Các bác sĩ có khóc khi một bệnh nhân của họ qua đời không?

Tôi mới chỉ khóc ba lần khi bệnh nhân của mình ra đi.

Lần đầu tiên là cái chết đầu tiên mà tôi chứng kiến. Theo nghĩa đen, cái chết đầu tiên mà tôi chứng kiến. Trước thời điểm đó, tôi có cơ may chưa từng mất đi một người đặc biệt gần gũi nào. Lúc ấy tôi đang là sinh viên y, được tham gia cấp cứu cho một người phụ nữ trước khi cô ấy qua đời ngay trước mắt tôi. Tôi nghĩ rằng việc một sinh viên y khóc trong lần đầu tiên chứng kiến cái chết cũng khá phổ biến, đặc biệt từ việc đọc thêm các phản hồi cho câu hỏi trên.

Lần thứ hai thì gần đây thôi. Thực ra là mới năm ngoái. Ca này bất ngờ hơn, vì tôi đã hành nghề hơn 7 năm và khá “chai sạn” (không tìm được từ hay hơn). Tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân qua đời, thường còn ở tình trạng ghê rợn nữa. Người đàn ông đó chừng hơn 50 tuổi và đang trải qua một cơn đau tim. Sau một quy trình cấp cứu dài hơi, anh ấy trút hơi thở cuối cùng. Điều tôi không ngờ tới xảy ra khi vợ, con gái và mẹ anh ấy bước vào phòng. Tất nhiên, người vợ và đứa con bị nhấn chìm bởi nỗi đau và khóc nức nở. Tuy nhiên, người mẹ trông có vẻ khắc kỷ hơn khi bà từ từ tiến lại gần con trai mình. Khi còn cách chiếc giường nơi con mình nằm hơn 5 feet, bà bỗng gào lên “Ôi, bé con của mẹ!” (TN: nguyên văn “Oh, my baby!”) và nước mắt giàn giụa như suối khi cùng lúc ập mình vào người con.

Có điều gì đó về người phụ nữ lớn tuổi đó, người chưa từng ngừng xem đứa con trưởng thành của mình là một em bé mà giờ nằm bất động trên giường bệnh, khiến trái tim tôi đau như cắt. Tôi chẳng thể nói bất cứ điều gì để an ủi bà ấy. Có lẽ bởi vì dù đã trưởng thành, tôi vẫn rất thân thiết với mẹ mình, và không thể không nhìn thấy hình ảnh mẹ tôi trong người phụ nữ ấy.

Lần thứ ba không biết có tính không, nhưng tôi vẫn sẽ cho vào và chia sẻ. Một người phụ nữ đến phòng cấp cứu vì chảy máu âm đạo. Cô ấy nức nở và biết chắc điều gì đã xảy ra – sảy thai. Khi khám cho cô ấy, tôi thấy từng mảnh vụn bào thai và cuối cùng là cơ thể 3-4 inch của thai nhi. Tôi phải cố kìm chặt nước mắt khi đưa lời khuyên và gắng hết sức để an ủi cho mất mát của cô ấy. Vì sao thế? Tôi đã làm việc này rất nhiều lần trước đây. Đây không phải ca sảy thai đầu tiên tôi từng thấy theo bất cứ nghĩa nào. Tôi phải nén nước mắt bởi vì chỉ vài tuần trước đó, tôi cũng đã hứng chịu nỗi đau sảy thai của người phụ nữ mang trên mình máu mủ của tôi.

Điều rút ra từ những câu chuyện này là, mỗi ngày, chúng tôi đều cảm thấy có mối liên hệ cá nhân với bệnh nhân của mình. Các bệnh nhân có thể thấy bác sĩ với khuôn mặt điềm tĩnh, nhưng bên trong, nhiều người trong số chúng tôi có những cảm xúc sâu sắc mà chúng tôi phải – vì ràng buộc nghề nghiệp – kìm nén lại. Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của chúng tôi.

Paul

———————————————

Tôi đã từng.

Với vị trí dành rất nhiều thời gian trong ICU (phòng chăm sóc tích cực), một trong những nhiệm vụ của tôi là ngắt máy thở của bệnh nhân khi gia đình họ quyết định dừng chăm sóc y tế.

Điều này có nghĩa là ngay trước khi ngắt máy, tôi được chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng của bệnh nhân, cũng như lời vĩnh biệt từ gia đình của họ.

Dù tôi có cố thế nào, việc không để bị ảnh hưởng cảm xúc gần như là bất khả thi.

Nhiều năm trước, khi còn là một thực tập sinh và sinh viên non kinh nghiệm, tôi được giao ngắt hỗ trợ sự sống cho một người mẹ 27 tuổi có đứa con 2 tuổi.

Tôi cảm thấy bồn chồn ngay từ trước khi bước chân vào phòng khi nhìn thấy gia đình cô ấy với đôi mắt đẫm lệ đang đứng quanh giường bệnh, chờ tôi tới để nói lời tạm biệt sau cuối.

Tôi chưa từng trải nghiệm điều này trước đây, đó là lần đầu tiên.

Khi tôi bước vào, đôi mắt của cha mẹ cô ấy chạm mắt tôi, và trong im lặng, họ biết đã đến lúc.

Họ nắm lấy bàn tay con gái mình (cô ấy đang hôn mê), từng người một, và bắt đầu nói với cô rằng họ yêu cô ấy đến mức nào!

“Chúng ta yêu con”

“Cả nhà sẽ nhớ con lắm”

“Chúng ta xin lỗi vì phải để con đi”

“Chờ chúng ta nhé, hãy dõi theo chúng ta”

“Hẹn gặp con ở phía bên kia”

Những nụ hôn. Những cái ôm. Những khuôn mặt giàn giụa nước mắt.

Tôi đứng đó trong thinh lặng, cảm thấy như có gì đó mắc nghẹn ở cổ họng.

Và sau đó, một người bạn của gia đình đưa đứa con gái 2 tuổi vào phòng.

Đứa trẻ mỉm cười.

Tôi không biết điều gì khiến tôi xúc động đến thế – có lẽ là sự ngây thơ của đứa bé, có lẽ là vì cháu sẽ lớn lên và không còn nhớ gì về mẹ nữa, có lẽ là vì đứa trẻ ấy, không hiểu được khoảnh khắc sinh tử, chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc khi được gặp mẹ, hoặc có lẽ vì tôi đã phóng chiếu bản thân và mẹ mình vào hoàn cảnh ấy – Tôi không biết, nhưng tôi không thể kìm nén được nữa.

Tôi làm việc cần phải làm, chia buồn với người cha và người mẹ đang nức nở, xin phép ra ngoài và sau đó chạy vội tới nhà vệ sinh, khóc cho cạn nước mắt.

Qua nhiều năm, tôi đã học được cách giữ cảm xúc của mình khỏi ảnh hưởng sự chuyên nghiệp, nhưng khi bạn chứng kiến con người trong trạng thái mộc mạc nhất, dễ bị tổn thương nhất, đôi khi lại hoàn toàn ổn để thả lỏng bản thân và bật khóc.

Nó khiến việc chứng kiến cái chết mỗi ngày dễ dàng hơn một chút.

Theo: Long Nguyen 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *