Cải cách tiền lương phải ưu tiên cho cán bộ y tế cơ sở
Ngày 20/11 vừa qua, tiếp tục phiên làm việc thảo luận nhóm Quốc hội tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5.
Một trong những vấn đề Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời ý kiến của đại biểu được nhiều người quan tâm chính là cải cách tiền lương.
Bà Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế cũng đã đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc.
Hiện nay mức tiền lương của cán bộ y tế cơ sở khá thấp. Ngoài tiền lương cứng cùng các khoản phụ cấp ít ỏi, hầu hết cán bộ y tế không có các khoản thu nhập tăng thêm. Ở một số bệnh viện tuyến trung ương hoặc bệnh viện cơ sở trực thuộc thành phố, có khám chữa bệnh dịch vụ thì có tiền lương tăng thêm hoặc ngoài tiền lương còn có tiền thưởng. Tuy nhiên, nhân viên y tế cơ sở, phường xã… gần như là không có.
Tiền lương của một bác sĩ hạng 3, vừa tốt nghiệp đại học từ 1/7/2023 (sau khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng) chỉ hơn 4,2 triệu đồng, mức tiền lương của một y tá dự phòng hệ số 4,89 cũng chỉ gần 9 triệu đồng.
Riêng tiền lương của nhóm y sĩ là viên chức là thấp nhất. Tiền lương của viên chức có hệ số lương 1,86 chỉ hơn 3,3 triệu đồng/tháng. Cũng trong nhóm này, tiền lương của những viên chức tăng hết bậc (bậc 12) cũng chỉ hơn 7,3 triệu đồng/tháng.
Hầu hết những viên chức, có trình độ cao đẳng đại học, cao đẳng làm việc ở y tế tuyến cơ sở thuộc dạng này có tiền lương thấp khiến nhiều người bỏ việc ra làm khối y tế tư nhân, hoặc chuyển việc.
Hiện nay tiền lương nhân viên y tế thấp nhất đang thuộc về nhóm tiền lương của nhóm đối tượng có trình độ trung cấp. Hiện bảng lương của y tá thuộc ngạch viên chức loại C nhóm 1 được áp dụng hệ số 1,65. Với hệ số của nhóm đối tượng này chỉ nhận được mức tiền lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng.
Tới đây nếu cải cách tiền lương, xác định tiền lương theo vị trí việc làm thì tiền lương nhóm này có thể tăng lên. Theo quan điểm được đề ra tại Nghị quyết 27, tiền lương của công chức, viên chức sau cải cách, mức thấp nhất bằng mức tiền lương của khu vực tư. Hiện nay tiền lương tối thiểu vùng của khu vực tư đang là hơn 3,2 triệu đồng (khu vực IV). Dự kiến mức lương tối thiểu vùng này sẽ tăng lên. Như vậy, tiền lương của nhân viên y tế cơ sở sẽ không thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng ở khu vực tư. Tuy nhiên, với mức lương dự kiến này thì nhóm y sĩ cũng không thể đảm bảo được cuộc sống.
Ủng hộ quan điểm tiền lương cho ngành y phải được ưu tiên khi cải cách tiền lương
Trước đó, chia sẻ về vấn đề tiền lương của nhóm y, bác sĩ, nhiều bạn đọc của Báo Dân Việt ủng hộ quan điểm “ưu tiên nâng tiền lương của nhóm nhân viên y tế”.
Liên quan tới cải cách tiền lương, người lao động là cán bộ, y tế đề nghị có cơ chế tiền lương đặc thù cho ngành này. Nhiều độc giả là cán bộ y tế cho biết, chế độ tiền lương của nhóm này chưa tương xứng với công sức, sự đóng góp của họ.
Bạn đọc Tạ Đình Thúy cho rằng ngành nào cũng có cái khổ riêng, nhưng tiền lương như bây giờ thì thấy tội cho ngành y tế quá. Tiền lương thì thấp mà đòi hỏi họ phải niềm nở, tận tình, hết mình. Nếu có sự cố thì hứng đủ.
Bạn đọc Lê Tuyền (45 tuổi) cũng là giáo viên cấp 2 tại huyện đồng bằng nêu quan điểm: “Tôi cũng là giáo viên. Nghề giáo tuy có vất vả thật nhưng còn được nghỉ hè. Nếu dạy sáng thì có thể được nghỉ buổi chiều và ngược lại. Còn ngược lại, nhân viên y tế thi đầu vào đã khó, học hành cũng vất vả, tiền học phí đắt đỏ, tốn kém, công việc thì vất vả, nguy hiểm, áp lực vô cùng… nên họ xứng đáng có bảng lương cao hơn khi cải cách tiền lương là hợp lý”.
Cùng chung quan điểm, ủng hộ tăng lương, xếp thang bảng lương cao cho ngành y tế khi cải cách tiền lương, bạn đọc Nguyễn Phượng (Hà Nam) cho rằng: “Nghề nào cũng có cái vất vả riêng nhưng nếu đem lên bàn cân thì tôi thấy nghề y là vất vả hơn, thi đầu vào khó, học hành vất vả, học phí thì cao, đến khi đi làm cũng cực kỳ vất vả, thức đêm thức hôm, lễ tết vẫn phải đi làm. Khi có dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt… lại phải đi làm nhiều hơn. Mong rằng sẽ có mức lương hợp lý hơn cho ngành y”.
Theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở đã được điều chỉnh từ mức 40-70% trước đó lên mức 100%, áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.