#137 #medium #md45
Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, dù bạn không kiên cường
Các chuyên gia cho biết, việc đổ lỗi cho sự thiếu cam chịu của người trẻ là “qua loa và phản tác dụng”
Chuyên mục: Elemental | Oct 10, 2019 | 4 min read | 2,6K Claps
Tác giả: Markham Heid
Minh họa: Kieran Blakey
———————————–
“Kiên cường” đã trở thành một từ thông dụng. Một cuộc tìm kiếm nhanh trên Google Scholar đã cho ra hàng trăm tài liệu nghiên cứu gần đây về đức tính kiên cường và vai trò của nó đối với sức khỏe tinh thần của con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định kiên cường là một “trụ cột chính” trong khuôn khổ Chính sách Sức khỏe năm 2020 nhằm tăng cường sức khỏe và hạnh phúc.
Dù các định nghĩa từ các nguồn khác nhau có đôi chút không tương đồng, kiên cường thường được hiểu là khả năng đối phó và chống chịu trước nghịch cảnh. Từ này có thể dùng để thay thế cho từ “gan góc”, và nằm trong danh mục kĩ năng không nhận thức, cùng với những thứ như động lực và thái độ.
“Kiên cường, nói một cách ngắn gọn, chính là khả năng cải thiện tình hình,” Bruce McEwen, một giáo sư tại Đại học Rockefeller chuyên nghiên cứu các vấn đề thuộc khoa học thần kinh bao gồm căng thẳng và kiên cường, cho biết. “Đó chính là quá trình học cách ứng phó với vấn đề để không bị vây hãm và trở nên bất lực trước chúng.”
Rất nhiều nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng kiên cường là một kĩ năng có thể đo đếm được. Theo đó, về mặt lí thuyết và chuyên môn, những người có trình độ cao sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Đã có bằng chứng cho thấy, những cá nhân kiên cường được bảo vệ khỏi những tư tưởng tự vẫn theo sau bởi những sự kiện tồi tệ trong cuộc sống và có khả năng chống lại cảm giác tự hoài nghi bản thân, lo âu và trầm cảm mà những trắc trở tạo ra.
Những phát hiện này đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người — trích từ một trong số những quyển sách tự lực bán chạy nhất — rằng kiên cường na ná một loại siêu năng lực che chở người mang nó khỏi xung đột và tuyệt vọng, và nó có tương quan với thành công khi xét trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Và trên hết là, kiên cường là một loại kĩ năng học được, trau dồi được, cho nên bất kì ai cũng có thể có được nó thông qua thực hành, hoặc qua những cách suy nghĩ được trình bày tiếp sau đó.
Người ta không thất bại vì thiếu vắng sự kiên cường; họ thiếu kiên cường bởi hoàn cảnh cứ bắt họ phải thất bại.
Nhưng một số nhà chuyên môn cho rằng định nghĩa khái quát về kiên cường còn mập mờ, và mức độ kiên cường mà mỗi người thể hiện phụ thuộc vào hoàn cảnh và nhiều biến số khác nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân. Điểm thú vị kì quặc của sự kiên cường cũng ăn khớp với — bằng một cách nào đó, sự củng cố — tư tưởng rằng con người ngày nay đã đánh mất sự gan dạ của cha ông ngày trước, và đó là lí do khiến họ mắc lỗi.
“Câu chuyện này đã làm nổi bật một điều, rằng nếu bạn gặp thất bại hay khó khăn, thì đó là do bạn không sở hữu những đặc tính mà người khác có,” Mark Seidenberg, giáo sư Tâm lí học tại Đại học Wisconsin, Madison, cho biết. Đây không chỉ là một dạng vô trách nhiệm của hành vi “đổ lỗi cho nạn nhân”, mà còn gây nhầm lẫn giữa hệ quả với căn nguyên. Người ta không thất bại vì thiếu vắng sự kiên cường; họ thiếu kiên cường bởi hoàn cảnh cứ bắt họ phải thất bại. “Thành công tạo động lực, thất bại khiến ngã lòng,” Seidenberg giải thích, “Người ta kháo nhau về một thiên niên kỉ thiếu vắng tính bền bỉ và kiên cường, hoặc nói với nhau rằng Thế hệ vĩ đại nhất (The Greatest Generation) gan lì hơn rất nhiều. Không hề. Con người thuộc hai nhóm này phải phản ứng lại trước những điều kiện sống có tần suất thuận lợi khác nhau.”
Phải đối mặt với cả núi nợ sinh viên, một thị trường việc làm không bao giờ thỏa mãn và những thay đổi xã hội mang tính phổ quát có thể thúc đẩy cảm giác xa cách và không tương thích. Do đó, chẳng bất ngờ khi nhiều người ngày nay thoái chí và chán nản. Việc đổ lỗi cho sự thiếu cam chịu của người trẻ là “qua loa và phản tác dụng”, Seidenberg nói.
Những người khác tán đồng với quan điểm cho rằng sự kiên cường của mỗi người phụ thuộc một phần vào môi trường sống và những nhân tố khác mà chúng ta không thể kiểm soát nổi. “Giữa các cá nhân luôn có sự khác biệt về các yếu tố di truyền học và kinh nghiệm sống buổi đầu, và điều này có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến sự phát triển của não bộ, do đó định hình khả năng kiên cường về cảm xúc ở tuổi trưởng thành,” Golnaz Tabibnia, nhà thần kinh học nghiên cứu về kiên cường thuộc Khoa Tâm lí học tại Đại học California, Irvine, cho biết. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hoàn toàn yếu thế và bất lực trước những sự kiện ngoại vi.”
Tabibnia nói rằng, cách một người được nuôi nấng và giáo dục có thể tạo ra một “lối mòn” trong bộ não của họ, và yếu tố này sẽ thúc đẩy hoặc ngăn cản khả năng kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh. “Nhưng những kinh nghiệm có được ở tuổi trưởng thành sẽ duy trì lối mòn này hoặc giúp chúng ta mở ra những con đường mới,” bà giải thích. “Thay vì nhìn nhận những nỗ lực xây dựng tính kiên cường như một dạng mới của ‘nạn nhân bị đổ lỗi’, tôi thích xem chúng như một ‘nạn nhân được trao quyền’”.
McEwen của Rockefeller mô tả tính kiên cường như một đặc điểm của một bộ não khỏe mạnh — thứ có thể vượt lên trên căng thẳng hay nghịch cảnh. “Vì vậy, làm thế nào để truyền dẫn lòng kiên cường tới một người đang gặp vấn đề? Đó chính là thử thách của sức khỏe tinh thần,” ông nói. “Mọi lí thuyết hành vi mà chúng ta đang áp dụng thực chất được thiết kế để truyền dẫn vài hình thức kiên cường.”
Mặc dù việc chỉ ra sự thiếu kiên cường như một nguyên nhân gây ra vấn đề là một quan điểm vô nghĩa và bất công, nhưng theo một vài nghiên cứu, tham vọng dạy một cá nhân cách trở nên kiên cường trong những hoàn cảnh nhất định là có lợi và có thể thực hiện được. “Tôi nghĩ cả hai quan điểm trong cuộc tranh luận này đều có phần đúng,” Tabibnia nói. “Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt ra những yêu cầu quá cao về tiềm năng của các chiến lược tâm lí và hành vi trong nâng cao tính kiên cường, nếu không sẽ dẫn đến cảm giác thất vọng và ngã lòng. Chúng ta cũng không nên chọn một cách tiếp cận thụ động và vô ích.”
Tabibnia cho biết, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ba phạm trù can thiệp chính dường như có thể gia tăng tính kiên cường. Một là, loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực bằng các liệu pháp tiếp xúc và tái đánh giá nhận thức (về cơ bản, cách làm này rèn luyện cho bộ não của bạn suy nghĩ về căn nguyên của áp lực theo một cách mới và ít trắc trở hơn). Hai là, áp dụng các biện pháp gia tăng sự lạc quan cũng như các mối quan hệ xã hội, những thứ thúc đẩy cảm giác tích cực. Ba bao gồm chánh niệm, cam kết tôn giáo và các thực hành khác giúp con người “vượt lên bản ngã”.
Những kĩ thuật nâng cao tính kiên cường không phải một loại thuốc chữa bách bệnh có thể xua tan mọi phiền não, nhưng nó cung cấp cho mọi người “một bộ công cụ được kiểm chứng để họ tự giúp lấy bản thân mình.”
———————————
It’s Okay If You’re Not Resilient by Markham Heid in @elemental https://elemental.medium.com/its-okay-if-you-re-not-resilient-cc74c3f2db26?source=social.tw
Các chuyên gia cho biết, việc đổ lỗi cho sự thiếu cam chịu của người trẻ là “qua loa và phản tác dụng”