Khoản chi ngoài lương, phụ cấp sẽ được tính thế nào khi cải cách tiền lương?
Kể từ ngày 1/7, Quốc hội quyết định thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương (gọi tắt là cải cách tiền lương – PV) theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về nội dung quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, trong đó nhấn mạnh về việc:
Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo…
Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, điện thoại…).
Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện.
Theo đó, khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024, sẽ bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo…
Vậy từ 1/7/2024, các khoản chi ngoài lương của công chức, viên chức không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ không bị bãi bỏ.
Cải cách tiền lương: Cán bộ, công chức, viên chức lo ngại vẫn không thể sống được bằng lương
Tâm sự với PV báo Dân Việt trước thềm cải cách tiền lương, chị N.T.N- công chức văn phòng quận Cầu Giấy (Hà Nội) – người có thâm niên 15 năm trong nghề chia sẻ: Thực tế lâu nay nền tiền lương của nhóm công chức, viên chức đơn vị sự nghiệp rất thấp. Ngoài tiền lương, thi thoảng đơn vị có sự kiện, hội nghị hội thảo thì mới có thêm chút kinh phí bồi dưỡng cho anh em.
“Tuy nhiên, khoản tiền bồi dưỡng hội nghị, hội thảo này chủ yếu được tính dưới dạng chi phí cho hội thảo và chỉ được chi trả cho các đại biểu cấp cán bộ lãnh đạo. Bộ phận thực hiện có thêm chút nếu cân đối được ngân sách”, chị N nói.
Chị N chia sẻ thêm, hiện tại tiền lương của chị là hơn 6 triệu đồng, cộng với một vài khoản phụ cấp nho nhỏ được khoảng 7 triệu đồng. Qua nghe ngóng, chị N biết được rằng tới đây khi cải cách tiền lương, tiền lương của chị có thể tăng cao hơn một chút nhưng tất cả các khoản phụ cấp, hay bồi dưỡng lại đều bị cắt đi. Đây chính là điều mà chị N cùng nhiều cán bộ, công chức, lãnh đạo đang thấp thỏm lo ngại.
Cùng chung niềm lo lắng, băn khoăn, anh Nguyễn Văn Nam – Viên chức trong đơn vị sự nghiệp có thu tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đang rất băn khoăn, lo ngại có thể khi cải cách tiền lương, chúng tôi lại sẽ bị rơi vào cảnh lương tăng, thu nhập thực tế giảm. Lý do là bởi lâu nay tiền lương của chúng tôi có thể thấp nhưng thi thoảng còn có khoản bồi dưỡng thêm ví dụ đi hội nghị, hội thảo… phụ cấp, trợ cấp… giờ nếu cắt hết các khoản này có khi lương tăng cũng chưa chắc bù lại được những khoản này”.
Giải đáp thắc mắc, lo ngại của người lao động, mới đây đại diện Bộ Nội vụ cho biết, tinh thần khi thực hiện cải cách tiền lương là nhằm đảm bảo tiền lương của người lao động nói chung phải ít nhất bằng hoặc cao hơn mức tiền lương hiện tại. Tuy nhiên, với các nhóm lao động là viên chức trong đơn vị sự nghiệp có thu (ngoại trừ y tế; giáo dục) các đơn vị đang phải tự chủ 100% thì ban cải cách tiền lương cũng chưa đưa ra được những khuyến nghị cụ thể nào về việc tạo nguồn cải cách tiền lương.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, lãnh đạo một đơn vị sự nghiệp có thu thuộc khối truyền thông cho rằng, ông khá lo lắng khi tới đây đơn vị sẽ phải thực hiện cải cách tiền lương. Lý do là bởi, đến giờ đơn vị vẫn chưa có nguồn để thực hiện.
“Thực tế không phải đến giờ chúng tôi mới cải cách tiền lương mà việc này chúng tôi thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, cũng giống như doanh nghiệp, chúng tôi đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ 100% kinh phí nên muốn tăng lương thì cũng phải có nguồn. Trước đến nay, bất cứ khi nào có nguồn chúng tôi đều thực hiện tăng lương, thiết kế bảng lương phù hợp cho từng vị trí việc làm dựa trên điều kiện về hệ số; về thâm niên, hay cấp bậc”, vị lãnh đạo này nói.