Ngày 9/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu được Quốc hội giao.
Cụ thể, vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (08/09 chỉ tiêu).
Đặc biệt, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, công tác khám chữa bệnh phục hồi mạnh sau Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thừa nhận ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhưng còn chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Việc bảo đảm các mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác đào tạo nhân lực ngành y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài… Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành y tế là rất nặng nề.
Theo Bộ trưởng Lan, thời gian tới, ngành y tế vẫn phải đối mặt các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng.
Trong khi đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe còn chưa bảo đảm nhu cầu thực tiễn.
Năm 2024, Bộ trưởng đặt ra 8 nhiệm vụ mà ngành y tế cấp thiết giải quyết trong năm 2024. Đó là:
– Phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành Y tế trong năm 2023; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2024 và những năm tiếp theo;
– Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp, cơ quan, đơn vị ngành Y tế trên cơ sở bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước;
– Các nhiệm vụ cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ngành (sửa đổi Luật Dược, Luật BHYT; Nghị định thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; văn bản hướng dẫn Luật đấu thầu thuộc phạm vi quản lý…); tăng cường nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc trỉển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở y tế trên cả nước;
– Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù đào tạo, công việc của công chức, viên chức, người lao động ngành y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương để thực hiện từ ngày 01/7/2024;
– Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư;
– Chủ động dự phòng, kiểm soát tốt dịch bệnh; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng;
– Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đáp ứng đủ thuốc, vaccine, thiết bị y tế;
– Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; các giải pháp nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển KTXH lĩnh vực y tế.