CÁCH MẠNG VĂN HÓA MAO – Tại sao Đặng Tiểu Bình!?
Hay Đặng Tiểu Bình – kẻ thừa kế di sản Mao đã cứu Trung Quốc như thế nào!?
Đứng ở Thẩm Quyến một đêm khuya, cả Trung Hoa lục địa chìm trong bóng đêm tăm tối, Đặng nhìn về Hồng công rực rỡ ánh đèn sáng cả một góc trời. Đặng quyết đi con đường khác. Nơi Đặng đứng sau này trở thành Đặc khu kinh tế năng động, sầm uất, thu nhập cao nhất TQ.
Kẻ chỉ trong vài chục năm, đã biến TQ từ một quốc gia nghèo đói, mà ông ta nhìn tận mắt thành một đất nước hoàn toàn khác. Xét về ý nghĩa lịch sử, Đặng không thua kém gì Mao tiền nhiệm và có thể được coi là một trong những chính trị gia xuất sắc nhất TQ trong lịch sử thế kỷ XX.
Như biết, Đặng và Lưu Thiếu Kỳ là 2 nạn nhân của CMVH, Lưu bị gán là số 1 thì Đặng là số 2 “chống đảng và đi theo CNTB” hay zusipai theo cách gọi của Mao (cảm tình tư sản, ngủ với tư sản). Nhưng tại sao ông ta lại tiến đến được quyền lực?
Bài viết này có thể không có được câu trả lời thực sự chính xác, bởi rất ít tư liệu Mao nói về Đặng và ngược lại, Đặng nói về Mao. Nhưng hy vọng phần nào đó trả lời cho câu hỏi: Vì sao Đặng, 1 nạn nhân của Mao lại có thể tiến đến quyền lực, mở ra thời đại mới thoát khỏi nghèo đói lạc hậu để phát triển. ĐIều này không chỉ là hữu ích khi xem xét, nghiên cứu về CMVH mà còn bởi Đặng nổi lên, như sau này rõ ràng là may mắn, tốt đẹp cho TQ, nhưng lại là tồi tệ xấu xa cho VN và các láng giềng.
Đặng vực dậy TQ, là nhân vật hàng đầu đưa TQ đến như ngày nay. Cũng như câu chuyện TQ cổ “Tái ông mất ngựa”, CMVH là rủi, phát triển TQ ngày nay là may. Điều này giải thích dân chúng TQ ngày nay vẫn coi Mao là lãnh tụ vĩ đại.
Đặng sinh năm 1904 tại ngôi làng nhỏ trong một gia đình trung lưu, nghĩa là khá giàu có vào thời ấy, ông ta có điều kiện gia đình để hưởng 1 nền giáo dục tốt cho đến bậc đại học. Cha mẹ Đặng đã đưa con đến những ngôi trường tốt nhất trong tỉnh Tứ Xuyên nuôi ăn học. Khi trưởng thành, Đặng đổi tên họ thành Xiaoping – nghĩa là cái bình nhỏ, tiểu bình. Có lẽ là 1 sự trùng hợp, khi Đặng có vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao 1,5m và mãi sau này vẫn mang ánh mắt u ám, phiền muộn.
Sau khi học trong nước, Đặng cùng 1 nhóm sinh viên tầng lớp trên TQ du học ở Pháp, mặc dù cha mẹ Đặng không phải là nghèo, nhưng họ cũng không thể lo đầy đủ cho con cái, Đặng vẫn phải đi làm thêm để có tiền trang trải. Đó là cơ hội để Đặng làm bồi bàn, rồi vào làm công nhân tại nhà máy Renault.
Nước Pháp là cái nôi của những tư tưởng cánh tả, cấp tiến, với các phong trào cải tạo xã hội, phá bỏ trật tự cũ. Đặng cũng như hầu hết sinh viên châu Á khác không tránh khỏi bị rơi vào tầm ảnh hưởng của các ý tưởng cánh tả này. Nhiều sinh viên TQ học ở Pháp sau đó bị tiêm nhiễm tư tưởng cộng sản như Chu Ân Lai. Đặng đã gặp Chu ở Pháp, 2 người kết bạn thân thiết, Chu sau này trở thành 1 trong số ít, có thể nói là duy nhất có ảnh hưởng đến Mao, kẻ không thích nghe bất cứ ai. Điều này đã cứu Đặng, và nhờ thế, cứu cả 1 đất nước. Chu, trong đường cùng của CMVH và bè lũ 4 tên đã dùng hết sức ảnh hưởng mà mình có giúp Đặng trở về từ trại cải tạo. Câu chuyện về Đặng Tiểu Bình bắt đầu từ đây.
Nhưng trước hết, cần phải nói về quan điểm, hay chỗ đứng của người viết. Đặng là kẻ thủ của VN, điều này là rõ ràng và dứt khoát khi ông ta là 1 trong số những kẻ cầm đầu cuộc chiến tranh xâm lược 1979. Nhưng nếu chỉ có vậy, chỉ đứng ở góc độ ấy thì chỉ có cái nhìn đen tối về TQ và không thể giải thích được nhiều vấn đề. Do vậy, cần ở vị trí ngoài cuộc, để có sự tỉnh táo và tham khảo đến các nghiên cứu, nhận xét của các học giả đi trước.
Đặng đã ở Pháp 7 năm, đã gia nhập đảng CS TQ, tại sao ở lâu như vậy thật không rõ ràng, có ý kiến cho là Đặng bị cảnh sát, mật vụ Pháp truy lùng vì tham gia hoạt động chống đối do đó việc học hành kéo dài, ý khác là Đặng đã đến Moscow.
Việc Đặng đến Liên Xô là có thật, ông ta học trường Quốc tế phương Đông. Học cùng khóa với Đặng là con trai cả Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc (Jiang Jinggo), người sau này trở thành lãnh đạo Đài Loan, và là đối thủ của Đặng, nhưng lúc đó thì không.
Ở LX lúc Đặng học, có các cuộc thảo luận chính trị gay gắt nổ ra xung quanh tương lai Liên Xô, cuộc đấu có thể gọi gần đúng là giữa cảnh tả và cánh hữu. Đặng hứng thú với cánh hữu, đọc nhiều tác phẩm của Nikolai Bukharin. Điều này sau thành cơ sở cho Đặng, ảnh hưởng đến đường lối chính sách cải cách – điều ông ta không phủ nhận.
Sau đào tạo tại Moscow, Đặng trở về TQ, lúc đó đang có vấn đề vừa hợp tác vừa tranh giành, vừa chung sức chống Nhật giữa Tưởng Giới Thạch và phe CS. Đặng bên phe CS và hoạt động tại Thượng Hải lúc Mao đang thất thế và cố thủ ở vùng rừng núi tỉnh Giang Tây.
Hoạt động cách mạng của Đặng ở Thượng Hải không được thành công cho lắm và cuối cùng thất bại, buộc phải ra đi và tìm đến Mao. Sau này, CMVH lấy cớ thất bại Thượng Hải của Đặng để loại bỏ ông ta.
Đảng CS TQ kể từ khi thành lập đã có rất nhiều phe phái liên tục tranh giành quyền lực. Phe có ảnh hưởng nhất gọi là “nhóm 28 Bôn-sê-vích”, từng học ở Moscow về. Quan điểm chính trị của họ khác biệt đáng kể với chủ nghĩa Mác-Lênin kinh điển, họ chống lại tất cả mọi thứ khác biệt với họ (giống hệt đảng Bolsheviks). Còn Mao lúc đó không hẳn đã có được sự ủng hộ các phe phái (khá giống Stalin) nên Mao cần những người ủng hộ, và Đặng đã ủng hộ Mao.
Ban đầu, trong cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nhật Bản, Moscow mang quan điểm trung dung, họ không ủng hộ phe nào rõ rệt mà cả hai, miễn là cùng chung mặt trận chống phát xít. Stalin đã buộc phe CS một lần nữa phải liên minh với Kuomintang của Tưởng nhằm mục tiêu chung cao hơn: chống Nhật. Lúc đó, Quốc dân đảng mạnh hơn nhiều đảng CS TQ khi so sánh theo bất cứ tiêu chí nào. Đồng thời, gánh nặng chính của cuộc chiến kháng Nhật do Quốc dân đảng gánh vác với quân đội Kai-shek lớn hơn và trang bị tốt hơn hẳn nhờ viện trợ Mỹ cung cấp, chứ không phải phe CS. Tuy nhiên, khi kết thúc công cuộc kháng Nhật, nội chiến giữa Tưởng và Mao không dừng lại. Lúc này, Tưởng suy yếu còn Mao nổi lên với sự hỗ trợ của LX.
Điều đáng chú ý là cuộc đấu tranh của đảng CS TQ với Quốc dân đảng không phải là cuộc đấu tranh của những kẻ chống phát xít và theo phát xít hay chủ nghĩa CS quốc tế chống chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, cả hai đều theo chủ nghĩa dân tộc TQ, khác biệt chỉ là phe CS có khuynh hướng thiên tả, Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng phe hữu.
Đặng đã có bước thăng tiến sự nghiệp đáng kể trong cuộc nội chiến. Đầu tiên là ủy viên chính trị trong quân đội, sau đó là toàn mặt trận, vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, ông ta thậm chí còn được cho là có công lao hàng đầu trong việc buộc Quốc dân đảng phải rút chạy về Đài Loan.
Dù vậy, cho đến năm 1952, Đặng không giữ chức vụ lớn trong đảng hay chính phủ TQ. Sau 1952, Đặng làm phó thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính 1 thời gian ngắn. Đặng đã ủng hộ hai chiến dịch chính trị lớn do Mao khởi xướng. Đầu tiên, là “Sửa sai” hay “Phong trào chỉnh sửa phong cách trong đảng” đầu thập kỷ 50, thanh lọc ra khỏi đảng khỏi các thành phần cánh hữu, và sau đó – chính sách Đại nhảy vọt – thử nghiệm kinh tế nóng vội và cực kỳ tồi tệ này đã kết thúc bằng nạn đói khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Thất bại của Đại nhảy vọt khiến Mao hứng chịu một loạt chỉ trích. Lúc đó, Đặng đang là Tổng thư ký đảng CS TQ còn Mao là Chủ tịch đảng – vị trí cao nhất TQ, cao hơn Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Cho đến trước điều này, Đặng luôn luôn ủng hộ Mao, còn lần này thì không. Đặng cũng chỉ trích Mao, nhưng thận trọng hơn các đồng nghiệp khác.
Trong nội bộ, Mao cũng giả vờ hối hận, thậm chí rút lui một số hoạt động. Cần phải nói là, khoảng trống Mao bỏ lại, dù chỉ là 1 thời gian ngắn, đã giúp Lưu và Đặng khôi phục được 1 phần hậu quả tai hại Đại nhảy vọt, bước đầu đưa đất nước ra khỏi đống đổ nát. Họ đã tiến hành cải cách kinh tế theo tinh thần của NEP Liên Xô, một phần đã nối lại quan hệ thị trường và giảm thiểu hậu quả.
Mao không rảnh rỗi lúc đó, ông ta đang phải tập trung lực lượng để phát động CMVH đánh bại phe đối lập. Trận cuồng phong đầu tiên đã đến với Lưu Thiếu Kỳ, người đầu tiên cho phép mình lớn tiếng chỉ trích Mao vì những cải cách thất bại. Lưu vào tù và chết ở đó. Còn Đặng, vì thận trọng hơn trong những lời chỉ trích, nên bị nhẹ hơn, chịu 1 phiên đấu tố, buộc phải thừa nhận tội lỗi, bị tước tất cả các chức vụ và đi “cải tạo lao động” vô thời hạn ở 1 tỉnh hẻo lánh. Con trai Đặng cũng là 1 nạn nhân, mang tật nguyền suốt đời.
https://www.facebook.com/groups/771834899834482/permalink/956423568042280/
Cho đến cuối 60, đầu 70, do hậu quả tất yếu của CMVH, cả TQ rơi vào hỗn loạn, còn Mao thì đã tỏ ra già nua mệt mỏi. Hơn 1 nửa thành viên cao cấp nhất trong đảng, BCHTW, bí thư các địa phương và chính quyền mất chức, số còn lại hầu hết tê liệt không hoạt động. Chỉ còn quân đội do Lâm Bưu nắm gần như kiểm soát cả đất nước.
Năm 1969, Lâm Bưu đang có quyền lực rộng lớn trong tay thì xảy ra vụ “âm mưu 571” mà theo đó, Lâm Bưu mưu sát Mao. Cũng có ý kiến khác cho rằng nó là mưu của Mao để hạ Lâm Bưu, khi tỏ ra là con ngựa bất kham muốn bứt dây cương. Vụ mưu sát Mao thất bại, Lâm Bưu lên máy bay bỏ trốn và bị bắn rơi trong lãnh thổ LX không xa biên giới TQ.
Giờ xung quang Mao chẳng còn ai tâm phúc, tin tưởng. Ông ta cô độc!
Trong bốn năm đi cải tạo, Đặng có thì giờ viết ra một số phương pháp kinh tế của Stalin, nhưng Đặng không đồng ý với cách phá hủy toàn bộ phe đối lập khi chính mình cũng là 1 nạn nhân của Mao.
Tình hình TQ lúc đó đã rất rối ren, Bè lũ 4 tên do Giang Thanh cầm đầu nổi lên, lộng hành, tác oai tác quái. Các nhân vật cao cấp còn lại trong đảng bây giờ chung chiến hào, bị Bè lũ 4 tên tấn công tới tấp và đối mặt với nguy cơ chịu thất bại cuối cùng. Chiến dịch “Phê Lưu, phán Khổng” cũng nhằm vào Chu Ân Lai. So với các đồng nghiệp khác phải hứng chịu tai họa HVB trong CMVH, thì Chu tương đối an toàn, nhưng cũng chỉ là tạm thời, Ông ta thấy cần tập trung lại lực lượng để đối phó.
Có 2 yếu tố đã giúp Đặng sống sót. Đầu tiên, là Chu Ân Lai, người bạn cũ từ thời du học Pháp, kẻ duy nhất còn lành lặn trước mọi bão tố CMVH và duy nhất Mao còn lắng nghe, đã làm hết sức mình để giúp Đặng, và cũng là để giúp mình. Thứ 2, Đặng còn uy tín trong PLA khi 1 thời làm Chính ủy và có công trạng trong nội chiến, trong PLA có rất nhiều người ủng hộ Đặng, số các tướng lĩnh lãnh đạo cao nhất – một số nguyên soái từ thời là cấp dưới Đặng và vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết.
Chu từng là Ngoại trưởng, kiến trúc sư của chính sách đối ngoại TQ, đứng đầu chính phủ và là nhân vật nhiều uy tín trong giới lãnh đạo. Khi cả nước đã tan hoang còn Mao già cả ốm yếu, xung quanh mình chẳng còn ai tin cậy. Chu, lúc đó cũng đang đau ốm vì căn bệnh ung thư, và đã làm được cái việc rất khó nhọc là thuyết phục Mao – kẻ không nghe bất cứ ai ngoài mình, để cho Đặng quay lại. Chu đã xoay sở để sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình đến Mao để cuối cùng Mao đồng ý.
Sau 4 năm lưu đày, năm 1972, Đặng trở về làm phó thủ tướng.
Mao lúc đó vì già cả, đau ốm, bệnh tật khiến ông ta dính chặt trên giường và ít tham gia vào các vấn đề chính trị và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Nhưng như 1 hậu quả, quyền lực tập trung trong tay phe cực tả – Bè lũ 4 tên (Gang of Four) do Giang Thanh, vợ lẽ Mao cầm đầu. Bốn tên – Tứ nhân bang, lần lượt là: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn (con rể Mao); Nhóm này là thủ lĩnh HVB cách mạng, đóng vai trò hàng đầu trong Cách mạng văn hóa và bị chi phối bởi chủ nghĩa cơ hội, thực dụng cùng tham vọng chính trị.
Thi thoảng, lúc tỉnh táo ra khỏi giường bệnh, Mao lại ủng hộ phe này phe kia, nhưng “Cần để Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn nhún nhường một chút” – Mao nói. Bè lũ 4 tên đầy tham vọng chấp chính, không che đậy ý đồ đưa người của mình vào vị trí thủ tướng thay Chu cũng đang mắc bệnh ung thư. Sau cái chết của Chu đầu năm 1976, vị trí phó thủ tướng của Đặng khá bấp bênh và thường xuyên phải hứng chịu mũi dùi của Bè lũ 4 tên. Thậm chí, Giang Thanh ra lệnh cấm tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho Chu mà Đặng chẳng dám làm gì.
Đến lượt Đặng lại 1 lần nữa bị Bè lũ 4 tên khoác lên đầu cái mũ phản cách mạng quen thuộc và đảm bảo lại 1 lần nữa lại bị tước hết chức vụ và đi cải tạo nếu không có gì thay đổi. Nhưng cuối cùng, dưới sự giới thiệu của Mao, Hoa Quốc Phong, nhân vật ít biết đến hơn đã lên thay Chu Ân Lai. Có thể nói, Mao chọn Hoa là chọn kẻ theo Maoism bảo thủ kinh điển nhất còn lại sau CMVH.
Những rắc rối nghiêm trọng chờ Đặng, khi Bè lũ 4 tên công khai Đặng là kẻ thù. Cùng năm 1976, sau Chu 9 tháng, Mao cũng băng hà. chức Chủ tịch đảng – người kế vị Mao rơi nốt vào tay Hoa. Các thành viên Bè lũ 4 tên bị bắt ngay lúc đó, sau tang lễ Mao. Trực tiếp là “Đội 8341” (một đơn vị bảo vệ nội vụ cho các quan chức hàng đầu) theo lệnh Hoa Quốc Phong. Tất cả đều bị buộc tội âm mưu phản cách mạng và bị kết án tử hình hoặc chung thân. Về sau, một số được tha trước thời hạn, trong đó có Giang Thanh. Ban đầu, vợ lẽ Mao bị kết án tử hình, rồi giảm xuống chung thân, cuối cùng là quản thúc trong quá trình tố tụng và xét xử kéo dài dằng dặc. Năm 1991, bà ta lâm bệnh nặng và phải vào viện. Bác sĩ phát hiện bà ta bị ung thư họng, nhưng Giang Thanh cự tuyệt phẫu thuật, rồi sau đó treo cổ tự tử trong bệnh viện. Cả khi bị xét xử, cả khi tìm đến cái chết, Giang Thanh vẫn tỏ ra trung thành tuyệt đối với Mao và xưng mình là “chiến sĩ cách mạng trung kiên” – điều rất khôi hài mà ngay cả Mao khi còn sống cũng phải phì cười vì hài.
Đặng đã có thể yên tâm phần nào sau khi dẹp loạn Giang Thanh, nhưng quyền lực lớn nhất lại đang trong tay Hoa Quốc Phong, ông ta không phải là chính trị gia có nhiều kinh nghiệm và ảnh hưởng. Dù có công lao dẹp loạn CMVH và Bè lũ 4 tên, nhưng Hoa bảo thủ có thể nói là thâm căn cố đế và chỉ có thể làm 1 điều duy nhất: tiếp tục Mao giáo!
Điều này gây ra bất bình trong số những người muốn cải cách đang tập trung quanh Đặng. Còn Đặng lúc đó tỏ ra hài lòng với chức vụ lãnh đạo Hội đồng Quân sự của BCHTW CPC.
Đặng cũng khởi xướng chiến dịch “Mùa xuân Bắc Kinh” để để vạch trần tội lỗi “Cách mạng văn hóa”, cho phép công khai chỉ trích sự thái quá và độc ác của nó. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì với nhân vật Mao. Phe hữu muốn luận tội, phe tả thì không. Đặng, sau khi cân nhắc mọi thứ đã thỏa hiệp. Mao nên bị loại bỏ với tư cách là cha đẻ nhà nước, nhưng cá nhân ông ta không nên bị từ chối hay che giấu. Công thức chính cho sự cầm quyền của Mao là 7 tốt, 3 xấu. Bản thân Mao cũng thích công thức này và từng hào hứng ví von mình như vậy. Nhưng theo Đặng, chủ nghĩa Mao thì nên bỏ đi và cất vào nơi xa xăm nhất. Còn tội lỗi với tất cả những đàn áp và tàn nhẫn quá mức nên đặt vào “Bè lũ 4 tên” – lợi cả đôi đường.
Hội nghị TƯ tháng 12 năm 1978 đã trao cơ hội cho Đặng cải cách, tiếp tục triển khai Bốn hiện đại hóa, dù vẫn đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhóm Maoist bảo thủ trong đó có Hoa Quốc Phong. Đặng lúc này vẫn không dám từ bỏ các nguyên tắc chính trị của Mao, và vạch trần tệ sùng bái cá nhân ông ta. Đặng không dám, thậm chí coi việc từ bỏ hoàn toàn các ý tưởng Mao là thiếu hiểu biết. Ông ta không xâm phạm vào cấu trúc chính trị đã phát triển trong thời kỳ Mao, chỉ điều chỉnh chúng theo hướng có lợi.
Phải đợi đến sau khi phát động xâm lược Việt Nam 1979 để rồi cuộc chiến thất bại, cùng 1 số yếu tố quan trọng khác, Đặng có được cơ hội loại bỏ Hoa và nhóm Maoist trong đảng. Tại phiên họp toàn thể tháng 2 năm 1980, Hoa buộc phải thừa nhận sai lầm, để rồi sau đó phải rời bỏ chức vụ Chủ tịch đảng cho Hồ Diệu Bang và ra khỏi BCT, bị miễn nhiệm Thủ tướng nhường quyền cho kế nhiệm Triệu Tử Dương,
Từ đây, Đặng đã được giải thoát chính trị để có thể dốc toàn lực cho công cuộc Bốn hiện đại hóa và cải cách phát triển tiếp theo.
***
Cũng cần phải nói là, tư tưởng cải cách hiện đại hóa TQ đã có từ trước, từ các viên quan lại triều Thanh như Trương Chi Động, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương (thầy giáo) hay Tả Tông Đường. Một số họ đưa ra chính sách “Tự cường”, mang 1 số quan điểm như lấy (vay mượn), du nhập khoa học-kỹ thuật phương Tây làm cơ sở để cải cách phát triển, nhưng điều này cũng phù hợp với tư tưởng cổ đại thịnh hành ở TQ lúc bấy giờ: Khổng tử. Vấn đề này được nêu trong cuốn “Modern History of China” của tác giả S. Tikhvin.
Feng Guifen, học giả TQ mang tư tưởng cải cách dưới triều Thanh thế kỷ 19 cho rằng: Cần củng cố Khổng tử để tăng cường đạo đức, tinh thần dân tộc nước lớn và cũng cần du nhập khoa học phương Tây, như trong sách của ông ta “Tìm kiếm kiến thức phương Tây – On the quest for Western knowledge”, Feng viết các nguyên lý trong sách quí đạo Khổng, đã định hình TQ thời cổ đại là nền tảng của mọi kiến thức, và giờ đây cần khai thác kỹ thuật, thứ đã làm nên các cường quốc phương Tây giàu có và hùng mạnh quân sự.
Tư tưởng “Tự cường”, theo cách nào đó vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến thời kỳ sau. Khi Marxism thâm nhập vào TQ, nó mâu thuẫn trái ngược với Khổng tử. Lý Đại Chiêu, nhà Marxist TQ, TBT đầu tiên đảng CPC TQ cho rằng Khổng và các luận lý Khổng là hoàn toàn trái ngược, không chấp nhận được đối với thuyết Marxism.
Vấn đề là Mao, như 1 lần từng thú nhận với Molotov đầu thập kỷ 1950, ông ta chưa bao giờ đọc sách Marx, dù vẫn mang quyển từ điển thuật ngữ chủ nghĩa Marx bên người, còn Khổng tử thì đã học nhiều năm trong trường. Sau đổ vỡ quan hệ với LX, Mao tuyên bố: Việc Hán hóa Marxism và thử nghiệm Marxism sẽ sớm kết thúc với thất bại. “Chúng ta ngủ cạnh những kẻ như Khrushchev… Khrushchev đã bắt đầu bằng phản bội Stalin, và kết thúc vấn đề này hắn ta hoặc kế nhiệm của hắn ta – là phản bội Liên Xô… Sự cầm quyền của hắn sẽ kéo dài không lâu, nhưng hậu quả sự cầm quyền của hắn sẽ được cảm nhận sau nhiều thập kỷ.” – Mao nói cuối thập kỷ 1950.
Đặng là người khởi xướng cải cách thị trường, Bốn hiện đại hóa và hình thái khái niệm “CNXH mang màu sắc TQ”, Đặng cũng tham vấn với nhóm 8 đảng viên kỳ cựu được mình tin tưởng trước khi đưa ra chính sách cải cách. Nó hoàn toàn trái ngược với chính sách của Mao. Đặng cũng khéo léo liên kết cải cách của mình với khái niệm cổ “小康社会” trong Khổng tử, có thể dịch là “syaokan” – xã hội khá giả có phần không tưởng, kết hợp nó với Mạnh tử (coi kinh tế là quyết định) để viết ra những bước đi cải cách.
Cũng có việc Đặng nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, coi văn hóa truyền thống TQ và đạo Khổng là 1 trong những phương pháp giải quyết vấn đề nội bộ, củng cố tinh thần xã hội và làm dịu mâu thuẫn lợi ích phe phái. “Truyền thống TQ với văn hóa Khổng tử là nền tảng để đạt đến những giá trị chung…”
Trong kinh tế, nếu người Cầm lái vĩ đại ưa những khẩu hiệu chính trị và cách mạng ồn ào to tát, thì Đặng khuyến khích vật chất. Mao thích chính sách “Tự cường”. Đặng tuyên bố chính sách cởi mở với nước ngoài. Các Hợp tác xã bị giải thể để hoạt động theo cơ chế thị trường. Giới bảo thủ Maoist không ưa điều này, Nhưng Đặng trả lời bất cứ chỉ trích nào bằng tuyên bố của mình từ thời Mao: “Không quan trọng là mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột”. Còn đối với cánh tả không hài lòng với cải cách, Đặng tiếp tục nhấn mạnh rằng lệch lạc thiên tả gây nguy hiểm lớn hơn nhiều cho TQ so với cánh hữu, “CNXH không có nghĩa là nghèo đói.”
Bốn đặc đặc khu kinh tế được mở ra với các điều kiện ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, những người rất tích cực và bắt đầu đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc đúng thời kỳ nhu cầu Nhân công ngoại (outsource). Đặng cũng quan tâm nhiều đến trí thức TQ đang ở nước ngoài, đến cộng đồng người Hoa. Thất bại trong vấn đề “Nạn kiều” có lẽ là 1 trong số những nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh Biên giới ’79.
Cuối cùng, doanh nghiệp nhỏ được kích thích tích cực, điều này giúp giải quyết một phần vấn đề việc làm trong điều kiện từ bỏ nền kinh tế kế hoạch, cũng như khôi phục thương mại tại các thành phố.
Phân tích các chính sách của Đặng, nhiều tác giả có chung kết luận rằng, Đặng hóa ra không phải người theo chủ nghĩa nhân văn nhân đạo, cũng không nhà Marxist, cũng không hẳn ngả theo CNTB, mà là người theo chủ nghĩa dân tộc có phần Sô vanh Đại Hán. Dù sao, Đặng cũng đặt lợi ích nhà nước TQ, quốc gia cao hơn tất cả. Trong một môi trường chính trị tư tưởng có nhiều khó khăn, lắm phe phái. Đặng, với 1 chút may mắn và sự ủng hộ, đã khéo léo xoay sở để thoát khỏi những giáo điều tư tưởng CNTB và chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Maoism để đạt được thành công trong cuộc chấn hưng, vực dậy TQ từ đổ nát Đại nhảy vọt và CMVH, tiến tới mô hình mà ông ta tuyên bố là “CNXH mang màu sắc TQ”. Ít ai hiểu sau câu mèo đen-mèo trắng, thậm chí coi Đặng là thực dụng, nhưng đằng sau nó là triết lý đi đến thành công của Đặng: Để cho nền kinh tế hoạt động theo qui luật kinh tế trong đặc thù dân tộc TQ, không quan tâm là chủ nghĩa Mác, hay Maoism, hay CNTB miễn là có được thành công. Đúng như tác giả G. Arrighi nhận xét, mà có thể viết lại theo cách gọn hơn: nếu TQ xây CNTB, không có nghĩa là họ từ bỏ CNXH và ngược lại, nếu họ xây CNXH, không có nghĩa là họ từ bỏ CNTB.
Trong suốt quá trình hoạt động, Đặng chưa bao giờ nắm giữ các chức vụ cao nhất TQ. Năm 1989, sau sự kiện Thiên an môn, ông ta chủ động thôi chức vụ Chủ tịch quân ủy TƯ và năm 1991, rút lui hoàn toàn khỏi các hoạt động chính trị.
Đầu những năm 80, GNP bình quân đầu người của Trung Quốc chưa đến 200 USD, hiện tại đạt 10 nghìn. Điều này vẫn thấp hơn rất nhiều các nước phương Tây hàng đầu. Nhưng nó đã là những nỗ lực đặc biệt của TQ, trong đó có công lao không nhỏ của Đặng. Chính vì thế, trong nhiều thập kỷ nữa, ngay cả Mỹ hay các nước láng giềng, dù coi TQ là kẻ thù, là đối thủ hay đối tác, thì mỗi khi nói đến TQ vẫn phải nhắc đến Đặng Tiểu Bình, người đã đặt nền móng cho TQ hiện đại ngày nay.
Ở láng giềng, có đủ mọi thứ Mao, có đủ mọi loại Mao to, Mao con, Mao cháu chắt chút chít, nhưng đã không có ai như Đặng!
Ảnh: Bức tranh cổ động CMVH, 2 hình nhân áo đen là Lưu và Đặng.