CÁI ÁN MẠC ĐĂNG DUNG

CÁI ÁN MẠC ĐĂNG DUNG

SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN BÁC BỎ “BẢN CÁO TRẠNG” CỦA SỬ GIA TRẦN TRỌNG KIM

“Tòa phúc thẩm” của sử gia Phạm Văn Sơn được trích nguyên văn Việt sử toàn thư như sau:

?Theo cáo trạng của Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược trang 274 :

“Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là người nghịch thần, đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cửi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lậy trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là mộtngười không biết liêm sỉ.

Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cơ nghiệp dựng nên bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy mà con cháu họ Lê lại trung hưng lên được …”

Xét bản cáo trạng và cả lời luận tội của tác giả Việt Nam Sử Lược ta thấy có vẻ dễ dàng và quá giản dị khiến ta ngạc nhiên về lối suy luận của tác giả, một nhà Nho kiêm cả tân học. Căn cứ vào cuốn sử nào mà Trần Trọng Kim đã hạ những nhát búa quá nặng nề đối với nhà Mạc, một triều đại mà ta không thể phủ nhận tinh thần phục vụ quốc gia của họ? Trên tờ Đời Mới năm 1951 ông Lê Văn Hòe có viết một bài khảo luận khá đầy đủ để minh oan cho Mạc Đăng Dung. Họ Lê đã tỏ ra có công tâm trong vụ này.

Theo ông Lê thì cả sử Tầu lẫn sử ta đã vô tình hay hữu ý; hữu ý có bề nhiều hơn trong việc miệt thị đối phương. Đó là thói thường của họ, mà gần đây cả các sử gia Âu châu cũng không tránh khỏi thói xấu này. Sử Tầu đã chép hai bà Trưng bị quân Đông Hán bắt được, xin làm tì thiếp không được rồi bị đem về chém ở Lạc Dương, bà Triệu Thị Trinh thì gọi là Triệu Ẩu (chữ Ẩu có nghĩa là mụ, đã phô bầy rõ sự hằn học, cục cằn của sử gia Tầu khi nói đến một nữ anh hùng cách mạng của một địch quốc).

Sử ta như Việt Sử Toàn Thư, Đại Nam Thực Lục là những cuốn sử do chúa Trịnh sai chép từ đời Lê Trang Tông đến Gia Tông, đến sử nhà Nguyễn thì lại càng dễ hiểu. Họ Mạc đã thí vua Chiêu Tông, và đầu độc Nguyễn Kim tổ phụ nhà họ Nguyễn, tóm lại nhà Mạc là kẻ thù số một của cả Trịnh lẫn Nguyễn luôn từ năm 1527 đến 1592. Hai bên đều nhúng tay vào máu của nhau khá nhiều thì các sử gia của Trịnh và Nguyễn há dám giữ mực vô tư chăng? Dưới thời quân chủ độc tôn, phong kiến chuyên chế, đa số các nho thần chỉ biết uốn ngòi bút theo giòng tư tưởng của nhà vua, nhà chúa thì ta không lạ gì nếu họ Mạc bị bôi nhọ, và sự nghiệp ngót 150 năm của Mạc triều bị lãng bỏ để lu mờ với thời gian.

☘️Chúng ta hãy đi vào các chi tiết:

Mạc Đăng Dung bị buộc là nghịch thần, vì giết vua cướp nước, cắt đất dâng địch, thiếu liêm sỉ, nhân phẩm, gian ác không được bền vững lâu dài.

Mở cuốn sử đời Hậu Lê, coi đoạn nói về các vua Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, ta thấy các ông vua này hầu như vừa bước lên ngai vàng đã chém giết lẫn nhau, đồng thời giết cả các đại thần. Dĩ nhiên việc này phải xẩy ra vì mỗi ông vua hay ông hoàng thường có một phe nhóm riêng, do đó khi một vị bị hạ thì nhiều thủ túc thành nạn nhân của thời cuộc.

Vua Uy Mục còn giết theo cả bà Thái hoàng thái hậu (chết theo có hai đại thần Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật). Giản Tu giết Uy Mục rồi làm bao nhiêu chuyện hoang dâm, vô đạo khác, xây đắp rất nhiều điện đài, hao tốn công nhu và nhiều sinh mạng.

Có thể coi thời đó là một thời không đại loạn chăng? Ai chịu trách nhiệm về các mối loạn này? Các ông vua trên đây có còn xứng với địa vị nguyên thủ của mình nữa chăng?

Hậu quả của những hành động trên đây là triều đình từ đó bị một cuộc khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng. Quan to quan nhỏ hoang mang, dân chúng cũng lo sợ, ai ai cũng thảng thốt sẽ đến lượt mình bị lôi kéo vào các cuộc tranh giành ảnh hưởng. Rồi các việc trên đây thành một cái rớp. Nó mở đường cho bao nhiêu cuộc phiến động khác, đúng câu “Thượng bất chính hạ tắc loạn”.

Ngoài các kẻ đã bị chết, có kẻ oan, có kẻ chẳng oan, còn lại mấy nhân vật khác không kém quan trọng, đó là Trần Chân, Mạc Đăng Dung, Nguyễn Hoằng Dụ v.v… là những nhân vật có đầu óc, có khí cương cường và cũng có cả quyền bính. Tất nhiên các con người ấy, dầu muốn hay không, đã phải có một thái độ nào đối với thời cuộc,chớ đâu chịu ép trong cái thế bị động. Họ biết rằng nếu nằm ép trong cái thế bị động thì chắc chắn phải đi đến chỗ chết uổng hay sống hèn. Họ còn nghĩ rằng thời có loạn, anh hùng mới có dịp thi thố tài ba, xây dựng sự nghiệp.

☘️Vì vậy Mạc Đăng Dung chẳng xuất hiện vào giờ phút này tất nhiên cũng có kẻ khác bước ra để làm một cuộc cách mạng. Họ Mạc không ra tay cũng không xong, vì vua Chiêu Tông đã mưu với Phạm Hiến, Phạm Thư hạ sát họ Mạc, khi Mạc vừa trừ xong nhiều vụ loạn đời bấy giờ (loạn Trịnh Tuy, Trần Cao, Lê Do, Hoàng Duy Nhạc v.v…) bởi dẹp xong các vụ loạn này thanh thế Mạc Đăng Dung bốc lên như gió.

Tóm lại vào thời các vua Tương Dực, Uy Mục, triều đình đã suy đốn, hôn ám, vô đạo, thác sinh đủ mối loạn, trên không ra trên, dưới không ra dưới, nghi ngờ mà giết nhau, hoang mang mà hại nhau, người làm tôi không còn biết đạt chữ trung vào đâu nữa.

Tác giả Nho Giáo cũng là họ Trần, đã từng nói đến chữ Trung và chữ Trinh quá thiên về lý thuyết, không nhìn thấy các tội ác của mấy ông “quỷ vương” nhà Hậu Lê nên đã khép Mạc Đăng Dung vào tội nghịch thần.

☘️Ông Lê Văn Hòe trái lại, nói: “… Muốn họ Mạc cung cúc tận tụy thờ các vua Uy Mục, Tương Dực thật là bắt Võ Thang thờ Kiệt Trụ” Và triều Lê rối loạn hai chục năm rồi Mạc Đăng Dung mới bước lên sân khấu để thay trò đổi cảnh, kể ra đã chịu nghe ngóng lòng người, xét suy thời cuộc nên tới năm Đinh Hợi mới nhẩy ra lãnh vai trò hoán cải chánh sự không thể bảo là vội vã và thiếu thận trọng.

Ông Lê còn nghĩ nếu giết vua là nghịch thần bất kể trường hợp hữu lý hay không thì lịch sử các quốc gia chỉ có và chỉ nên có một dòng họ làm vua mà thôi chăng? Lý Công Uẩn cướp ngôi nhà Tiền Lê, Lê Hoàn tư thông với Dương Hậu thay thế nhà Đinh, Trần Thủ Độ lừa gạt một cô gái nhỏ (Lý Chiêu Hoàng), xét việc họ Mạc cướp ngôi nhà Hậu Lê còn đàng hoàng hơn. Hạ sát vua Chiêu Tông, Mạc chỉ có mục đích hủy bỏ cái bình phong mà các lãnh tụ phong kiến đã dùng để che đậy hành động mưu đồ vương bá của họ và vì cả lý do bảo vệ cho chính bản thân nữa.

Và đứng trên quan điểm nhân dân thì lại càng vô lý, nếu người ta muốn rằng đám vua quan ác bạo thối nát đời bấy giờ cứ đè đầu cưỡi cổ người dân mãi mãi. Không có họ Mạc ra đời thuở đó, thì trong nhân dân cũng phải có một người khác nhẩy ra để thiết lập trật tự mới. Có bao giờ trong một quốc gia chỉ có một dòng họ duy nhất xứng đáng để làm vua, còn những dòng họ khác chỉ đủ tư cách làm thứ dân mà thôi?

Điều gàn dở của mấy nho thần viết sử đã thiếu lý luận và nhận xét thực tế, cứ luôn luôn đem chữ Trung và Trinh ra đọc như kinh nhật tụng, dậy người ta Trung, Trinh một cách bừa bãi, bất kể trường hợp nào. Nói cách khác, cuộc sống của con người vô cùng phức tạp, mỗi chặng đường đi phải có một lối xử thế riêng, đâu có thể lúc nào cũng Trung và Trinh một cách máy móc, phải chăng cái sở học của thời phong kiến tai hại và lạc hậu là ở chỗ này?

Tác giả Kim Vân Kiều là Nguyễn Du cũng nặng về giáo lý Khổng Mạnh mà còn có câu này:

Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền nào phải một đường chấp kinh

thì ta thấy tuy Nguyễn Du không làm sách dậy người ta Trung, Trinh mà ông hiểu chữ Trung, Trinh rất là khoáng đạt, sáng suốt.

☘️Nay chúng ta thử hỏi “Họ Mạc có thể hết lòng phù trợ con cháu vua Thái Tổ nhà Hậu Lê được chăng?”

Một thời đại hỗn loạn như thời Tương Dực đế, Uy Mục đế, Hoàng gia cũng kéo bè kéo đảng, các triều thần tướng lĩnh cũng năm lòng bẩy dạ, chẳng ai tin ai thì Mạc Đăng Dung có thiết tha phù Lê diệt ngụy cũng không được. Mạc dẹp xong các mối loạn, quy phục được các lực lượng phiến động, uy tín tất nhiên lên cao thì bao nhiêu kẻ ghen ghét xúm nhau dèm pha khiến họ Mạc dầu muốn hay không cũng phải bước từ thế thủ sang thế công, nhất là có sẵn binh lực trong tay. Ở địa vị họ Mạc, không ai làm khác hơn.

☘️Còn việc cắt đất cầu hòa của họ Mạc?

Để bãi một cuộc chiến tranh với một cường quốc trong khi dân mình yếu hèn, rối loạn. Họ Mạc phải cắt năm động thổ mán vùng thượng du, thật ra chưa là bao. Đây không hơn không kém là cái lối cũ nước Tấn hiến ngọc và ngựa quý cho nước Ngu, Hán Cao Tổ nhường Quang Trung cho Hạng Vũ khi xưa để hòa hoãn với địch trong một giai đoạn. Lịch sử cổ kim Đông Tây, chuyện này rất thường. Ngay gần đây, năm 1854, Nhật phải mở hải cảng Hạ Điền, Châu Quan cho Mỹ, mở Deshima cho Hòa Lan vào giao thương, và gượng gạo đón chào cả Pháp, Bồ Đào Nha cùng một lúc.

Năm 1876, Nhật mạnh sau cuộc duy tân, đến lượt Nhật bắt Triều Tiên mở ba hải cảng cùng đặt ngoại trị pháp quyền ở đây. Trung Hoa với nhà Thanh gần đây phải cắt Hương Cảng cho Anh, nhường Mãn Châu cho Nhật, đó là chuyện yếu phải nhường mạnh, thiếu gì việc như vậy, hôm qua cũng như hôm nay.

Tóm lại trên trường chính trị quốc tế, việc nhường đất để giảng hòa, để bãi một cuộc binh đao tai hại hơn, các nhà lãnh đạo vẫn phải làm. Nhà viết sử không chiếu xét kỹ tình thế mà cứ hạ lời phê phán gắt gao không khỏi có sự cố chấp, nông cạn.

Trái lại không lượng sức mình mà đưa cả dân tộc vào chiến tranh đến nỗi mất cả xứ sở, chết chóc muôn vạn sinh mạng, đó mới là xuẩn động và đáng trách. Tại đây chúng tôi xin ngừng lại để chúng ta cùng suy tưởng: cái bại trận dưới thời nhà Hồ chưa đủ cho ta rút kinh nghiệm sao? Nước ta dưới thời Uy Mục, Chiêu Tông có nên có một chính sách găng trì với nhà Minh không? Nếu nói rằng không thì Mạc Đăng Dung nhường năm động ngoại biên là có ý thức sáng suốt về thời vụ và đó là một hành động khôn khéo cần được tán thưởng.

Ngoài việc nộp 5 động, Việt Nam Sử Lược còn nói Mạc Đăng Dung cửi trần, tự trói mình trước cửa viên của địch có thật chăng? Sử nào chép chuyện này?

Chúng tôi e rằng việc này đã căn cứ vào tài liệu trong An Nam Truyện quyển 231 có nói đến quyết định của vua Minh Thế Tông là: “Nếu cha con họ Mạc chịu trói và quy hàng thì sẽ tha tội chết”. Theo chúng tôi đây chỉ là cách nói mà thôi cũng như câu “Bó giáo lai hàng”, còn trên thực tế miễn có sự quy thuận của đối phương chứ có mấy khi người ta áp dụng hẳn hoi hình thức này. Trái lại nếu người ta bắt được kẻ địch tự trói ra hàng thì kẻ đó khó lòng mà thoát chết (tỷ dụ trường hợp tướng Phạm Ngô Cầu giữ thành Thuận Hóa cho họ Trịnh năm Bính Ngọ (1786) thấy quân Tây Sơn mạnh quá vội xé áo bào và tự trói mình xin hàng thì bị Nguyễn Huệ mang giết).

Nay xét tình trạng và tâm lý của Mạc Đăng Dung thuở đó có thể có chuyện tự trói mình trước cửa viên của Mao Bá Ôn không?

Chúng tôi quyết đoán rằng không, bởi vì lúc này trong nước có lực lượng của vua Lê Trang Tông và Nguyễn Kim đang dấy động, bên ngoài thì quân Minh đang đánh ở biên cương, họ Mạc dại gì mà nghe giặc tự trói mình để lao mình vào cuộc phiêu lưu vô cùng nguy hiểm. Một con người xuất thân hàn vi rồi trở thành danh tướng, đánh Đông dẹp Bắc hạ bao nhiêu kẻ địch lợi hại, con người ấy phải là một kẻ anh hùng lỗi lạc, đâu có thể dễ tin giặc Bắc như vậy. Trong trường hợp này đàn bà con nít cũng chẳng khờ khạo đến thế.

☘️Một chứng cớ nữa về sự khôn ngoan của Mạc Đăng Dung là khi Mao Bá Ôn đưa thư sang đòi Mạc nộp sổ sách ruộng đất, nhân dân và chịu tội thì được tha chết như Việt Nam Sử Lược đã chép, họ Mạc chỉ phái bọn Nguyễn Văn Thái lên Nam Quan để điều đình. Việc này xẩy ra vào năm Đinh Dậu (1537). Phái đoàn Nguyễn Văn Thái thành công nên Bắc quân không tiến vào nội địa nước ta nữa.

Rồi tháng 11 năm Canh Tý (1540) quân Bắc lại sang. Lần này họ Mạc biết rõ tình ý của nhà Minh chỉ làm chuyện diệu võ dương uy mà thôi, nên đã thân hành lên gặp người Minh. Sự thật đôi bên cần giáp mặt nhau để cùng quyết định mọi vấn đề đã nêu ra ba năm trước mới có tính cách đại cương, sơ bộ mà thôi.

☘️Một điểm khác, ngoài điểm tâm lý của Mạc Đăng Dung, trong việc đụng chạm với người Minh thuở ấy đã nói khá nhiều ở trên, còn thái độ của Mạc Đăng Dung cũng cần phải xét để hiểu Mạc Đăng Dung có hèn như Việt Nam Sử Lược đã nói không. Ta xem bài thơ xướng họa giữa Mao Bá Ôn và cụ trạng Giáp Hải nhà Mạc thì càng rõ, kẻ xướngcó vẻ kiêu căng mà người họa không kém phần ngạo nghễ.

Nào biết nơi tan duy biết tụ
Chỉ hay khi nổi nọ hay chìm
Giữa trời giông tố thình lình nổi
Quét bạt ra khơi hết kế tìm.

(Mao Bá Ôn)

Sóng dồn ngàn lớp không xô vỡ
Gió rập muôn cơn khó đánh chìm
Rồng cá ít nhiều nương dưới đó
Cần câu Lã Vọng hết mong chờ.

(Trạng Giáp Hải)

Vua tôi nhà Mạc đã dám ăn miếng trả miếng đến nơi đến chốn như vậy mà bảo rằng chính những người này đã phải quỳ lậy trước cửa tướng của địch, ta có thể tin được chăng? Và cứ khẩu khí bài thơ họa của nhà Mạc đã đáp lại bài nguyên xướng của Mao Bá Ôn ở trên, từng điểm thì đủ rõ, ta thấy nếu Minh quá găng thì Mạc cũng dám đo gươm thử giáo. Vậy họ Mạc không hèn như người ta đã nói.

☘️Trần Trọng Kim còn cho rằng Mạc đã xây dựng sự nghiệp trên sự tàn ác nên không bền. Lời phê phái này lại càng hàm hồ nữa. Ông Lê Văn Hòe cho rằng người ta đã cố ý quên rằng nhà Tiền Lê, nhà Hậu Lý, nhà Trần và các chúa Trịnh sau này cũng đi đường lối ấy. Các xã hội phong kiến bao giờ cũng gây ra những cuộc đảo lộn ngai vàng. Nó hư hỏng ngay từ nền tảng, khuôn nếp hay hệ thống tổ chức thì mối loạn là một tình trạng thường trực không sao tránh được nếu không làm gì có nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh bên Trung quốc.

Nếu cho rằng nhà Mạc đã làm việc gian ác, thì Trần Thủ Độ âm mưu với Trần Thị (vợ vua Lý Huệ Tông) đem cháu trai vào cung bầy cuộc hôn nhân để chiếm ngôi nhà Lý. Thủ Độ lại lấy vợ của Huệ Tông là em gái họ mình, giết hết con cháu nhà Lý, ép vua Trần Thái Tông bỏ Chiêu Hoàng lấy chị dâu là vợ Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh đã có thai 3 tháng, ra lệnh cho con cháu nhà Trần lấy nhau, các hành động đó có gian ác không? Vậy mà họ Trần còn làm vua được 175 năm.

Nhà Tây Sơn sau này dấy nghiệp lên trừ tham nhũng của bọn Trương Phúc Loan, đạp đổ chế độ tồi bại của hai họ Trịnh, Nguyễn ở miền Nam Bắc Hà, giải nạn xâm lăng cho dân tộc, oanh liệt đàng hoàng như vậy mà chỉ ở ngôi có 24 năm, có nói được là bền chăng?

Nhà Mạc phát khởi từ năm 1527 đến 1667 mới tuyệt hẳn. Nhìn vào việc mở mang văn học, chính trị, kinh tế, ta thấy họ Mạc cũng đã có nhiều thiện chí với dân với nước và với sự lâu bền trên đây bảo rằng dân không theo, không mến sao được. Tiếc rằng nhà Mạc khởi nghiệp chưa lâu, trong nước đã có phong trào qua phân Nam Bắc rồi nước Việt Nam ở vào thế chân vạc (Trung Nam Bắc), Bắc thuộc Mạc, Trung từ Thanh đến Nghệ thuộc Lê-Trịnh, Nam từ Bố Chính (Quảng Bình) trở vào thuộc Nguyễn, gây nên bao nhiêu cuộc lộn xộn để rồi cùng mang tội với quốc dân.

☘️Tóm lại cái án Mạc Đăng Dung cần phải xóa bỏ trên bộ quốc sử của chúng ta để tránh một sự vu khống và thóa mạ tiền nhân một cách bất công và vô lý. Chúng tôi tin rằng các trí thức và học giả ngày nay suy xét hay bầy tỏ sự việc không hàm hồ như một số sử thần của thời phong kiến vừa qua.

Ảnh: Mạc Đăng Dung lạy thánh chỉ của hoàng đế Minh Thế Tông. Tranh in trong cuốn An Nam lai uy đồ sách.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *