BORIS ELTSIN VÀ NHỮNG “ẨN ỨC” QUÁ KHỨ

Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thôi nghiên cứu và tranh luận về nhân vật Boris Eltsin, người đã góp phần tích cực phá vỡ Liên Xô và khi là Tổng thống đầu tiên của nước Nga, ông đã khiến cho đất nước này ngày càng lụn bại, trên bờ vực “sụp đổ” như nhiều ý kiến đánh giá.
Điều gì đã khiến ông ta, người từng giữ những chức vụ cao trong Đảng và Chính quyền Liên Xô lại có sự “quay ngoắt” hận thù chế độ đến như vậy? Có những ý kiến lý giải cho rằng ông là người khá hung bạo, say rượu suốt ngày…Nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử lại chỉ ra những “ẩn ức” về lý lịch gia đình là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến Eltsin có những hành động như vậy.
Năm 2016, các nghị sĩ thuộc khối Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) đã trình Duma Quốc gia xem xét dự thảo luật, theo đó “coi hoạt động chính trị của Tổng thống Liên Xô trước đây Mikhail S. Gorbachev và Tổng thống đầu tiên của Nga Boris N. Yeltsin là tội phạm và phá hoại”. Bài viết này sẽ đóng góp một cách nhìn về Eltsin, về những điều mà ông ta đã “giấu biến” trong Tiểu sử chính thức của mình.
Trong lý lịch của mình và sau này trong các cuốn sách khác, Tổng thống Nga Eltsin thường viết mình sinh ra trong “một gia đình nghèo”. Đó là điều không đúng với sự thật. Theo nhiều tài liệu đáng tin cậy, ông nội và bố của Eltsin nguyên là phú nông (kulak).
Nhà nghiên cứu Kirill Myamin, Giám đốc Viện nghiên cứu CNCS cao cấp, Uỷ viên trung ương Mặt trận nhân dân toàn Nga trong một bài viết cho biết chính cựu Giám đốc Trung tâm báo chí Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô N.Zenkovich trong cuốn sách của mình có tên “Liên Xô. Những cuộc đào thoát nổi tiếng nhất” (xuất bản tại Moskva năm 2002, trang 368) viết rằng trong tiểu sử chính thức của cựu Tổng thống Nga Eltsin đã có những chi tiết không chính xác về dòng họ Eltsin.
Theo ông Zenkovich, Ельцын (En-txưn) là một họ cổ của Nga, được ghi bằng văn bản chữ viết từ năm 1495. Đến trước những năm 20 của thế kỷ XX, họ En-txưn còn được viết chuẩn theo quy tắc tiếng Nga (như các họ khác là Cu-ri-txưn, Xôn-re-ni-txưn…). Nhưng đến đời ông, rồi đến đời bố của Eltsin, chúng đã được đổi thành En-xin (Eltsin)-tức đã đổi một chữ cái. Tại sao họ lại phải làm vậy?
Cuốn sách “Liên Xô. Những cuộc đào thoát nổi tiếng nhất” đã đưa ra lý giải: bằng cách đó, người bố của Tổng thống Eltsin là Nikolai Eltsin đã muốn xóa “dấu vết”, bởi một thời gian dài ông bị tình nghi là phục vụ trong quân đội bạch vệ của tướng Kolchak.
Một điểm nữa, đó là trong tiểu sử của mình, cựu Tổng thống Nga Eltsin viết :”Chúng tôi sống nghèo khó. Tài sản chỉ có một ngôi nhà nhỏ, 1 con bò, 1 con ngựa. Cũng như mọi người, chúng tôi gia nhập nông trang tập thể. Năm 1935 thì con bò bị chết, khó khăn quá, ông nội tôi phải đi xây lò thuê. Bố tôi thì được tuyển dụng làm công nhân”.
Thông tin này là không chính xác. Năm 1993, người ta tìm thấy trong kho lưu trữ của Cơ quan an ninh Nga (FSB) tại Kazan một bộ hồ sơ vụ án số 5644, liên quan đến ông Nikolai Eltsin. Theo đó, gia đình Eltsin đầu tiên sống ở làng Basmanovo, huyện Olkhovsky, tỉnh Ural. Sau cải cách ruộng đất, gia đình Eltsin bị “đày” đến làng Butka, huyện Talitsky. Trong bộ hồ sơ này có công văn phúc đáp đề tháng 2/1934 của Sở nội vụ tỉnh Ural với Sở nội vụ nước Cộng hòa tự trị Tatar về việc kiểm tra “tài sản của công dân Nikolai Ignatovich Eltsin”.
Theo công văn này, trước cải cách ruộng đất (1930), tài sản của Ignaty Eltsin (ông nội Boris Eltsin) có “một cối xay gió và một cối xay nước; một máy nghiền hạt, 5 con ngựa và 4 con bò; sở hữu 12 ha đất, trong đó 5 ha cho thuê, có thuê nhân công”. Trong khi đó, Boris Eltsin lại “khai” rằng “nhà nghèo, chỉ có 1 con bò và 1 con ngựa”.
Cũng công văn này cho biết năm 1930, sau cải cách, gia đình Eltsin bị “đày” đến làng Butka, cách không xa nơi ở cũ. Công văn cho biết ông nội của Eltsin đã “bỏ trốn khỏi nơi đày”, trong khi Boris Eltsin lại kể là khi đó ông nội mình phải đi xây thuê lò cho hàng xóm.
Cũng theo tiểu sử chính thức của Boris Eltsin, thì bố (Nikolai) và bác (Andrian) của ông làm việc tại công trường xây dựng nhà máy Hàng không Kazan từ 5/12/1932. Tuy nhiên, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga này đã giấu diếm một điều quan trọng: ngày 22/4/1934, bố và bác của ông ta đã bị Sở nội vụ nước Cộng hòa tự trị Tatar khởi tố và ra lệnh bắt giữ theo điều 58 Bộ luật hình sự (hoạt động phản cách mạng) vì đã “tuyên truyền các luận điệu khiêu khích, gây ảnh hưởng xấu”. Cả hai (cùng với 4 người khác nữa) đã bị tuyên án 3 năm cải tạo lao động trong trại tập trung, bắt đầu từ 29/4/1934.
Trong trại cải tạo, ông Nikolai Eltsin làm quen với bác sĩ Vasily Petrovich Petrov, cũng là người Kazan, cũng bị xử về tội tuyên truyền phản cách mạng. Khi được Nikolai than thở là vợ trẻ, con thơ, gia cảnh khó khăn, bác sĩ Vasily đã viết thư về cho vợ là Elizaveta Ivanovna yêu cầu quan tâm đến gia đình Nikolai. Bà Elizaveta đã thực hiện ý nguyện của chồng, mời vợ Nikolai và con trai (là Boris Eltsin, khi đó mới 3 tuổi) về nhà mình sống.
Mùa thu 1936, ông Nikolai được ân xá trước thời hạn, cũng về ở chung với gia đình bác sĩ Vasily Petrov. Năm 1937, em trai của Boris Eltsin là Misa ra đời, được con gái bác sĩ là Nina nhận làm mẹ đỡ đầu. Cuối năm này, gia đình Eltsin rời Kazan, trở về Ural.
Năm 1939, bác sĩ Vasily qua đời. Vợ ông tiếp tục thư từ qua lại với gia đình Eltsin cho đến khi chiến tranh xảy ra năm 1941 và sau đó mất liên lạc (bà mất năm 1966). Hiện ở Kazan, ngôi nhà mà gia đình Eltsin tá túc trong 3 năm liền vẫn còn đó. Bà Nina, mẹ đỡ đầu em trai của Boris Eltsin vẫn sống trong ngôi nhà này.
Năm 1994, khi đã trở thành Tổng thống Nga, Boris Eltsin có chuyến công tác đến Kazan. Biết được điều đó, bà Nina đã viết thư mời Eltsin đến thăm nhà. Nhưng bà chỉ nhận được câu trả lời từ phía an ninh:”Lịch trình chuyến công tác đã kín đến từng phút, không có thời gian”. Tuy nhiên, một thời gian sau, phu nhân của Tổng thống Eltsin là Naina Iosifovna Eltsina đã đến thăm bà Nina và tặng bà một căn hộ.
Như vậy, có thể thấy rằng trong tiểu sử của mình, ông Boris Eltsin đã cố lờ đi, hoặc khai không đúng về thành phần gia đình và quá khứ phản cách mạng, cũng như án phạt của Chính quyền Liên Xô dành cho bố mình về hành động đó trong những năm 30. Nhà nghiên cứu Kirill Myamin cho rằng, sự căm ghét chế độ Xô viết qua những gì mà Boris Eltsin thể hiện rõ rệt sau này, có những căn nguyên sâu xa của nó, gắn với tiểu sử của cha và ông của ông ta.
Nguồn: Nhà báo Phan Việt Hùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *