Cả nước đã tiết kiệm được hơn 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương
Sáng 20/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ vào tháng 10/2023 cho thấy, con số kết dư nguồn để cải cách tiền lương thấp hơn nhiều. So với con số vào thời điểm đó, nguồn cải cách tiền lương đã tăng 120.000 tỷ đồng. Theo Phó thủ tướng, công tác chuẩn bị được triển khai tích cực để chính sách tiền lương mới thực hiện từ 1/7. Hiện nay, các cơ quan đã hoàn thành 19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. 20 bộ ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Cuối tháng 4, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ cải cách tiền lương để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 5. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai chế độ tiền lương mới. Thủ tướng yêu cầu không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng thời điểm, đặc biệt là “không tăng giá vào thời điểm tăng lương”.
Kiến nghị của cử tri cho thấy, nhân dân khá lo lắng khi giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng. Việc này ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ ngày 1/7, khi cải cách tiền lương, tiền lương công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng, thấp nhất 3,8 triệu đồng/tháng. Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) mức lương cao nhất 7,3 triệu; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu đồng/tháng, thấp nhất 2,4 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương theo dự tính chưa bao gồm 30% khoản tiền phụ cấp và thưởng.
Từ 1/7/2024 Chính phủ tiến hành cải cách tiền lương, theo đó cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm.
Tuy nhiên, mới đây, tại phiên họp thường kỳ chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xin ý kiến Quốc hội và Ban bí thư về việc đảm bảo tiền lương thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây. Tức là đảm bảo tiền lương sau cải cách tiền lương cho một bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất – mức lương tối thiểu vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp. Mức cụ thể là trên 5 triệu đồng/tháng.
Công bố lương tham chiếu thay cho lương cơ sở khi cải cách tiền lương
Một vấn đề khác có liên quan tới việc thực hiện cải cách tiền lương, đang được nhiều cử tri, người dân quan tâm nhất hiện nay đó là vấn đề tiền lương mới làm căn cứ đóng BHXH; tính trợ cấp xã hội… thế nào.
Trả lời cho những thắc mắc này của đại biểu, cử tri, mới đây đại diện Chính phủ cho biết, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, thay bằng mức điều chỉnh mới là mức tham chiếu. Mức tham chiếu này, hiện các cơ quan Chính phủ đang tính toán mức phù hợp, khả năng không thấp hơn khi đang áp dụng mức lương cơ sở.
Về mức tham chiếu, ông Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, theo Nghị quyết 28, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở – mức lương này được sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, tính hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, và nhiều chính sách khác.
Các cơ quan của Quốc hội cũng đang tiến hành xem xét, đánh giá cho toàn diện vấn đề này. “Mức tham chiếu cùng với hệ số nhân với nó, cụ thể như thế nào tại thời điểm cải cách tiền lương cũng như áp dụng cho các năm tiếp theo đòi hỏi phải tính toán chặt chẽ, làm sao để người lao động đang làm việc được hưởng quyền lợi tối ưu”, ông Đoan nói.