Cải cách Mindon [ phần cuối]

Cải cách Mindon [ phần cuối]
III. SỤP ĐỔ VÀ NGUYÊN NHÂN:
Như hai bài viết trước đã đề cập. Cải cách Mindon diễn ra trong 32 năm, hơn ¼ thế kỉ, đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Thế nhưng trong thực tế, Miến Điện không hề đạt đến viễn cảnh cường thịnh, hùng mạnh như Nhật. Họ vẫn không thể vươn mình thành đế quốc mà cũng chẳng thay đổi được số phận bị quân Anh xâm lược. Vậy tại sao cuộc canh tân thất bại? Dưới đây là một số lí do mà tôi tìm hiểu được.
– KHỦNG HOẢNG HOÀNG GIA [1866]: Đây là 1 trong những nguyên nhân trực tiếp dễ nhận thấy nhất. Cuộc khủng hoảng diễn ra chỉ 13 năm từ khi cuộc canh tân bắt đầu, và nói xuất phát ngay từ những đứa con của Mindon. Được hậu thuẫn bởi một số thế lực thù địch cuộc canh tân, 2 hoàng tử là Myinkun và Myinkhondaing đã tiến hành ám sát vua cha. Mindon thoát chết nhưng hoàng đệ Kanaung thiệt mạng [ vì liều mình bảo vệ anh]. Bọn hung thủ không bao giờ bị trừng trị, chúng bỏ trốn về phương Nam và được người Anh cưu mang [ nên có giả thuyết vụ ám sát này được người Anh giật dây]. Vụ ám sát bất thành này đã dấy lên một cuộc khủng hoảng hoàng gia và tranh giành ngôi vua kéo dài nhiều năm sau đó. Đỉnh điểm của sự rối loại này là việc quý phi Hsinbyumashin tiến hành thảm sát hầu hết con cái của Mindon, chỉ chừa lại duy nhất hoàng tử Thibaw, người sẽ lên ngôi báu.
– ĐỊA LỢI: Khi Mindon lên ngôi, nước Miến vẫn còn rộng gần nửa triệu cây số vuông. Nghe qua thì tưởng như tình hình vẫn còn khả quan, kỳ thực không như vậy. Sau hai cuộc xâm lược, người Anh đã chiếm toàn bộ vùng đồng bằng duyên hải của Miến. Nơi đây lại là vùng đất giàu có nhất vương quốc, không chỉ là đồng bằng màu mỡ nhất mà còn là trung tâm tương mại kết nối Miến với thế giới bên ngoài. Mất đi “ Nam Bộ của Miến Điện”, người Miến phải chật vật xoay sở với phần còn lại đầy rừng núi và những đồng bằng kém màu mỡ hơn. Tuy vùng đất này giàu tài nguyên lâm thổ và khoáng sản, nhưng lại rất khó khai thác nếu không có những trang thiết bị hiện đại [ thứ phải canh tân mới có được]. Ngồi trên đống vàng nhưng lại không ăn được là thảm cảnh của Miến vào thời đó.
* Hiển nhiên, cần lưu ý “ nghèo” ở đây là nghèo so với “ người ta” chứ không phải so với mình. Điển hình là trong cảnh nghèo như vậy mà Mindon vẫn sắm được 10 chiếc tàu hơi nước để đi buôn, trong khi Tự Đức dù vẫn còn sở hữu đồng bằng sông Hồng [ trù phú nhất nước vào thời đó], nhưng mới mua được 4 chiếc thì đã…không chịu nổi.
– BỊ…CẤM VẬN: Đây có lẽ là tình cảnh có một không hai đối với các quốc gia đang canh tân thời đó. Sau khi bị chiếm mất vùng duyên hải, Miến giờ đây bỗng dưng bị biến thành 1 quốc gia nội địa, với biên giới chỉ giáp với 3 nước là … Anh, Thái Lan và Mãn Thanh. Một kẻ đang nhăm nhe xâm lược Miến, một kẻ coi Miến là kẻ thù truyền kiếp, còn gã sau cùng thì vẫn đang khư khư với tư duy…bế quan toả cảng. Chưa đủ nghiêm trọng, khi Mindon vừa lên ngôi, khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc đã làm mưa làm gió khắp miền Nam Trung Quốc. Người Miêu thì nổi lên ở Quý Châu. Rồi tiếp đó vào năm 1856, người Hán tiến hành cuộc thảm sát Côn Minh suốt 4 tháng trời, châm ngòi cho người Hồi giáo ở Vân Nam [ nơi tiếp giáp Miến Điện] khởi nghĩa. Dù có thiện cảm với người Vân Nam, Mindon đành bó tay không thể làm gì để cứu họ lẫn cứu mình. Ông buộc phải nghe theo lệnh cấm vận mà nhà Thanh ban ra, ngừng hết việc buôn bán lên Vân Nam, đồng nghĩa với con đường thương mại vào Trung Quốc bị khoá lại. Tình trạng loạn lạc kéo dài [ đến tận những năm 1870s] khiến cho việc buôn bán với Trung Quốc lẫn mượn đường Trung Quốc để giao thương/giao lưu ra nước ngoài đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn việc mượn con đường phía Nam tất phải chịu sự kiểm soát của người Anh, kẻ đang chuẩn bị kết liễu Miến Điện. Có thể thấy, việc người Anh đánh chiếm vùng duyên hải không hề ngẫu nhiên, đây là một quyết định có tính toán, nhằm cắt đứt Miến Điện khỏi mọi mối liên hệ từ bên ngoài, giáng một đòn nặng nề vào mọi nỗ lực mở cửa thông thương nếu có.
IV. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:
Gánh nặng chi phí ngày càng đè nặng lên triều đình Miến. Vào những năm cuối, Pho Hlaing trong một bản báo cáo đã cho biết tình trạng bi đát lúc đó. Ông cho biết chi phí tiêu tốn cho cuộc canh tân quá lớn, buộc triều đình phải tăng thuế. Dân chúng không chịu được mức thuế tăng, đang dần dần bỏ Thượng Miến chạy vào vùng duyên hải [ do Anh quản lí]. Nhân lực Miến bị tổn thất nghiêm trọng. Để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách, Pho Hlaing phải đề ra cả biện pháp thảm hại nhất: bán…vé số [ năm 1878], thứ mà ông từng chơi thử khi còn du học ở Pháp. Nhưng tiền bán vé cũng chẳng thấm vào đâu, trong khi các tăng ni kịch liệt phản đối hình thức cờ bạc mới này. Chỉ hai năm sau, vé số bị bãi bỏ.
Triều đình Kobaung trong cơn tuyệt vọng cầu cứu Pháp. Lúc này, Pháp đã sắp hoàn thành cuộc chinh phục Đông Dương [ Việt, Lào, Cambodia]. Năm 1885, ngay khi đang đánh chiếm kinh thành Huế, một công sứ Pháp là M.Hass đã đến Mandalay. Ở đây, ông ta kí với Kobaung nhiều điều khoản nhượng bộ rất hời, như cho phép thiết lập nhà băng Pháp, chuyển nhượng cho Pháp quyền quản lí đường sắt Thượng Miến và thậm chí là được độc quyền giao thiệp với Miến Điện. Nhưng mọi nỗ lực vái tứ phương của Miến đều trở thành vô dụng. Ngay sau khi người Anh phản ứng, M.Hass lập tức bị gọi về nước “ vì lí do sức khoẻ”. Những nỗ lực cuối cùng của Miến chỉ càng khiến Anh sốt ruột, mong chiếm Miến cho nhanh để khỏi “ đêm dài lắm mộng”. Cuộc xâm lăng diễn ra ngay vào tháng 11 năm đó. Trong 22 ngày, vua Thibaw và hoàng tộc bị bắt làm tù binh. Dù ở nhiều nơi, phong trào kháng chiến vẫn tiếp tục duy trì thêm 10 năm nữa, nhưng nền độc lập Miến đến đây coi như đã chấm dứt.
V. KẾT LUẬN:
Tham khảo về cuộc cải cách Mindon, ta càng hiểu rõ hơn về tính rủi ro và những khó khăn mà một cuộc duy tân phải trải qua, ngay cả khi có 1 đội ngũ lãnh đạo sáng suốt dẫn dắt nó. Qua đó, ta càng có cơ hội nhìn lại những khó khăn và thuận lợi của nước ta so với Miến, Nhật, cũng như có một cái nhìn thực tế hơn giả định “ Đại Nam đã thành đế quốc nếu duy tân như Nhật”. Vì phải thay đổi và xây dựng quá nhiều thứ, nên duy tân là một quá trình kéo dài, cần rất nhiều vốn, thời gian và nhân lực có trình độ. Cho nên, ngay cả khi cuộc đổi thay bắt đầu từ đời Minh Mạng, thì có thể phải đến những năm 1870s-1880s nước ta mới có đủ tiềm lực để bành trướng mà không sợ bị các đế quốc phương Tây đe doạ. Còn nếu đến khi kí hoà ước Nhâm Tuấn 1862 mới bắt đầu canh tân, thì tương lai của nước ta – dù chưa hoàn toàn vô vọng – đã rất hiểm nghèo rồi.

Nguồn: Phach Ho Nguyen



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *