bo-noi-vu-chua-de-xuat-sap-nhap-bo,-nganh,-dia-phuong

Bộ Nội vụ chưa đề xuất sáp nhập bộ, ngành, địa phương

Thứ bảy, 17/06/2023, 07:22 (GMT+7)

Ông Vũ Đăng Minh cho biết, đây là vấn đề rất phức tạp, động chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 16/6. Trả lời về kế hoạch giảm hợp lý số lượng bộ, cơ quan ngang bộ trong thời gian tới đang thực hiện ra sao và đã có đề xuất giảm bộ hay cơ quan nào chưa?

Ông Trần Văn Khiêm – Vụ phó Vụ Tổ chức- Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, cơ cấu Chính phủ khóa XV theo Nghị quyết của Quốc hội giữ nguyên như hiện nay.

Về Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI tới đây là nhiệm vụ trong chương trình hành động của Ban cán sự đảng bộ. Việc này phù hợp với Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Kết luận của Bộ Chính trị cũng như các Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Theo ông Khiêm, việc xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI phải trên cơ sở tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định. Việc giảm bộ, cơ quan ngang bộ nào sẽ cần phải tổng kết.

Ông Khiêm cũng cho biết, trong chương trình thực hiện kết luận 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết 18, Chính phủ có giao cho Bộ Nội vụ chuẩn bị chương trình hành động.

Bên cạnh đó ông Khiêm xác nhận đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ và đã trình dự thảo chương trình, phụ lục trong đó có tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ. Tuy nhiên đây mới là dự thảo trình lên Chính phủ, còn phải xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ.
Ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ.

Trả lời thêm, ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ cần có kế hoạch thể chế hóa nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch để triển khai Nghị quyết 27.

Trong đó, đưa vào chương trình, mục tiêu để nghiên cứu xây dựng trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bảo đảm nguyên tắc tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục chồng chéo.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng chia sẻ: “Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, động chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ nên cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phải qua rất nhiều vòng”. 

Từ đánh giá, tổng kết cơ cấu Chính phủ qua 20 năm thực hiện, đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương để tham mưu cho Chính phủ, cấp thẩm quyền. Từ đó, tiến tới cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ XVI nên đây mới đặt ra mục tiêu để nghiên cứu.

“Hiện, Bộ Nội vụ chưa có đề xuất nào với cấp có thẩm quyền về nhập bộ này hay bộ kia. Tương tự như trước đây, bộ cũng chưa có đề xuất nhập tỉnh này với tỉnh kia, mà chỉ đề xuất nhập huyện, xã”, ông Minh cho hay.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, có nội dung tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Chú trọng nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *