Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến 12/3 đã có tổng cộng hơn 2 triệu người rời khỏi Ukraine sang lánh nạn tại các quốc gia láng giềng. Dự báo, con số này sẽ tăng lên mức 4 triệu trong vài ngày tới. Trước đó, LHQ dự báo số người tị nạn từ Ukraine sẽ lên tới 4 triệu người vào tháng 7, song dựa trên tình hình thực tế, con số này sẽ phải điều chỉnh lên mức cao hơn. Đây được xem là thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu.
Các quốc gia tiếp giáp với Ukraine như Ba Lan, Slovakia, Romania, Hungary và Moldova đang căng mình với công tác cứu trợ người tị nạn. Nhưng khi chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, dòng người tị nạn không ngớt gia tăng, thì mọi việc dường như ngày càng trở nên khó khăn. Thống kê cho thấy khoảng 2/3 người tị nạn Ukraine muốn tạm thời lưu trú ở Ba Lan với hy vọng chiến sự sớm kết thúc để có thể trở về. Số còn lại tới các nước láng giềng Hungary, Moldova, Romania và Slovakia, hoặc từ Ba Lan trung chuyển sang một số quốc gia châu Âu khác như Anh, Đức, Pháp…
Mặt trái của cuộc di cư quy mô lớn của người tị nạn là có thể dẫn đến gánh nặng về kinh tế của nước sở tại, suy thoái môi trường do rác thải tích tụ, cùng bất ổn xã hội đi kèm với tỷ lệ tội phạm gia tăng. Không thể phủ nhận người tị nạn mang lại những tác động kinh tế tích cực cho các cộng đồng địa phương, song sự xuất hiện của người tị nạn dẫn đến sự cạnh tranh về việc làm với người dân sở tại. Sự quá tải dòng người tị nạn cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của cộng đồng dân cư địa phương. Đó là bài toán không dễ tìm lời giải mà các quốc gia EU đang phải đối mặt. Ngày 18/3, Liên minh châu Âu đã công khoản tài trợ khẩn cấp ban đầu 500 triệu euro để giúp giải quyết các hậu quả nhân đạo do chiến tranh. Các quan chức cũng đang nỗ lực để có thêm nhiều khoản hỗ trợ bổ sung giúp người tị nạn Ukraine sớm hòa nhập
Về vấn đề tị nạn do chiến tranh thì các nước châu Âu vẫn áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn năm 1951, tức là sau Thế chiến 2, nhằm áp dụng cho những người tị nạn tạm thời do chiến tranh tại châu Âu. Điều này có nghĩa họ chỉ sống tại một quốc gia khác một thời gian, sau đó trở lại quê nhà khi hòa bình lập lại. Đơn cử như những năm 1950, Đan Mạch đã nhận hơn 260.000 người Đức, hầu hết đã quay về nước vài năm sau đó. Sau khi Công ước 1951 được thông qua, các tình huống tị nạn bắt đầu phát sinh. Điều này dẫn tới việc Liên Hiệp Quốc muốn Công ước 1951 trở thành công cụ quốc tế chung cho người tị nạn và đưa tới nghị định thư về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1967. Tới nay 114 quốc gia trên thế giới đã trở thành thành viên của Công ước 1951 và/hoặc nghị định thư năm 1967. Ukraine là một phần của châu Âu.
Những quốc gia Châu Âu dễ thấy ở Ukraine những điểm tương đồng với những gì họ đã phải trải qua và chịu đựng trong Thế chiến 2. Hơn thế nữa, người dân Ukraine tháo chạy là do chiến tranh, không phải vì lý do kinh tế. Họ cũng không đem lại nỗi lo về nạn kh.ủng b.ố hay cuồng tín cực đoan. Trong một tuyên bố trước Nghị viện châu Âu ngày 8/3, Ủy viên các vấn đề nội vụ của EU, Ylva Johansson, tuyên bố rằng tất cả những người Ukraine đang tìm cách chạy khỏi xung đột sẽ được các nước EU chào đón với vòng tay rộng mở. Bà nhấn mạnh: Sẽ còn hàng triệu người nữa đi lánh nạn và chúng ta phải chào đón họ.
Trước đó, các quốc gia EU đã quyết định kích hoạt Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời (TPD), cho phép mọi công dân Ukraine được sống và làm việc tại EU trong tối đa 3 năm. Người Ukraine cũng sẽ được tiếp cận giáo dục và nhà ở mà không cần phải xin tị nạn. EU cùng với Na Uy và Thụy Sĩ đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2015 và 2016. Theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, Ba Lan là điểm đến đầu tiên của người tị nạn Ukraine. Hiện có hơn 1 triệu người Ukraine đang ở Ba Lan, trong khi số người Ukraine ở các nước châu Âu khác là khoảng 258.000 người. Mỗi ngày có thêm khoảng vài chục nghìn người Ukraine đổ sang Ba Lan.
Kể từ khi những người tị nạn Ukraine đầu tiên chạy sang các nước láng giềng, Ba Lan đã huy động một đội quân tình nguyện khổng lồ nhằm hỗ trợ cung cấp thực phẩm, chăn màn và chăm sóc sức khỏe. Hàng nghìn gia đình Ba Lan sẵng sàng mời người Ukraine tạm trú tại nhà của họ. Quốc hội Ba Lan đang xem xét một dự luật cho phép người Ukraine được cư trú ngay lập tức trong 18 tháng, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng, chính quyền địa phương và các gia đình đang tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Hai thành phố lớn là Warsaw và Krakow của nước này đã thực sự ngột ngạt vì dòng người tị nạn. Tại Warsaw, trung tâm tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thành phố gần như quá tải. Người tị nạn chiếm hơn 10% dân số thủ đô Ba Lan. AP dẫn lời Thị trưởng Warsaw Rafal Trzaskowski: Chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai… Tình hình trở nên khó khăn hơn mỗi ngày. Còn ở Krakow, chính quyền thành phố đã trích khoản tiền lớn từ quỹ cứu trợ khẩn cấp để cung cấp thức ăn cùng các nhu yếu phẩm và nơi trú ngụ cho người tị nạn. Với lượng lớn người tị nạn dồn tới liên tục, tình hình tại các ga tàu ở Krakow được mô tả là “bi thảm”, theo một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động cứu trợ tại đây. Tại thị trấn Hrubieszow của Ba Lan giáp biên giới Ukraine, người đứng đầu thị trấn Marta Majewska cho biết đã dành toàn bộ ngân sách ứng phó khủng hoảng của địa phương và số tiền hỗ trợ từ cấp trên để vận hành một trung tâm tiếp nhận người tị nạn: “Tôi lo lắng nhất về hóa đơn tiền điện… Thị trấn không thể tiếp tục chống đỡ được nữa”.
Thủ đô Bucharest của Romania đã xem xét việc biến các trung tâm hội nghị và trung tâm thi đấu trong nhà thành nơi cư trú cho người tị nạn. Hungary thì đang nghiên cứu để có thể dành các bảo tàng, đấu trường thể thao và các tòa nhà công cộng ở Budapest cho người tị nạn trú ngụ. Romania – quốc gia cũng có chung biên giới với Ukraine – đã tiếp nhận khoảng 364.000 người di cư.
Moldova là quốc gia nghèo nhất châu Âu về thu nhập bình quân đầu người, đã tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp để lo cho người tị nạn.
Chính phủ Hungary cũng đang trợ cấp cho những người thuê nhân công là người tị nạn để giúp họ trang trải chi phí ăn ở và đi lại. Tại Cộng hòa Czech, Thị trưởng Praha Zdenek Hrib đã kêu gọi bổ sung thêm ngân sách từ chính phủ để giúp tiếp nhận người tị nạn.
Slovakia, quốc gia có 5,5 triệu người, đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử, với hơn 176.000 người tị nạn tính đến 13/3.
Tính đến ngày 9/3, Đức đã tiếp nhận khoảng 80.000 người tị nạn từ Ukraine. Berlin đã ngay lập tức cho phép những người Ukraine tới nước này được tìm việc làm và trẻ em được đi học. Đức cũng là một trong những nước đầu tiên cung cấp dịch vụ đi tàu miễn phí từ Ba Lan sang Đức, đồng thời hỗ trợ người dân Ukraine tìm chỗ ở hoặc sắp xếp việc đi lại. Ước tính mỗi ngày riêng Berlin đã tiếp nhận hàng chục nghìn người và dòng người tị nạn vẫn không ngừng đổ về. Ngày 11/3, Thị trưởng Berlin Franziska Giffey thông báo thành phố bắt đầu quá tải.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết nước này đã tiếp nhận hơn 7.500 người tị nạn. Pháp đang chuẩn bị tiếp nhận thêm 100.000 trong những tuần tới. Nhà ga Gare de l’Est của Paris là điểm đón chính đối với những người tị nạn từ Ukraine. Chính quyền các địa phương đã thu xếp chỗ ở tạm thời cho người tị nạn Ukraine, bao gồm cả những người đến Calais với hy vọng xin được thị thực vào Vương quốc Anh. Chính phủ Pháp đã thiết lập một trang web để giúp kết nối các gia đình cung cấp chỗ ở với các tổ chức từ thiện.
Italy, nơi có một trong những cộng đồng người Ukraine lớn nhất châu Âu, đã tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn tính đến 9/3. Theo chính phủ Italy, tổng số người Ukraine tới nước này có thể lên tới 800.000 người. Italy xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người Ukraine đến nước này. Một số người tị nạn được bố trí lưu trú trong các khách sạn từng sử dụng làm nơi cách ly người mắc Covid-19.
Lãnh đạo các khu vực của Tây Ban Nha dự kiến sẽ họp vào cuối tuần này để thảo luận về cách thức tiếp nhận những người Ukraine sắp tới. Tây Ban Nha đã tiếp nhận khoảng 2.000 người tị nạn Ukranine và đang mở rộng các cơ sở để tiếp nhận thêm tới 12.000 người trong những tuần tới.
Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc cho biết nước này đã tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn Ukraine kể từ ngày 24/2. 4 ngày sau khi Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời được các quốc gia EU đưa ra vào ngày 3/3, chính phủ Séc đã xử lý khoảng 57.000 thị thực “đặc biệt”, hơn một nửa trong số đó là dành cho trẻ em. Cộng hòa Séc có cộng đồng người gốc Ukraine khá lớn, với hơn 197.000 người trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Theo các quan chức của Bộ Di trú Hy Lạp, nước này đã tiếp nhận khoảng 7.000 người Ukraine kể từ khi làn sóng tị nạn bắt đầu. Bộ trưởng giáo dục Niki Kerameus cho biết, hơn 1.000 trẻ em tị nạn đã sẵn sàng đăng ký vào các trường học địa phương và các lớp học đặc biệt đã được thiết lập cho những người không biết ngôn ngữ bản địa.
Sau khi bị chỉ trích chậm trễ trong việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine, Chính phủ Anh ngày 10/3 thông báo sẽ cho phép cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tiếp nhận những người tị nạn Ukraine. Theo The Guardian, cộng đồng có thể cung cấp chỗ ở và việc làm cho những tị nạn khi chính phủ công bố một tuyến đường nhân đạo dẫn tới Anh cho những người chạy khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Những người tị nạn này sẽ có thể làm việc, tiếp cận các phúc lợi của nhà nước và các dịch vụ công. Theo đó, thường dân, doanh nghiệp và tổ chức từ thiện có thể đăng ký để cung cấp chỗ ở và việc làm cho những người tị nạn thông qua một đường dây nóng và một trang web. Những cá nhân và tổ chức cung cấp chỗ ở phải đáp ứng yêu cầu và các tiêu chí đưa ra và phải đồng ý cho người tị nạn trong một thời gian tối thiểu (có thể là 6 tháng).
Nguồn: VOV, QDND và Tuổi Trẻ.
