cap,-tham-nien

Cải cách tiền lương sẽ xóa bỏ tính tiền lương theo bằng cấp, thâm niên

Trả lương theo vị trí việc làm là nội dung chính khi tiến hành cải cách tiền lương

Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ: Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Điều này có nghĩa là người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm, nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại. Đây cũng là nội dung chính khi bàn tới cải cách tiền lương sắp tới. 

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, trả lương theo vị trí việc làm là việc căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Đồng thời, việc trả lương theo vị trí việc làm cũng là một trong những bước cải cách lớn liên quan đến tiền lương của công chức, viên chức.

cải cách tiền lương

Trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo được sự công bằng khách quan. Ảnh: NN

“Trả lương theo vị trí việc làm cũng có nghĩa là người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại”, ông Quảng nói.

Hiện tại tiền lương của công chức đang được tính dựa trên hệ số lương (xếp theo bằng cấp) sau đó, định kỳ (thâm niên) cứ 3 năm tăng lương 1 lần. Trừ khi công chức, viên chức đó có thành tích đặc biệt được nhấc lương.

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã nêu rõ “Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành”. Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn “cào bằng” giữa mọi ngành như hiện nay.

Trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Lê Đình Quảng cung cấp thông tin, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36 “Về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức”, trong đó có quy định về xây dựng khung năng lực cho từng vị trí. Tuy nhiên, phải mất một thời gian tương đối dài, các bộ, ngành địa phương mới triển khai được chủ trương này; không ít cơ quan khi xây dựng vị trí việc làm thường dựa trên cơ sở tổ chức, biên chế sẵn có để tiến hành xác định số lượng vị trí việc làm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn mà chưa thực sự phân tích công việc, chưa đi từ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cũng như từ khối lượng công việc thực tế của tổ chức mà xây dựng nên hệ thống các vị trí việc làm.

Cách xác định vị trí việc làm khi cải cách tiền lương

Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Tuy nhiên, việc xác định rõ vị trí việc làm của cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua còn khá chậm, chưa thật sự kịp thời, chưa đảm bảo được yêu cầu đặt ra.

Hiện một số đơn vị, bộ ngành cũng bắt đầu xác định vị trí việc làm, tuy nhiên vì chưa có một khung, chưa có đơn vị làm điểm nên việc triển khai còn chưa nhất quán, mỗi nơi làm một kiểu.

cải cách tiền lương vị trí việc làm

Việc xác định vị trí việc làm sẽ quyết định tiền lương của công chức, viên chức khi cải cách tiền lương. Ảnh: Nguyễn Khang

Ông Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội Vụ) cho biết, về mặt hình thức, các bộ ngành, địa phương đã báo cáo xây dựng xong vị trí việc làm. Tuy nhiên, thực chất các đơn vị chưa xây dựng được đúng vị trí việc làm với các chức vụ cụ thể: Cơ cấu công chức như cán sự, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính… là chúng ta chưa làm được.

“Khi đến bước xác định cơ cấu công chức, phải dựa vào tiêu chuẩn xác định vị trí việc làm. Nhưng để làm được điều này cần phải có phương pháp tính khối lượng công việc của công chức, cũng như khối lượng công việc của đơn vị và cả thời gian làm việc của cơ quan hành chính đó làm trong 1 năm. Từ đó mới đánh giá được khối lượng công việc, ban hành được vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm phù hợp”, ông Hòa nói.  

Ông Lê Đình Quảng khẳng định: “Có thể nói, đây là nhiệm vụ rất khó và có phần “nhạy cảm”, song nhất định phải thực hiện. Bởi đây chính là cơ sở quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề cải cách chế độ tiền lương và thúc đẩy cải cách hành chính”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *