cai-cach-tien-luong-co-bo-thi,-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien?

Cải cách tiền lương có bỏ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Nên bỏ thi và thay bằng xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Câu chuyện thi nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo đang nhận được nhiều sự quan tâm. Mới đây, hàng nghìn công chức ngành giáo dục trong cả nước đều bày tỏ mong muốn được bỏ kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đầu tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội, gần 2.500 giáo viên đã đồng loạt ký tên vào tâm thư gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở GDĐT đề nghị bỏ kỳ thi thăng hạng với giáo viên, chuyển sang xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Cũng liên quan tới việc thăng hạng chức danh nghiệp, vừa qua Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Chia sẻ riêng với PV Báo Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh – Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Theo thông tư cũ, giảng viên, giáo viên vẫn được thi hoặc xét để nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Bộ LĐTBXH quản lý cấp Nhà nước chỉ tổ chức thi, hoặc xét hạng cao nhất, tức hạng 1 cho công chức, viên chức làm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Từ hạng 2 trở xuống giao cho cơ quan chủ quản cấp trường hoặc địa phương nơi quản lý trường đó tổ chức.

Hiện nay, số nhà giáo trong các cơ sở GDNN đủ tiêu chí, điều kiện để xét nâng hạng 1 khá ít. Vì thế định kỳ từ 2-3 năm, Bộ LĐTBXH mới tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo một lần. Dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, khi Thông tư 07 bắt đầu có hiệu lực thì Bộ LĐTBXH mới tiến hành ban hành các tiêu chuẩn để giảng viên, giáo viên cơ sở GDNN đăng ký thi, xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng vẫn cần xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp để lấy căn cứ xếp lương cho nhà giáo và công chức. (Ảnh minh họa: Dạy nghề xây dựng tại Trường CĐ Nghề công nghiệp Bắc Ninh). Ảnh: Nguyệt Tạ

Với việc thi nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo ở hạng 2 và hạng 3, giao các địa phương thực hiện. Các địa phương phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến, nếu được đồng ý thì mới triển khai. Tuy nhiên, thực tế việc thi nâng hạng, hoặc xét nâng hạng lâu nay gặp khá nhiều khó khăn. “Nguyên nhân là bởi việc tổ chức 1 kỳ thi nâng hạng khá tốn kém, địa phương không có kinh phí. Đó là chưa kể các địa phương cũng không có kinh nghiệm tổ chức, khi tổ chức thì lúng túng, không đưa ra được các tiêu chí, nội dung để xét tuyển hoặc thi. Điều này ít nhiều cũng gây khó khăn cho các nhà giáo”, ông Thịnh nói.

Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1,6 triệu nhà giáo dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông và gần 84.000 nhà giáo dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư 07 của Bộ LĐTBXH mới ban hành đã phần nào giải quyết được những khó khăn đó. Thông tư hướng dẫn điều kiện để xét nâng ngạch cho công chức, viên chức là giáo viên trong các cơ sở GDNN. Theo đó, việc xét tuyển được thực hiện từ cao tới thấp, đối tượng cứ đáp ứng tiêu chuẩn thì được xét. Bỏ thi nâng ngạch thay bằng việc xét tuyển sẽ vừa có lợi cho giáo viên, vừa tiết kiệm được kinh phí cho địa phương.

“Chúng tôi đã đề xuất tổ chức ghép 2-3 địa phương thành 1 hội đồng thi hoặc xét  nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo. Bộ LĐTBXH cũng kiến nghị Bộ Nội vụ cho quy về 1 đầu mối, có thể giao Bộ LĐTBXH chủ trì thực hiện thi nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vì lâu nay Bộ LĐTBXH đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức thi thăng hạng chức danh ở cấp cao nhất”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh các địa phương phải chủ động đề xuất, vì vấn đề này thuộc quyền quản lý địa phương. Nếu địa phương không có ý kiến, bộ không thể làm.

Cũng theo ông Thịnh, Thông tư 07 của Bộ LĐTBXH có nhiều điểm mới có thể tháo gỡ được khó khăn trong việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ như: thành lập hội đồng thi; việc hoán đổi các chỉ tiêu, tiêu chí thi nâng hạng, nâng ngạch được thực hiện linh hoạt; số năm giữ hạng, số năm kinh nghiệm cũng giảm đi… Điều này tạo điều kiện hỗ trợ hơn cho các thầy cô giáo.

Cần thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp để tính tiền lương công bằng

Chia sẻ về việc nếu tới đây, khi cải cách tiền lương thì có cần thi nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không, ông Thịnh cho rằng điều này vẫn cần thiết.

“Thiết kế thang bảng lương theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức ngành giáo dục là xứng đáng, tránh tình trạng như lâu nay ‘tuổi cao lương càng cao’, không hợp lý. Thế nhưng thiết kế tiền lương theo vị trí việc làm cũng phải linh hoạt, tùy từng ngạch, tùy từng bậc. Trong cùng 1 vị trí việc làm cũng cần có sự phân cấp. Muốn tạo ra được sự công bằng trong cách tính lương thì đương nhiên phải đánh giá chất lượng của công chức đó. Muốn đánh giá chất lượng thì đương nhiên phải có thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Nhà giáo dạy nghề pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: N.T

Ví dụ, cùng là 1 ông vụ trưởng, nhưng ông vụ trưởng này có thể có lương cao hơn ông vụ trưởng kia. Lý do là bởi trình độ chuyên môn cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn (vì làm nhiệm kỳ thứ 2), hoặc là lãnh đạo của vụ này phải quản lý, làm nhiều việc hơn…

Tương tự, công chức làm ngành giáo dục cũng vậy, có những người cùng dạy một môn, công tác ở 1 vị trí nhưng năng lực chuyên môn khác, thâm niên giảng dạy khác, thì phải thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp.

“Bởi vậy, tôi cho rằng tới đây dù có cải cách tiền lương thì vẫn cần thi hoặc xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho công chức, viên chức ngành giáo dục, vì mỗi vị trí vẫn nên có cấp bậc khác nhau và tiền lương khác nhau”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về một số vấn đề do Bộ Nội vụ chủ trì trong năm 2023, trong đó có vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cụ thể theo văn bản, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền lợi, lợi ích của đội ngũ viên chức. Hoàn thiện báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *