Ngày 15/03/1939, Adolf ra lệnh cho quân đội Đức tấn công Tiệp Khắc. Everton có lẽ là đội phải chịu thiệt thòi vì chiến tranh nhiều hơn cả: cuộc chơi tạm dừng đúng lúc họ đang được xem là thế lực số 1. Khi giải vô địch Anh bị hủy bỏ vì Đệ nhị thế chiến vào năm 1939 thì Everton cũng đang là đội ĐKVĐ!. Giải vô địch Anh mùa bóng 1939/40 (đã diễn ra 3 vòng đầu) bị hủy bỏ, sau khi Anh tuyên chiến với Đức vào ngày 3/9/1939.
Chính phủ cho biết họ muốn giải trí tiếp tục khi có thể. Vì vậy, trong vài ngày cấm thi đấu, FA (Liên đoàn bóng đá Anh) đã nhanh chóng để hoạt động bóng đá tiếp tục diễn ra. Các giải đấu khu vực và các trận giao hữu đã được cho phép, mặc dù lúc đầu, đám đông có thể không lớn hơn 8.000 người. Hạn chế dường như không cần thiết: hầu như không ai đến xem những trò chơi thời chiến sớm vô nghĩa này. Những trận đấu này gây tranh cãi bởi việc tụ tập đông người có thể trở thành thảm họa nếu như kẻ thù tấn công, nhưng nó vẫn tồn tại, bởi niềm vui từ trái bóng là sự an ủi trong những ngày tháng u ám của bom đạn và những tờ giấy báo tử liên tục được gửi về. Một trong những tổ chức nghiên cứu đầu tiên trên thế giới thời điểm đó đã khảo sát những người bình thường về cuộc sống hàng ngày, phát hiện ra rằng sự quan tâm đến thể thao vẫn tồn tại. Vào tháng 12/1939, 49% những người được thăm dò bởi Mass Observation đọc tin tức thể thao nhiều hơn so với tin tức về chiến tranh (chiếm 30%). Mass Observation thời điểm đó kết luận: Mọi người thấy cuộc chiến hiện tại hoàn toàn không thỏa đáng như một sự bù đắp cho thể thao.
Rõ ràng là bóng đá rẻ tiền là để giữ cho các tầng lớp lao động được hạnh phúc. Báo cáo của Mass Observation cho biết: Các môn thể thao như bóng đá có ảnh hưởng lớn đến tinh thần của mọi người và một buổi chiều thứ Bảy với các trận đấu diễn ra có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của mọi người. Nó hơn chiến dịch áp phích 50.000 bảng gần đây của chính phủ thúc giục sự vui vẻ, ngay cả khi nó được lặp đi lặp lại. Bóng đá Anh cho thấy sức sống mãnh liệt, NHM cuồng nhiệt, các cầu thủ sẵn sàng ra sân bất chấp chiến tranh, đạn bom. Man United là đội bóng đã thi đấu trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, ngay cả sau khi một quả bom của Đức đánh vào Old Trafford ngày 11/3/1941, buộc họ phải chuyển đến sân của Man City. Tương tự, một quả bom cũng đã đánh vào sân bóng của Arsenal và họ đã phải rời tới đại bản doanh White Hart Lane của đại kình địch Tottenham.
Tính giải trí của bóng đá Anh cũng ngày càng được nâng cao. Các cầu thủ đã thể hiện những mánh khóe trên sân. Bàn thắng trung bình mỗi trận cũng tăng gấp đôi, từ 3 ở những mùa giải trước được nâng lên thành 6 trong những tháng đầu tiên của thế chiến thứ II. Các trận đấu cũng trở nên thân thiện hơn: Những cái bắt tay sau trận đấu giữa các cầu thủ có lẽ xuất hiện từ thời điểm này. Đến mùa xuân năm 1940, bóng đá Anh lại bùng nổ. Cuối tháng 5, khi Quân đội Đức dường như đã gài bẫy Lực lượng viễn chinh Anh gần Dunkirk, Harold Nicholson – thư ký quốc hội tại Bộ Thông tin nói rằng trong một thời gian ngắn người Đức có thể hạ gục hàng ngàn người Anh.
Nội các tranh luận làm hòa với Adolf, bóng đá tiếp tục. Vào thời điểm này, Huddersfield đang bận rộn thực hiện chuyến đi xe buýt kéo dài 9 giờ tới London cho War Cup. Sau đó, trong khi những người lính Anh đang được giải cứu khỏi Dunkirk bởi đội quân của những chiếc thuyền nhỏ, Chelsea và West Ham đã thu hút đám đông 32.797 ở London. Chính quyền Anh không làm gì để ngăn cản sự tiếp diễn của bóng đá trong Thế chiến II. Họ không lo lắng về việc né tránh lần này, vì bản dự thảo đã được giới thiệu và trong mọi trường hợp, hầu hết các binh sĩ chỉ quanh quẩn trong doanh trại của họ ở Anh. Cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều năm và nếu những người đàn ông có thể được giải trí vào các buổi chiều thứ bảy với chi phí thấp, tại sao lại dừng lại? Hầu hết mọi người đều đồng ý. Mass Observation không thể tìm thấy một người hâm mộ thời bình nào nghĩ rằng bóng đá nên dừng lại trong thời chiến.
Cuối cùng, nhiều điều cấm kỵ trong chiến tranh của Anh hầu như không chạm vào bóng đá. Đám đông lên tới hàng chục ngàn người được phép tập trung tại sân bóng đá trong “Blitz”, vụ đánh bom hàng đêm của Đức ở London và một số thành phố khác vào năm 1940-1941. Các câu lạc bộ đi quãng đường dài đến các trận đấu, áp phích chính thức kêu gọi đừng đi du lịch trừ khi thực sự cần thiết và trong khi xăng được nhập khẩu từ Mỹ bằng những đoàn xe thường bị tàu U-Boat đánh chìm.
Tom Finney, cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử CLB Preston, đội bóng đã cầm hòa Arsenal trong trận chung kết War Cup năm 1941 trên sân Wembley, trước khi giành chiến thắng ở trận đá lại tại Blackburn tiết lộ cách ông và các đồng đội thi đấu giữa mưa bom của cuộc chiến với Đức: Tôi không hứng thú với cuộc chiến khi tôi thi đấu. Tôi chỉ mới 18 tuổi. Và mối quan tâm chính là ra sân và đánh bại họ, bạn biết đấy. Và để có trận hòa ở London thực sự là một thành tựu khá lớn. Tôi thực sự không hứng thú với cuộc chiến, nhưng chúng tôi muốn nước Anh giành chiến thắng ở cuộc chiến này. Finney dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc chiến để chơi bóng đá trong môi trường quân đội ở Ai Cập, nơi ông đóng quân. Ông đã ghi 30 bàn sau 76 trận cho đội tuyển Anh, hai lần được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Hiệp hội nhà báo Anh và qua đời năm 2014 ở tuổi 81. Chức vô địch War Cup là chiếc cúp duy nhất ông từng giành được trong sự nghiệp.
Trước tình cảnh chiến tranh không thể tránh khỏi, cùng với hàng vạn thanh niên tại Anh thì nhiều cầu thủ của Bolton, Liverpool, West Ham, Blackpool… đã lên đường nhập ngũ. Ngày 08/04/1939, trước trận đấu giữa Bolton – Sunderland, đội trưởng Harry Goslin (Bolton) đã có những chia sẻ với đông đảo người hâm mộ. Anh cho biết: Đất nước đang phải đối mặt với tình trạng nguy cấp, chúng ta không thể ngồi yên một chỗ. Tôi và các đồng nghiệp khác sẽ tham gia quân đội để bảo vệ Tổ quốc. Ông sinh ngày 09/11/1909, được biết đến là một cầu thủ người Anh thi đấu cho Bolton ở vị trí trung vệ. Goslin sinh ra tại Willington. Ông khởi nghiệp cầu thủ tại CLB nghiệp dư Nottingham và chuyển sang thi đấu cho Bolton từ năm 1930/39. Trước khi Thế chiến II bùng nổ, Goslin kịp thi đấu 4 trận cho Bolton, trong đó có những trận đáng chú ý gặp Chelsea và Norwich. Tại tuyển quốc gia Anh, ông cũng được tham gia một trận đấu quốc tế không chính thức gặp Scotland.
Ngay sau trận đấu, 35 cầu thủ Bolton đã gia nhập quân đội. Có 32 người tham gia vào lực lượng vũ trang, 3 người gia nhập đội quân hậu cần. Đã có 17 cầu thủ gia nhập trung đoàn 53 (trung đoàn Bolton) điển hình gồm: Harry Goslin, Danny Winter, Billy Ithell, Albert Geldard, Tommy Sinclair, Don Howe, Ray Westwood, Ernie Forrest, Jackie Roberts, Jack Hurst và Stan Hanson. Theo công bố của LĐBĐ Anh (FA), tính từ cuối năm 1939 đến khi Thế chiến II kết thúc đã có 91 cầu thủ Wolves, 76 từ Liverpool, 65 từ Huddersfield Town, 63 từ Leicester City, 62 từ Charlton, 52 từ Burnley, 50 từ Sheffield Wednesday, 44 từ Chelsea, 41 từ Brentford và 1 cầu thủ của Sunderland đã gia nhập quân đội.
Ngày 12/05/1940, Adolf ra lệnh xâm lược Pháp. Trung đoàn Bolton được điều động sang mặt trận này để giúp đỡ quân đồng minh. Những ngày đầu tại đất nước hình lục lăng, Goslin cùng các đồng đội luôn phải đối mặt với nguy hiểm khi kẻ địch mà họ phải đối mặt là một đơn vị lính tinh nhuệ của Đức. Trong một trận chiến diễn ra cuối tháng 5/1940, trung đoàn 53 đã lập công lớn khi tiêu diệt nhiều quân địch và phá hủy các phương tiện cơ giới. Riêng Harry Goslin được ghi nhận là người đã tiêu diệt 4 xe tăng của quân Đức. Trước chiến công hiển hách đó, đội trưởng của Bolton đã được thăng cấp lên thượng sỹ. Tháng 6/1940, trước sự tấn công mạnh mẽ của Đức, quân đồng minh không thể chống đỡ và buộc phải thực hiện kế hoạch di tản khỏi Pháp (cuộc hành quân Dynamo). Goslin, Howe, Westwood, Forrest, Hurst và Hanson là một trong số 338.000 binh sĩ may mắn có mặt tại cảng Dunkirk để lên tàu trở lại Anh (thời điểm này Goslin đã được thăng cấp lên trung úy).
Ngày 15/07/1942, trung đoàn Bolton được cử sang làm nhiệm vụ tại châu Phi. Họ có mặt ở Ai Cập tháng 8/1942 và tham gia cuộc chiến bảo vệ Alam el Halfa. Sau khi giành được thắng lợi trước liên quân Đức – Italia, Tướng Bernard Montgomery, tư lệnh tập đoàn quân số 8 đã chỉ định các lực lượng Anh di chuyển sang mặt trận Italia. Tháng 9/1943, Goslin cùng các đồng đội đã đổ bộ vào Taranto. Trung đoàn Bolton nhận nhiệm vụ hành quân tới Foggia để cản bước quân Italia. Và đây chính là chiến dịch định mệnh đối với Goslin và nhiều đồng đội của ông. Trong một trận đánh lớn vượt sông Sangro, trung đoàn của Goslin đụng độ quân Italia. Một trận chiến ác liệt diễn ra kéo dài trong suốt một tháng trời. Đó là một trong những trận đánh lớn nhất và khó khăn nhất trong suốt thời gian Thế chiến II. Trung đoàn Bolton cầm cự một cách ngoan cường, thậm chí đã có lúc suýt vượt được sông Sangro để đánh phá phòng tuyến của quân địch. Nhưng do đối thủ 2 lần được tiếp viện, trung đoàn Bolton yếu dần. Lần lượt Hanson, Howe, Ray, Westwood… đã ngã xuống.
Ngày 14/12/1943, Goslin ngụy trang kỹ lưỡng rồi trèo lên một cành cây theo dõi quân địch. Bất ngờ một quả đạn cối từ phía địch bắn thẳng vào gốc cây và nổ dữ dội. Goslin nằm lẫn trong những khúc gỗ với những mảnh đạn cối găm khắp người. Sau mấy ngày cầm cự và đấu tranh với thần chết, Goslin đã không thắng được định mệnh khi trút hơi thở cuối cùng vào rạng sang 18/12/1943. Ông được chôn cất tại nghĩa trang chiến tranh bên bờ sông Sangro. Ít ngày sau khi Goslin hy sinh, tờ báo quê hương Bolton Evening News đã có bài viết sâu sắc nói về người anh hùng vừa bước sang tuổi 34. Nội dung bài báo có đoạn viết: Harry Goslin là một trong những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tốt nhất. Ông không chỉ có ý thức cá nhân vì lợi ích của CLB mà còn sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của quốc gia.
Trong thời gian tham gia quân đội, Goslin cũng có cơ hội được chơi bóng khi đơn vị của ông thi đấu cùng liên quân Scotland và xứ Wales. Tại mặt trận Ai Cập năm 1942, Goslin cùng các đồng đội tại trung đoàn Bolton đã có một trận giao hữu với Ba Lan và họ đã giành thắng lợi 4-2. Ông để lại vợ và 2 người con. Một trong số người con trai của ông là Bob Goslin đã trở thành sỹ quan cao cấp trong ngành cảnh sát Bolton. Trong sự nghiệp cầu thủ, Goslin đã ra sân 306 trận cho Bolton và ghi được 23 bàn thắng. Để tưởng nhớ vị đội trưởng đáng kính này, trong mỗi trận đấu đầu năm mới trên sân Burnden Park (sau này được xây dựng lại và đổi tên thành SVĐ Reebok), các cầu thủ Bolton đeo băng đen và dành 1 phút tưởng nhớ đến ông.
Khi chiến tranh qua đi, nhiều cầu thủ khoác áo lính đã trở lại thời bình trong tư thế của người anh hùng. Jackie Bray (Man City) là một nhân vật điển hình. Ông gia nhập Không quân Hoàng gia năm 1940 và làm việc trong một đơn vị máy bay chiến đấu bảo vệ vùng trời nước Anh. Khi không quân Đức điên cuồng oanh tạc xứ sở sương mù, đơn vị của Bray đã lập chiến công hiển hách khi không ít lần khiến kẻ địch phải trả giá đắt. Trở lại thời bình với nhiều vết thương còn âm ỉ, Bray đã được vinh dự nhận Huân chương Đế chế Anh. Dick Walker (West Ham) và Alf Fields (Arsenal) cũng là một trong những anh hùng thời chiến. Cả hai cùng tham gia tiểu đoàn bộ binh chinh chiến khắp các mặt trận từ El Alamein (chiến trường Bắc Phi) đến cuộc đổ bộ vào Italia. Họ đều nhận được Huân chương Đế chế Anh cho những cống hiến to lớn trong thời chiến.
Không được may mắn như Bray, Walker hay Fields rất nhiều cầu thủ khoác áo lính đã không có cơ hội trở về. Goslin và các đồng đội tại trung đoàn Bolton, Joe Rooney (Wolves), Fred Fisher (Millwall), William Imrie (Newcastle), Bobby Daniel (Arsenal), Sidney Pugh (Arsenal)… và còn rất nhiều lứa cầu thủ sinh ra trong thời chiến đã hy sinh vì lý tưởng. Trong hồi ký, Bill Dean (thủ môn của Arsenal) từng viết: Vâng, tôi đã hoàn thành mục tiêu của cuộc đời đó là việc được thi đấu cho Arsenal. Dean qua đời trong một chiến dịch cùng Hải quân Hoàng gia tháng 3/1942.
Ted Drake – tiền đạo xuất sắc của Arsenal thập niên 40 thế kỷ trước rớm nước mắt trong một cuộc trả lời phỏng vấn Telegraph vào năm 1993, 2 năm trước ngày ông qua đời ở tuổi 82: Trước khi tham gia vào trận đánh ngày 23/12/1943, tôi đã gặp Bobby Daniel. Cậu ấy nổi tiếng đùa dai, tôi đã tức ói máu vì Bobby nói rằng khi chiến tranh kết thúc sẽ quay về hẹn hò với bạn gái của tôi. Nhưng chẳng bao giờ chúng tôi gặp lại Bobby nữa. Ted Drake là một trong những người may mắn sống sót qua trăm miền bom đạn. Ánh mắt nặng trĩu của ông chất chứa một niềm thương đau vô hạn. Nhưng trong ánh mắt ấy không hể thể hiện sự nuối tiếc. Trong giai đoạn làm HLV Chelsea (1952-1961), Drake từng nhiều lần thừa nhận trái tim ông vẫn luôn hướng về Highbury (SVĐ cũ của Arsenal), nơi ông và hơn 20 đồng đội khác đã xung phong nhập ngũ vào năm 1939. Hòa bình lập lại, Drake không thể tiếp gắn bó với sự nghiệp quần đùi áo số vì chấn thương cột sống, song ông vẫn thường xuyên cùng những đồng đội may mắn khác góp sức tu sửa Highbury, SVĐ bị tàn phá nặng nề khi được sử dụng làm trung tâm tuần tra Air Raid.
Ted Drake, Jack Crayston, Eddie Hapgood, Leslie Jones, Bernard Joy, Alf Kirchen, Laurie Scott, Bobby Daniel và George Swindin là những chàng “Pháo thủ” đã tham gia vào lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Tại đây, họ được gặp lại HLV trưởng của mình là Tom Whittaker, trên cương vị chỉ huy trưởng lực lượng không kích mặt trận Bắc Phi. Nhưng hầu hết các cầu thủ Arsenal đều không có được cơ hội tiếp tục làm việc với người thầy ở CLB khi các mặt trận ở Ấn Độ, Italia và Đức cũng đang rất cần sự xuất hiện của máy bay chiến đấu. Và phi đội của các Pháo thủ nhận lệnh lên đường. Trong số những binh sĩ được lệnh đưa máy bay đến Ấn Độ, Trung sĩ Bobby Daniel là một trong những người xuất sắc nhất. Ông hoàn thành 3 tháng huấn luyện với danh hiệu học viên ưu tú. Cùng người đồng đội Jack Crayston nhận lệnh bay sang đất nước châu Á, Daniel đã giành chiến thắng trong rất nhiều trận đánh được phong tặng rất nhiều huân huy chương và danh hiệu trong vòng 1 năm sải cánh trên bầu trời.
Những ngày cuối tháng 12/1943, quân Anh lâm vào tình thế khó khăn khi lương thực và đạn dược dần vơi cạn trong khi đội tiếp ứng vẫn chưa kịp lên đường. Máy bay của Daniel và Crayston bị phục kích, hỏng mất một bên động cơ. Bản thân Daniel dính một phát đạn khá nặng vào đùi trái và trên máy bay chỉ còn lại một chiếc dù duy nhất còn lành lặn. Crayston ngồi vào vị trí phi cơ trưởng, cố gắng đưa máy bay đến vùng an toàn. Bất ngờ Daniel từ đằng sau ốp dù vào lưng người đồng đội rồi xô Crayston khỏi buồng lái. Cậu ấy mỉm cười nhìn tôi và chỉ tay vào ngực áo lót mặc trong người. Một hình khẩu pháo hướng về phía Tây, Eddie Hapgood viết trong cuốn hồi ký được công bố năm 1995, 3 năm sau ngày ông mất tại quê nhà Lancashire.
8 cầu thủ Arsenal đã hy sinh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 (Bobby Daniel: Hy sinh trong một trận chiến chống lại không quân Đức vào ngày 23/12/1943, Sidney Pugh, Harry Cook, Leslie Lack, Bill Dean: Hy sinh trong một trận chiến phối hợp cùng Hải quân Hoàng gia Anh tháng 3/1942, Hugh Glass: Hy sinh trong một trận chiến đấu trên vùng biển nước Anh năm 1943, Cyril Tooze: Hy sinh trong một trận đánh tại mặt trận Italia tháng 2/1944, Herbie Roberts: Qua đời vì bệnh nặng khi phục vụ quân đội tháng 6/1944). Họ đã ngã xuống cùng lời căn dặn những người đồng đội: Chúng ta luôn là những Pháo thủ bất khuất, không bao giờ gục ngã, không bao giờ chùn bước. Trở lại thời bình, Jack Crayston đã tới Arsenal làm HLV (1956-1958). Ông vẫn không ngừng nhắc đến người đồng đội đã đẩy mình khỏi máy bay và nở nụ cười cùng hình ảnh khẩu thần công đang hướng về quê hương.
Khi còn là cầu thủ, Sir Matt Busby đá vị trí trung vệ, được đá cho đội tuyển Scotland một lần vào năm 1933 và giành chức vô địch FA với Man City 1 năm sau đó. Thật mỉa mai là Busby đã đá cho những kình địch của MU: Manchester City từ năm 1929-1936 và Liverpool 1936-1939. Nhưng rồi sự nghiệp thi đấu của ông đã phải kết thúc sớm bởi sự bùng phát của Thế chiến II (1939-1945). Gia nhập quân đội Anh, Busby được mời làm giảng viên giảng dạy các lớp học về thể chất ở Aldershot. Những người lính từng có quãng thời gian trước đó gắn bó với nghiệp quần đùi áo số là Joe Mercer, Cliff Britton, Tommy Lawton, Matt Busby, Stan Cullis, Don Welsh, Billy Cook, Arthur Cunliffe, Billy Wright, Archie Macaulay, Norman Corbett, Bert Sproston và Eric Stephenson.
Joe Mercer sau này là HLV của Man City giai đoạn 1965-1971 nhưng cũng chỉ cùng đội bóng này giành danh hiệu VĐQG một lần duy nhất vào mùa giải 1967-68. Stan Cullis – huấn luyện Wolverhampton từ 1948-1964 từng 3 lần cùng các học trò bước lên đỉnh cao nhất của xứ Sương mù các mùa giải 1953-54, 1957-58, 1958-59. Họ là những người trở về từ cõi chết, cùng mang những kinh nghiệm có được trong thời khắc vào sinh ra tử để làm cho bóng đá phát triển. Và tất cả phải thừa nhận, Sir Matt Busby mới xứng đáng là huyền thoại của các huyền thoại. Theo lời kể của Sir Busby, điều duy nhất khiến ông vượt qua được cuộc chiến chính là bóng đá. Nhiều lần suýt nằm xuống vì những mảnh đạn, cái khao khát được xem trận chung kết FA Cup thôi lại giúp ông có nghị lực để vượt qua nỗi đau đớn của các ca phẫu thuật thiếu thốn công cụ, thuốc men ngoài chiến trường. Chiến tranh kết thúc, Sir Busby không đủ thể lực để tiếp tục thi đấu và lúc đó ông đã 36 tuổi. Một điều khá đặc biệt là ông đã từ chối lời mời làm HLV từ Liverpool – đội bóng mình từng khoác áo giai đoạn 1936-1939 để trở thành thuyền trưởng của một CLB thuộc hạng trung bình khá là MU.
Old Trafford đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn trong Thế chiến thứ II và CLB đang rất nghèo, chỉ có một chút thành công trong 15 năm trước và đang đứng thứ 14 trên BXH giải hạng Nhất (tương đương giải Ngoại hạng thời điểm hiện tại). Busby đã kể rất nhiều cho các cầu thủ về các trận đấu trong chiến tranh, về tinh thần thi đấu của các chiến sĩ. Trận đấu đang diễn ra thì bị quân địch tập kích, rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống và những người còn lại luôn tâm niệm rằng chiến thắng ở những cuộc tranh tài sau đó sẽ để dành tặng các đồng đội không may mắn. Busby đã phải mất 7 năm để cùng MU trở thành nhà vô địch của nước Anh (1951-52). Nhưng khi phương pháp huấn luyện quân đội của ông thấm nhuần trong các thành viên ở Old Trafford, thành công lại đến dồn dập. Quỷ đỏ giành thêm 4 chức vô địch nữa vào các mùa 1955-56, 1956-57, 1964-65, 1966-67, trước khi Sir Bosby phải tạm nói lời chia tay CLB vào năm 1969 vì những vấn đề sức khỏe.
Tiền đạo Fred Chadwick của Ipswich và tiền vệ Albert Hall của Tottenham đã bị quân đội Nhật Bản bắt giữ khi đang làm nhiệm vụ ở Singapore. Nhiều năm sống trong ngục tù, chịu không ít đòn roi của quân Nhật, Hall đã may mắn có tên trong danh sách 58 người sống sót từ một chiếc tàu chở hàng Nhật Bản bị chìm ở Thái Bình Dương vào tháng 9/1943. Chadwick – cầu thủ đầu tiên ghi bàn cho Ipswich ở mùa giải 1938-39 cũng trở lại nước Anh sau những tháng ngày lưu lạc, bị đối xử như một loài cầm thú bởi sự tàn bạo của phát xít. Tâm sự khi quay lại sự nghiệp quần đùi áo số, cả hai người cùng nói: Điều duy nhất tôi nghĩ nếu mình có thể quay lại Anh là bóng đá.
Roy White, một trung sĩ của quân đội viễn chinh Anh và cũng tham gia vào cuộc rút lui khỏi nước Pháp vào năm 1940. Tuy nhiên, trên đường trở về ông và các đồng đội trên thuyền đã bị tập kích bằng ngư lôi. Được đưa vào bệnh viện với đôi mắt không còn nhìn thấy gì, White lặp đi lặp lại một câu duy nhất trong cơn mê sảng: Bóng đá, tôi phải đá bóng. 2 tháng sau, các bác sĩ trong bệnh viện phát hiện ra điều thần kỳ, thị giác của Roy White đã hoàn toàn phục hồi. Và chỉ 1 năm sau người ta thấy ông đang chạy trên các thảm cỏ trong màu áo Tottenham.
Bill Shorthouse – hậu vệ của Wolverhampton đoạt chức vô địch Anh 1953-54 từng bị thương nặng trong cuộc chiến Normandy. Corporal Alex Munro của Blackpool bị quân đội Đức bắt giữ vào tháng 7/1942 và bị giam giữ trong vòng 3 năm tại một trại tập trung. Thoát khỏi tay tử thần, Munro cũng như bao cầu thủ khoác áo lính khác lại trở về với những trận đấu, nơi họ nghe thấy tiếng cổ vũ trên khán đài như âm thanh của đạn pháo, trái bóng là vũ khí, cầu môn là quân địch. Sau Thế chiến II, ta đã bắt gặp những tinh thần thi đấu như giữa chiến trường đầy khói lửa, đạn bom.
Huyền thoại bóng đá Anh Stanley Matthews (ảnh phải) chào đời trong Đệ nhất thế chiến (năm 1915) và đã bước sang tuổi “băm” khi Đệ nhị thế chiến khép lại vào năm 1945. Vậy mà ông vẫn đoạt “Quả bóng vàng châu Âu”, khi giải thưởng này được trao lần đầu tiên vào năm 1956. Lúc bấy giờ, Matthews đã 41 tuổi. Ông vẫn khoác áo ĐT Anh, và sẽ còn chơi bóng đỉnh cao khoảng chục năm nữa. Matthews là cầu thủ Anh duy nhất xưa nay được phong tước Hiệp sĩ ngay khi còn đang chơi bóng.
Quả bóng ngừng lăn trên quê hương bóng đá kể cả sau khi cuộc chiến đã tàn ở châu Âu vào tháng 5/1945. Mùa bóng 1945/46 vẫn không thể diễn ra. Ngày 26/5/1945, Man United và Bolton gặp nhau trong trận chung kết League North Cup. Bolton đã chiến thắng, họ thắng 1-0 trên sân nhà và sau đó có được trận hòa 2-2 ở trận lượt về trên sân nhà tạm thời của M.U là Maine Road (sân của Man City). Bolton tiếp tục đánh bại những người chiến thắng ở League South Cup là Chelsea trong trận chung kết toàn nước Anh. Đến tận mùa 1946-1947 mới bắt đầu trở lại.