BÙI XUÂN PHÁI VÀ PHA CÀ KHỊA “ĐÒI NỢ” TRỊNH CÔNG SƠN

Sinh thời, một họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái cũng có lúc phải đối mặt với câu chuyện muôn thưở gây đau đầu với giới nghệ sĩ, đó là bị khách hàng “bùng tiền công”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ đam mê âm nhạc mà còn luôn dành sự hứng thú đặc biệt cho hội họa. Ông đã từng vẽ chân dung nhiều bạn hữu và cũng thích được người khác vẽ lại mình. Vì thế, trong một lần ra Hà Nội, ông đã hẹn cố họa sĩ Bùi Xuân Phái và ngỏ ý muốn có một bức tranh chân dung làm kỷ niệm, đổi lại, khi về Sài Gòn ông sẽ gửi ra một hộp sơn biếu vị họa sĩ họ Bùi.

Bùi Xuân Phái nghe vậy liền vui vẻ nhận lời và lôi ngay đồ nghề ra để họa một bức chân dung. Trịnh Công Sơn sau đó đã đem bức tranh về Sài Gòn, và có lẽ vì “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên đã quên mất “SƠN” của bằng hữu Bùi Xuân Phái, làm cho ông Phái cứ từng ngày qua mỏi ngóng quà. Rồi một ngày đẹp trời, vị họa sĩ nhận được bức thư từ Nam gửi ra từ ông Sơn, trong có dòng ghi: “Ngày nào em cũng nhớ đến anh…” Chờ mãi chưa thấy hạt bụi nào hóa kiếp hộp sơn, Bùi Xuân Phái đã nghĩ xem ông nên nhắc khéo như thế nào để nói lên nỗi nhớ “SƠN” của mình. Và thế là ông đã viết đúng như vậy, bằng một lời nhắn gửi nhẹ nhàng trong bức thư phúc đáp: “Ngày nào tôi cũng nhớ đến Sơn”, không quên kèm thêm chú thích “oil” nho nhỏ bên cạnh chữ “Sơn” của mình.

Bức tranh chân dung đó được Bùi Xuân Phái vẽ bằng chất liệu dầu trên khổ khá lớn, sau này được giới hội họa đánh giá là bức chân dung xuất thần nhất về Trịnh Công Sơn. Tuy hộp sơn đã “bị gió cuốn đi” nhưng có lẽ cố họa sĩ đã nhận được thứ mình thực sự muốn đổi lấy, đó chính là tình cảm chân thành từ một tâm hồn đồng điệu: “Ngày nào em cũng nhớ đến anh…”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *