bo-giay-chuyen-vien:-nguoi-nha-benh-nhan-dong-thuan,-lanh-dao-benh-vien-lo-ngai-tuyen-tren-“vo-tran”

Bỏ giấy chuyển viện: Người nhà bệnh nhân đồng thuận, lãnh đạo bệnh viện lo ngại tuyến trên “vỡ trận”

Người nhà bệnh nhân khổ sở, toát mồ hôi xin giấy chuyển viện

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 20/11, GS. Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế, để “người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc”.

Bỏ giấy chuyển viện: Người nhà bệnh nhân đồng thuận, lãnh đạo bệnh viện lo ngại tuyến trên vỡ trận - Ảnh 1.

Bệnh nhân chen chân khám, xét nghiệm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Gia Khiêm

Quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên trung ương thì phải xin giấy chuyển viện. Điều này khiến nhiều người cho rằng rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi, đề nghị có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mong muốn.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn H. (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cách đây không lâu chồng chị không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não sau đó được đưa vào bệnh viện điều trị. Trước đó, chồng chị tham gia thẻ bảo hiểm ở một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. 

Bỏ giấy chuyển viện: Người nhà bệnh nhân đồng thuận, lãnh đạo bệnh viện lo ngại tuyến trên vỡ trận - Ảnh 2.

Giấy ra viện của chồng chị H. tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Gia Khiêm

“Thời điểm đó, chồng tôi bị nặng xin chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện không cho chuyển vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Sau một hồi bàn bạc, gia đình tôi vẫn quyết định đưa anh lên và tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Số tiền điều trị khi đó không được bảo hiểm y tế thanh toán vì trái tuyến. Gia đình tôi cũng gửi mô xương ở Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bác sĩ hẹn 2 tháng sau sẽ tiến hành ghép lại nhưng bệnh viện yêu cầu phải xin giấy chuyển viện thì được thanh toán bằng thẻ bảo hiểm y tế”, chị H. chia sẻ.

Lúc này chị H. quay trở lại bệnh viện nơi chồng mình tham gia bảo hiểm y tế thì đơn vị này không đồng ý cấp giấy chuyển viện với lý do bệnh viện cũng triển khai việc ghép xương sọ này.

Chị H. phải ngược xuôi về quê xin giấy chuyển viện để được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi cũng chia sẻ về việc trước đó cũng đã phẫu thuật ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và hoàn trả toàn bộ số tiền điều trị. Xương của chồng tôi cũng gửi ở Ngân hàng mô nên việc đưa về đây ghép là điều khó. Tuy nhiên, sau một hồi trình bày tôi cũng không thể xin được giấy chuyển viện. Cực chẳng đã, tôi đã phải ngược dòng về quê để nhờ chuyển viện từ tuyến huyện xong ra tuyến tỉnh thì mới xin được giấy chuyển viện lên tuyến trung ương để chồng tôi được thanh toán thẻ bảo hiểm y tế đúng tuyến để đỡ nặng gánh”, chị H. nói.

Trước việc, Đại biểu Quốc hội kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện, chị H. cho rằng, việc này sẽ thuận tiện cho người dân nhưng cũng có thể gây quá tải cho tuyến trên. Để làm được điều này, ngành y tế phải có “nút mở” hoặc làm sao không cứng nhắc để người bệnh được hưởng lợi tốt nhất.

“Như tôi là trẻ tiếp xúc với giấy tờ, phải chạy ngược xuôi, mướt mồ hôi và gặp muôn vàn khó khăn khi phải qua rất nhiều bước, phức tạp về mặt giấy tờ huống gì người dân khác. Thậm chí, việc tích hợp thẻ bảo hiểm vào căn cước công dân nhưng đi đâu vẫn phải trình. Tôi chỉ mong sao cơ quan nhà nước có giải pháp hiệu quả hơn”, chị H. bày tỏ.

“Giấy chuyển viện hiện vẫn cần thiết, tiến tới bỏ là phù hợp”

Trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc một Bệnh viện tuyến quận ở địa bàn Hà Nội cho rằng, không nên bỏ giấy chuyển viện. Nếu để bệnh nhân đỡ phiền toái có thể thay bằng các giải pháp khác như dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục. 

Bỏ giấy chuyển viện: Người nhà bệnh nhân đồng thuận, lãnh đạo bệnh viện lo ngại tuyến trên vỡ trận - Ảnh 5.

Cảnh người nằm giường, người ngồi ngủ gật mệt mỏi chờ đợi làm thủ tục khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Gia Khiêm

“Tại sao vẫn cần giấy chuyển viện vì để nói lên lịch sử bệnh nhân đã điều trị tại tuyến dưới là gì? Cái này làm nền cho bên trên tiếp tục điều trị. Bệnh viện tuyến trên có thể thấy phác đồ điều trị của tuyến dưới có thể chưa đúng hướng không đi nữa. Giấy chuyển viện đầu tiên là thông tin y tế đã được tuyến dưới chẩn đoán điều trị những gì rồi. Thứ 2, giấy chuyển tuyến của chúng ta làm được việc trật tự khám chữa bệnh. 

Ngành y tế hiện nay bản chất phát triển không đồng đều giữa các bệnh viện. Tại một số nước trên thế giới, các bệnh viện về cơ bản tương đối đồng đều về trình độ, chỉ khác là bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Do vậy ở nước ngoài không có khái niệm chuyển viện mà chỉ có khái niệm hội chẩn. Cũng có thể cần chuyên khoa, còn bệnh viện chúng ta ngay từ các trạm y tế xã, phường chưa đồng đều”, vị này nói.

Bỏ giấy chuyển viện: Người nhà bệnh nhân đồng thuận, lãnh đạo bệnh viện lo ngại tuyến trên vỡ trận - Ảnh 6.

Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Gia Khiêm

Vị giám đốc bệnh viện này cũng bày tỏ: “Tôi rất hiểu người dân ở bệnh viện tuyến dưới đôi lúc bị các bác sĩ do năng lực, trình độ, do các suy nghĩ mà khi điều trị thậm chí có lúc sai sót về mặt tiên lượng. Nếu một ngày đẹp trời nào đó bỏ giấy chuyển viện, bệnh nhân các nơi đều đổ về Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K thì sẽ rối loạn, vỡ trận. Các bệnh viện sẽ bị quá tải, bao nhiêu bệnh nhân sẽ đợi được, thậm chí vào quá đông khiến các bác sĩ bị quá sức, tỉ lệ bỏ sót thậm chí còn nhiều hơn sai sót do trình độ tuyến dưới”.

Chính vì vậy, vị này cho rằng, với năng lực của ngành y tế hiện tại, việc có giấy chuyển tuyến là điều hết sức cần thiết. 

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, giấy chuyển viện liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác bảo hiểm y tế…

“Hệ quả một số nơi tuyến dưới muốn giữ bệnh nhân không cho chuyển tuyến vì cơ chế tự chủ nên gây trở ngại cho một số bệnh lý mà tuyến dưới chưa làm được. Giấy chuyển viện tôi cho rằng là cần thiết cho việc quản lý nhưng với điều kiện phải số hoá toàn bộ hệ thống, việc chuyển viện sẽ tích hợp vào thẻ căn cước công dân mà việc đó hiện nay chúng ta chưa làm được. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải thực hành tiêu chuẩn. 

Việc giấy chuyển viện hiện có thể vẫn cần thiết, tiến tới bỏ là phù hợp bởi mỗi người sẽ làm theo chuẩn quy định của quốc gia. Giấy chuyển viện lợi ở chỗ quản lý bệnh nhân chuẩn mực hơn, tránh việc bệnh nhân ồ ạt lên tuyến trên. Ngược lại tuyến dưới mà có đầy đủ các phương tiện, thuốc men về bệnh lý mãn tính thì người bệnh không tội gì họ phải lên tuyến trên. Việc này phải cần giải pháp tổng thể mà cũng cần người có tầm thì mới có thể thiết chế được còn hiện tại thì chưa thể bỏ được.

“Để bỏ giấy chuyển viện phải phân tích xem tác động thế nào? Y tế cơ sở đáp ứng đến đâu, người dân sẽ thế nào, phải tránh tình trạng quá tải rất lớn cho tuyến trên như 3,4 người bệnh nằm một giường như trước đây. Đối với tôi, quản lý ngành y tế đầu tiên phải xác định các chuẩn của y tế xã, phường làm được gì, quận, huyện làm được gì, tỉnh là gì, trung ương là gì… Theo luật mới sẽ tính chuẩn cơ sở y tế về dịch vụ chứ không phải trung ương hay tỉnh, thành phố hay quận huyện…”, ông Nhung nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *