Người dẫn dắt quá trình thai nghén ý tưởng (facilitator) cần hiểu các loại suy nghĩ, cách tư duy và hàng loạt các yếu tố ngoại cảnh khác như môi trường làm việc, con người và mục tiêu.
“Thai nghén ý tưởng hay ideation, là một giai đoạn trong quy trình thiết kế để sinh ra ý tưởng. Khi nghĩ về khái niệm (concept) và giải pháp, ta có thể hình dung giai đoạn này như các bước để mở rộng lựa chọn. Thai nghén ý tưởng cho ta động lực và tài nguyên để xây dựng bản mẫu và cho phép ta đưa ra được những giải pháp mới lạ.”
– D.school, Giới thiệu về Design Thinking
__________________________________________________
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BUỔI THAI NGHÉN Ý TƯỞNG.
- Các chế độ tư duy (Mental/Thinking Modes): Hiểu và áp dụng, một cách có chủ ý, các chế độ tư duy là điều cần thiết để sinh ra những ý tưởng phù hợp.
- Hiểu sự đa dạng của nhóm (People dynamics): Hiểu được tính cách, kiểu tư duy của từng thành viên trong nhóm nhằm duy trì / bảo đảm mọi người có thể làm việc ăn ý với nhau. Ngoài ra, dẫn dắt tốt sẽ giảm tỉ lệ gặp trục trặc do “vấn đề cá nhân”.
- Mục tiêu rõ ràng: Biết và hiểu rõ mục tiêu, người dùng; hiểu và phân biệt được cần thiết và muốn; và cuối cùng là nhìn được các vấn đề liên quan. Những điều này nên được trình bày tường tận trước khi bắt đầu buổi thai nghén ý tưởng.
- Các công cụ và phương pháp: Biết cách sử dụng các công cụ phù hợp để quá trình thai nghén ý tưởng diễn ra trơn tru. (sẽ được giới thiệu chi tiết sau)
- Các giới hạn: Biết cách đưa ra các giới hạn phù hợp để đảm bảo các ý tưởng đưa ra đều hướng tới mục tiêu.
- Tác nhân thúc đẩy (stimulus): Phối hợp các yếu tố kích thích suy nghĩ cùng với loại tư duy phù hợp để thúc đẩy quá trình thai nghén ý tưởng.
- Môi trường: Tạo ra một môi trường khuyến khích sự liên kết, cởi mở và tự do bày tỏ sự sáng tạo.
__________________________________________________
CÁC CHẾ ĐỘ TƯ DUY (MENTAL/THINKING MODES)
Thai nghén ý tưởng phụ thuộc vào sự phối hợp giữa hàng loạt các nhận thức và chế độ tư duy. Có chủ ý trong chuyện sử dụng, đổi hoặc phối hợp các chế độ tư duy để đạt được kết quả tốt nhất.
- Tư duy tuyến tính (Vertical/Linear Thinking)
Chế độ tư duy này sẽ tìm ý tưởng, giải pháp theo hướng truyền thống, hàn lâm vì nó dựa trên lý luận, dữ liệu và giải pháp đã có sẵn. Ngoải ra, ở đây cũng có thể kết hợp phương pháp giản lược hoặc hợp lý hoá các dữ liệu có sẵn.
Chế độ tư duy này sẽ phù hợp nhất khi sử dụng ở giai đoạn gần cuối, sau giai đoạn khám phá ý tưởng, khi cần chọn các ý tưởng phù hợp để nuôi lớn.
- Tư duy nhị nguyên (Binary thinking)
Tư duy nhị nguyên đơn giản hoá mọi thứ về đúng/sai, trắng/đen, tắt/mở,…Ở đây sẽ không khám phá, phân loại và cũng không có “màu xám”.
Tư duy nhị nguyên phản lại sự đổi mới.
Với rất nhiều biến số phức tạp, giải pháp cần được trải rộng và cân nhắc nhu cầu, đòi hỏi nhận thức tổng thể để có thể đưa ra giải pháp phù hợp.
- Tư duy phi tuyến tính (Lateral/Horizontal thinking)
Khác với tư duy tuyến tính với mục đính chính là đào sâu, phát triển ý tưởng có sẵn. Tư duy phi tuyến tính sẽ ưu tiên việc khám phá ý tưởng. Ở đây sẽ tìm ý tưởng theo hướng gián tiếp và sáng tạo hơn. Phần lớn sẽ sử dụng những lý luận có vẻ không mấy hiển nhiên để sinh ra được những ý tưởng mới lạ, khó hình thành nếu tiếp cận theo hướng lý luận truyền thống.
Mục đích chính của tư duy phi tuyến tính là để thoát khỏi lối mòn suy nghĩ và tạo ra những ý tưởng ngoài dự đoán. Để thực hành tốt tư duy này, ta phải chủ động sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Ta có thể thử đứng xa ra và nhìn bao quát hơn để hiểu rõ khái niệm. Ngoài ra, nó cũng sẽ đòi hỏi bạn tìm tới những nơi bị bỏ lỡ, chất vấn các định kiến và tìm những giải pháp mới lạ.
Edward De Bono, chuyên gia tư duy, tin rằng suy nghĩ sáng tạo không hẳn là khiếu bẩm sinh mà là một kỹ năng có thể học được. Tất cả mọi người đều có thể học và áp dụng nhiều kỹ thuật để xoá đi lối mòn suy nghĩ kém hiệu quả. Một gợi ý tốt để bắt đầu là học qua ví dụ hoặc kỹ thuật khiêu khích.
Sự khiêu khích trong Tư duy phi tuyến tính
Sự khiêu khích đang nói đến có thể xem như đang thách thức lối suy nghĩ cũ để nhìn sự việc theo hướng mới lạ.
Kỹ thuật khiêu khích buộc tâm trí bạn phải ra khỏi lối mòn suy nghĩ và thúc đẩy bạn đưa ra những ý tưởng “lạ”. Sau đây là một vài cụm từ có thể áp dụng khi thực hành kỹ thuật này
– Ngẫu nhiên hoá (randomization)
– Nghĩ ngược lại (contradiction)
– Bóp méo để tạo biến thể (distortion)
– Phóng đại (exaggeration)
– Chất vấn định kiến (questioning the norms)
– Ước gì…(Wishing and dreaming)
“Thinking Hats technique” của Edward De Bono là một trong những kỹ thuật phổ biến để xây tư duy phi tuyến tính và mở rộng cách suy nghĩ. Nó phân loại suy nghĩ thành nhiều bộ và người thực hành được giao một bộ suy nghĩ. Việc phải suy nghĩ theo một quy luật nhất định khiến người thực hành nhận thức được rõ hơn các suy nghĩ của mình và phải chủ động hướng chúng để đúng với bộ suy nghĩ đã được giao.
Khi áp dụng kỹ thuật này trong những buổi thai nghén ý tưởng, chính những người thực hành hoặc người dẫn dắt buổi làm việc, luôn phải cảnh giác để biết khi nào nên dừng lại và tái định hướng lối nghĩ.
- Tư duy đột phá (Disruptive thinking)
Được xem là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất khi tìm giải pháp, thai nghén ý tưởng và đổi mới là khái niệm “đột phá/lật đổ”. Ở đây ta sẽ phân tích và xem xét các mẫu hình đã tồn tại và “lật đổ” chúng để tạo ra những kết nối dường như “không hợp lý” trở nên “hợp lý”. Để đi đến việc đấy, tư duy phi tuyến tính sẽ được áp dụng triệt để.
__________________________________________________
3 GIAI ĐOẠN TƯ DUY TRONG BUỔI THAI NGHÉN Ý TƯỞNG.
- Phân tán/mở rộng/khám phá (Divergent Thinking)
Ở giai đoạn suy nghĩ phân tán, số lượng ý tưởng quan trọng hơn chất lượng ý tưởng đó. Mục đích chính là để tìm ra thật nhiều lựa chọn và sẽ sử dụng chúng như yếu tố kích thích suy nghĩ cho giai đoạn “Phát triển/xây dựng”. Ta có thể hình dung suy nghĩ phân tán bắt đầu từ một điểm và mở rộng thành hai, thành bốn,…và thêm nhiều kết hợp mới lạ theo thời gian.
Nôm na thì nó như brainstorming và ở đây tư duy phi tuyến tính sẽ được áp dụng.
- Phát triển/xây dựng (Emegent Thinking)
Giai đoạn này sẽ sử dụng các ý tưởng đã tìm được và phát triển, kết hợp chúng để có hình hài rõ ràng, chắc chắn hơn. Là bước thứ 2 vì giai đoạn này phụ thuộc vào các ý tưởng trước và xem chúng như yếu tố kích thích suy nghĩ.
- Phân tích và loại bỏ (Convergent Thinking)
Giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào lý luận để xem xét những ý tưởng đang có có phù hợp với mục tiêu cuối cùng không. Các ý tưởng không thực tế hoặc quá phá cách sẽ bị loại bỏ hoặc để dành cho những trường hợp đặc biệt.
3 tiêu chí của giai đoạn này là:
- Có đang giải quyết nhu cầu của đối tượng không?(Desirability)
- Có đủ khả năng thực thi hay không? (Feasibility)
- Nếu đã thực thi, nó có phải là thứ đáng được duy trì hay không? (Viability)
________________________________________________________
MỤC TIÊU RÕ RÀNG.
Dù có những ý tưởng đột phá hoặc người dẫn dắt giỏi tới cỡ nào, khi không hiểu rõ vấn đề và không có mục tiêu rõ ràng, những ý tưởng được đưa sẽ hoàn toàn vô dụng. Hiểu rõ thử thách, vấn đề cần giải quyết sẽ là kim chỉ nam cho những buổi thai nghén ý tưởng.
KÍCH THÍCH SUY NGHĨ.
Thông tin, tài liệu, hiện vật,… là những thứ kích thích suy nghĩ để tạo ra các lối mòn mới trong suy nghĩ giúp sinh ra những ý tưởng mới lạ.
Các yếu tố đó tuỳ thuộc vào nhu cầu của buổi làm việc. Nó có thể là hình ảnh, từ khoá, câu chuyện hoặc thậm chí là video để làm nóng nơ-ron. Người dẫn dắt buổi thai nghén có nhiệm vụ giới thiệu các yếu tố phù hợp cho nhóm.
KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO VÀ TÂM LÝ CON NGƯỜI
Sự đa dạng là lợi ích lớn nhất khi làm việc nhóm. Tổng hợp những đội hoặc cá thể có nhiều chuyên môn, kiến thức, cách tư duy khác nhau giúp bổ sung sự đa dạng cần thiết trong ngành sáng tạo nói chung. Nhưng cũng đừng quên luôn giữ tâm trí mở mang, tôn trọng lẫn nhau và để “cái tôi” ở nhà khi tham gia buổi thai nghén ý tưởng.
Để dẫn dắt được một buổi thai nghén ý tưởng thành công, ta phải hiểu rõ sự đa dạng của con người về cách họ tư duy, sự sáng tạo của họ và học cách liên kết được chúng. Ngoài ra, kiến thức về những kỹ thuật tư duy cũng sẽ giúp buổi làm việc hiệu quả hơn.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC
Khi tổ chức một buổi thai nghén ý tưởng, môi trường cũng là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất. Vì môi trường thoải mái, khác môi trường làm việc quen thuộc sẽ thúc đẩy sự sáng tạo vì nó không làm họ bị phân tâm hay nhớ tới những việc hàng ngày.
____________________________________________________________
Dịch: Minh Duy
