bo-muc-“tham-chieu”-nay,-lay-co-so-nao-de-“doi”-tien-luong?

Bỏ mức “tham chiếu” này, lấy cơ sở nào để “đòi” tiền lương?

Tiền lương tối thiểu khác với lương đủ sống như thế nào?

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tiền lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho lao động trong điều kiện làm đơn giản nhất để đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Theo ông Quảng, hiện nay tiền lương tối thiểu vùng đang được xác lập dựa trên chỉ số lương thực, thực phẩm và các nhu cầu sống tối thiểu của con người. Việc xác định chỉ số lương thực thực phẩm hiện nay chỉ khoảng 2.300 calo cho 1 người để duy trì cuộc sống tối thiểu. Ngoài ra, tiền lương tối thiểu chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của 1 con người không tính tới các yếu tố rủi ro. Riêng mức lương đủ sống là mức lương phải tính tới việc đáp ứng đủ nhu cầu sống, có tích lũy (có tiền cho con cái học hành, tính tới các yếu tố rủi ro, ốm đau… đảm bảo sống đàng hoàng).

Như vậy, tùy từng thời điểm mà cách tính và mức lương tối thiểu cũng khác nhau, hay cũng tùy từng ngành mà mức tiền lương tối thiểu hay lương đủ sống cũng khác nhau. Ví dụ, mức lương đủ sống của ngành may khác với ngành báo, mức lương của công nhân làm ngành điện tử khác với nhân viên làm văn phòng…

Khi nào bỏ tăng lương tối thiểu vùng? - Ảnh 1.

Lương tối thiểu là mức sàn để doanh nghiệp không được trả lương thấp hơn mức này. Ảnh: K.N

Ông Quảng cũng lấy thêm 1 ví dụ cụ thể: Năm 2019, mức lương tối thiểu của Việt Nam ở vùng I, tại TP. HCM là 3.980.000 đồng. Nhưng thời điểm đó, Tổ chức Sàn tiền lương thế giới đã công bố mức lương đủ sống của lao động ngành may là 9 triệu đồng/tháng. Nói vậy để hiểu tiền lương tối thiểu khác với tiền lương đủ sống.

Theo quan sát, ông Quảng cho biết, hiện nay khá nhiều ngành đã tiệm cận được với mức lương đủ sống. Nhưng cũng theo ông Quảng, hướng tới lương đủ sống là chưa đủ, người lao động nói riêng và thị trường lao động Việt Nam cần hướng tới với việc thương lượng tiền lương dựa trên giá cả, sức lao động, tức là thỏa thuận tiền lương giữa lao động với chủ sử dụng. Lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao thì có khả năng thỏa thuận tiền lương cao với người sử dụng lao động.

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng.

“Hiện nay ở nước ngoài, người ta đã tiến tới việc yêu cầu tiền lương đủ sống với một số ngành. Theo đó, sàn tiền lương cao hơn mức lương tối thiểu và doanh nghiệp ở ngành đó muốn tuyển được lao động phải đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động. Thậm chí, một số lao động có tay nghề, được sự hỗ trợ của công đoàn còn tiến tới thương lượng tiền lương và đạt được mức lương cao hơn cả mức lương đủ sống gấp nhiều lần.

Hiện nay ở các quốc gia phát triển có 3 cấp độ để trả tiền lương cho một người lao động. Tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu hay làm căn cứ để doanh nghiệp không được trả mức “tiền lương chết đói” cho lao động. Còn tiền lương đủ sống là mức tiền lương mà đa phần các doanh nghiệp đang hướng tới và thực hiện. Ngoài ra còn một cấp độ nữa là tiền lương theo thỏa thuận. Mức tiền lương theo thỏa thuận có thể giúp người lao động đạt được mức tiền lương cao nhất dựa trên tay nghề, kỹ năng mà một lao động có được.

Khó bỏ lương tối thiểu, lý do là gì?

Tiền lương tối thiểu đã được áp dụng ở Việt Nam được 12 năm, nhưng vẫn chưa thể bỏ lý do theo ông Quảng là bởi quan hệ lao động cũng như việc thương lượng tiền lương theo cơ chế thị trường của Việt Nam chưa tốt, chưa triệt để.

“Nếu việc thương lượng mạnh thì tới đây có thể cũng không cần Hội đồng tiền lương phải đàm phán để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Hoặc giả như bây giờ nếu Tổng cục thống kê công bố được chỉ số về mức sống tối thiểu thì việc thương lượng ban hành tiền lương tối thiểu hàng năm cũng dễ dàng hơn”, ông Quảng phân tích.

Khi nào bỏ tăng lương tối thiểu vùng? - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Quảng chia sẻ với PV báo Dân Việt về cơ chế xác lập tiền lương tối thiểu vùng. Ảnh: NN

Tới đây, Việt Nam cần hướng tới việc thỏa thuận tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay do việc thương lượng của chúng ta yếu nên buộc phải duy trì Hội đồng tiền lương để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.

“Chúng ta vẫn quen với việc bao cấp tiền lương, doanh nghiệp trả bao nhiêu thì ta nhận bấy nhiêu. Nhưng giờ đã khác rồi, lao động chất lượng cao sẽ tự thương lượng, tự thỏa thuận tiền lương”, ông Quảng nói.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã bỏ việc áp dụng lương tối thiểu vùng, ông Quảng cho rằng chế độ tiền lương của Việt Nam cũng phải hướng tới điều này.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiều khả năng trong năm nay phải tới đầu tháng 3 đơn vị này mới đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Nói về lý do đề xuất muộn hơn so với các năm, ông Hiểu cho biết, đơn vị này đang chờ các bộ ngành sắp xếp lại bộ máy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *