BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

Truyện ngắn của tác giả Saomai Pham

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI.

Ngày đó, cuộc hôn nhân của chị đã trở nên nguội lạnh. Chị là người chủ động đề nghị ly hôn. Bố mẹ hai bên đều đã biết. Trước nỗ lực hàn gắn của bạn bè, anh em, và cả bố mẹ anh…chị vẫn giữ một thái độ mềm mỏng…lặng lẽ. Không kể lể để lôi kéo “đồng minh”. Không hở ra dù là một nửa câu than vãn, thậm chí không nhỏ ra dù chỉ một giọt nước mắt. Ai cũng hiểu, như vậy là không gì có thể lay chuyển được quyết định của chị. Ông bố chồng, vốn đã trầm lặng ít nói, thì giờ đây trở thành một cái bóng lặng câm trong nhà. Tận trong sâu thẳm chi biết ơn ông, biết ơn sự chỉ bảo tận tình của ông cho một con bé sinh viên năm thứ hai đã ngơ ngác về nhà chồng là chị ngày ấy.

Bà mẹ chồng, vốn xưa nay vẫn coi chị là tốt phúc lắm mới lấy được con bà, thì bây giờ ra sức khuyên răn chị: “Thôi thì vợ chồng sống với nhau, không còn tình thì còn nghĩa con ạ”. Chị khẽ cúi đầu lắng nghe và…im lặng. Chị không thể nói với bà là thực ra sự nghiệt ngã của bà cũng giúp chị trở nên rắn rỏi hơn, chị cũng muốn cảm ơn bà vì cả điều ấy nữa.

Chú em chồng ( nhưng hơn tuổi chị ) thì nói: “Tùy chị quyết đinh. Em hiểu là chị đã phải chịu đựng rất nhiều rồi. Anh chị đều là người tốt nhưng anh chị khác nhau quá!”. 

Chị lén lau nước mắt khi nhớ lại những lần vì bênh vực chị mà chú em này đây phải gay gắt với mẹ, chịu sự dằn dỗi, nước mắt ngắn nước mắt dài của mẹ không biết bao nhiêu lần. Và cũng chính là người em chồng đã mua một đôi vé chợ đen chương trình ca nhạc cho anh chị xem, vì “em biết, chị chắc sẽ thích xem chương trình này”, và cũng là để hy vọng cứu vãn được cuộc hôn nhân có vẻ như đã đi đến hồi kết vì sự quá tải của chị!

Chị cảm động rơm rớm nước mắt trước tấm chân tình của người em chồng. Chị nói chị chưa bao giờ có được niềm vui là được cùng người yêu, cùng chồng đi xem một bộ phim hay một chương trình ca nhạc. Anh luôn có lý do để né tránh điều đó, anh luôn coi đó là những trò tầm phào vớ vẩn, vừa tốn tiền lại vừa mất thời gian.

Chị tuy buồn nhưng chị biết cãi lại hay tranh luận với anh bao giờ cũng chỉ chuốc thêm những ấm ức thậm chí oan uổng vào mình. Anh luôn có kiểu nói như buộc như trói vào chị, anh quy kết chị là có chồng có con rồi mà còn mơ mộng ham vui, tiền còn không có mà ăn nói gì đến những thứ xa xỉ như sách truyện hay phim ảnh. Chị ngậm ngùi phục tùng vì biết là đứa con cần ăn uống quần áo hàng tháng hàng ngày, chứ chị thì không xem phim hay không ca nhạc cũng không thể vì thế mà khô đi héo đi được.

Anh ghen tuông nhiếc móc chị mỗi khi chị gặp gỡ bạn bè xưa cũ. Muốn êm cửa êm nhà chị thu hẹp dần các mối quan hệ bạn bè của mình lại. Chị không muốn xào xáo nếp nhà, chị thực lòng muốn yên ấm cái gia đình nhỏ nghèo nàn của mình bằng mọi cách mà chị có thể..

Cứ như thế chị thỏa hiệp với anh hết việc này đến việc khác, lý do nào cũng hợp lý cả.

Chị trở thành một người bị lãng quên lúc nào không hay, chồng lãng quên những nhu cầu tinh thần của chị đã đành, chính chị cũng buông tay để anh lãng quên chị. Chính chị cũng đầu hàng để mình lãng quên con người tình cảm đầy nội tâm của mình là thích nghe nhạc, thích mua vài bông hoa cắm trong nhà khi lĩnh lương…Chỉ vậy thôi chứ có đòi hỏi hay yêu sách gì nhiều cho cam.

Nghĩ lại, hóa ra chính chị mới là người tiếp tay với những thói gia trưởng độc đoán đến khắc nghiệt của chồng. Chính chị mới là người đưa dao cho anh băm vằm không thương tiếc một quãng đời đàn bà của chị- một người đàn bà có học, gia giáo hẳn hoi mà cam chịu đời mình tàn mục, ruỗng nát trong bàn tay người chồng học thức đầy mình mà dửng dưng vô cảm với ngay cả chính vợ mình, vô cảm ác độc mà không hề ý thức là mình ác độc. Anh vẫn luôn vỗ ngực là anh thành đạt, đẹp trai nhưng đàng hoàng không bồ bịch cùng ai chỉ biết có chị. Anh vẫn luôn tự vỗ ngực là anh lấy ai mà chẳng được người hơn chị “chán vạn lần” !

Anh không hề biết là vợ anh luôn thấy buồn và ngột ngạt. Anh không có khái niệm phải ngọt ngào với vợ, dường như anh sợ ngọt ngào chiều chuộng quá vợ sẽ lên nước kiêu kỳ. Giữa hai vợ chồng không bao giờ có được những trao đổi thân ái tôn trọng, tất cả chỉ là nhưng câu nói khô khốc, trịnh trượng- điều mà bà mẹ chồng cũng phải thừa nhận và đã có lần nói với anh: ” Tại sao chưa bao giờ mẹ nghe thấy con ngọt ngào với vợ con cả? “.

Buồn hơn nữa, khi buột miệng kêu ca phàn nàn với mấy cô bạn gái thì bao giờ chị cũng được một kiểu trả lời giống hệt nhau: “Giời ơi, đàn ông thì ông nào chẳng khô không khốc thế. Ông ấy không bồ bịch nhăng nhít la tốt lắm rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa?”.

Không, chị thấy chị không đòi hỏi gì nhiều, chị chỉ ao ước giá như anh tôn trọng chị, yêu thương chị như một người đàn ông yêu người đàn bà của mình. Tiếng là đã làm vợ làm mẹ mà chị thấy mình như cái thân cây khô bị vứt ở góc vườn. Chị cũng thèm những âu yếm ngọt ngào giản đơn của anh, thèm được anh gọi hai tiếng “Mình ơi” chân chất mà sâu lắng ân tình đến thế.

Anh cũng không có nhu cầu được vợ mềm mỏng. Anh nói anh ghét nhất mấy cái trò hôn hít nựng nịu. Ngay cả hôn con chị cũng phải hôn lén. Ngay cả hôn con mà chị cũng phải chờ chồng đi vắng mới dám chồm lấy hôn lấy hôn để thằng bé con mình.

Chị không thể nào hiểu nổi tại sao một người có học như anh, sống ở Hà nội chứ không phải vùng quê hẻo lánh gì mà lại có những cư xử kém văn minh đến thế. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là chuyện giữa hai người, bề ngoài anh là một công chức cần mẫn luôn lo lắng làm tròn chức phận của mình. Anh không có động cơ gì để phấn đấu, không đam mê bất cứ một cái gì từ sách truyện đến thơ ca nhạc họa.

Anh luôn khó chịu ra mặt trước những trò “vớ vẩn” của chị như dùi mài bên trang sách, khen một bài hát hay, bình phẩm một vở kịch đang được dư luận chú ý được trình chiếu trên TV…. Anh khác chị. Anh không hiểu được chị. Và anh miệt thị coi thường đay nghiến những sở thích của chị!

Tối hôm đó, chị trang điểm nhẹ nhàng rồi mặc một bộ áo quần ưng ý nhất để đi xem ca nhạc cùng anh. Chị muốn tận dụng cơ may của mình do chú em chồng mang đến với một tình cảm đầy xót xa của một người hiểu chuyện. Biết đâu, không bao giờ chị có một cơ hội thứ hai như thế này nữa…

Có lẽ với nhiều người đó chỉ là một chương trình ca nhạc thuộc loại “xem được”, thì với chị đó như là một chương trình ca nhạc trong mơ với ánh sáng và những âm thanh lôi cuốn một cách đầy mộng mị. Từng câu từng từ của bạn hát như là dành cho chị, từng nốt nhạc, từng giai điệu như là viết cho những nỗi đau đời, nỗi đau đàn bà thầm kín của chị. Chị xem và nghe bằng cả tâm hồn bị bỏ đói của mình, chị xem và nghe vì thấy mình được hiểu, được an ủi, được cảm thông. Đã lâu lắm chị mới bước ra khỏi những lo toan con cái chợ búa bếp núc để được thật sự là mình. 

Chị xúc động thật sự, chị mê đắm thụ hưởng vận may của mình, mê đắm đến mức quên rằng chị đã đi xem ca nhạc cùng chồng. Chị nhìn thấy anh nghẹo đầu, há hốc miệng vô tư ngủ, từ miệng anh xộc ra một mùi hôi rất khó tả . 

Tự nhiên chị thấy thương hại anh quá chừng, có lẽ do sự đốc thúc của người em mà anh phải đưa chị đi hòng cứu vãn cuộc hôn nhân của họ. 

Nhưng kết quả là như vậy đấy, chị xem kệ chị, anh ngủ mặc anh. Ở đời không phải sự gắng gượng cố gắng nào cũng đem lại kết quả như người ta mong đợi Khẽ thở dài chị nhẹ nhàng đánh thức anh dậy để cùng nhau về.

Trên xe, suốt dọc đường, cả hai vẫn không ai nói với ai câu nào-hệt như lúc họ đi, hệt như từ rất lâu rồi họ vẫn vậy. Anh chị từ lâu đã sống kiểu mỗi người một thế giới. Chị quen rồi với nỗi cô độc đến nhàm chán nặng nề của mình. Nhưng bây giờ thì chị không thấy mình cô đơn nữa. Dư âm của buổi biểu diễn vẫn còn đầy ắp trong chị, bên tai chị vẫn vang lên những âm thanh lảnh lót, cao vút. Những âm thanh tinh khiết bay bổng vượt lên trên những nặng nề u uẩn, đưa chị đến với một thế giới hoàn toàn khác… 

Chị quay sang nhìn anh bằng ánh mắt không vui cũng chẳng buồn, chị tự nhủ: “Đã đến lúc rồi… không nên vì bất cứ lý do gì mà trì hoãn cả… mọi hàn gắn sẽ chỉ là vô nghĩa mà thôi…”. 

Chị hơi quay người nhìn qua cửa xe và nghĩ: cảm ơn âm nhạc đã khiến chị thêm tin tưởng vào những quyết định của mình. Ít nhất cùng với âm nhạc chị đã không còn thấy mình đáng thương nữa. Phải hành động để cứu cuộc đời mình thôi!

Saomai Pham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *