BỎ BÙA CHỊ DÂU – P6 (Cuối)

CHƯƠNG 6:

Từ nãy đến giờ lúc thầy Quyết đi nói chuyện với bà Hợp, Nhung cũng thử lên mạng tìm hiểu xem những dấu vết trên người mẹ mình có phải bị bỏ bùa không, thật bất ngờ cô tìm được rất nhiều hình ảnh giống mẹ mình ở trên mạng, và ai cũng cam đoan rằng những hình ảnh đó do bùa ngải gây nên. Cho nên cô không chần chừ, cùng bố đưa mẹ mình ra taxi để về nhà.

Gia đình họ về đến nhà cũng đã qua 6 giờ tối rồi. Nhung xách xe chạy ra ngoài mua đồ ăn tối, còn bà Hường thì lên giường nằm, nhìn bà càng lúc càng tiều tuỵ. Bà chỉ ăn được mấy thìa cháo rồi cũng nôn sạch, hai con mắt bắt đầu trợn lên, nhìn thấy tròng trắng nhiều hơn tròng đen.

Hàng xóm nhà Nhung là bà Cúc, một người phụ nữ rất mê tín, trong nhà có chuyện gì cũng đi xem thầy. Nghe nhắc đến cô Hiếu, bà Cúc trề môi:

– Khiếp, ai cũng đổ đi tìm cái bà Hiếu đấy, tao từng đến đó một lần rồi, thấy trong nhà toàn thờ quỷ chứ có thờ thần Phật gì đâu. Bà đấy cho bùa hại người thì hiệu nghiệm lắm, nói chung cái nhà bà ta chẳng có gì tốt đẹp đâu, sớm muộn rồi cũng bị nghiệp quật thôi. Để tao chỉ cho mày cái ông thầy này. Ông ta chỉ làm lễ cho người hữu duyên thôi, trong nhà ông ta cũng thờ Phật thôi, cảm giác an tâm lắm, mày có chuyện gì thì tìm ông ta thử.

Nghe bà Cúc nói vậy, Nhung mừng rỡ xin bà cách thức liên lạc của ông thầy kia. Bà Cúc nói người ta thường gọi ông là thầy Tứ, năm nay đã ngoài năm mươi tuổi.

—–

Lúc Nhung đi từ nhà bà Cúc trở về thì trong nhà đã có ông Toàn và bà Hợp sang thăm. Bà Hợp ngồi bên giường đấm bóp tay chân cho mẹ cô, gương mặt bà rất buồn vì bà không ngờ mẹ cô lại bị bỏ bùa.

Chuyện bà Hợp bỏ bùa bà Hường chỉ có một mình thầy Quyết nghi ngờ cho nên Nhung cũng tạm thời không ghét bỏ gì bà Hợp, cô ngồi xuống cạnh giường nói:

– Chẳng biết ai lại ghét rồi làm như vậy với mẹ cháu nữa, để cháu biết được thì cả nhà họ không được sống yên ổn đâu.

Bà Hợp chột dạ chỉ cười cười:

– Ừ, chả biết đứa nào lại thất đức như thế.

Trong lúc bà Hợp đang còn lúng túng chẳng biết phải nói gì thì đột nhiên bà Hường lại run bần bật từng cơn. Sau đó bà bắt đầu cảm thấy ổ bụng mình quặn đau. Cơn đau này cứ ngày sau lại đau hơn ngày trước.

Thầy Quyết vội chạy vào buồng cõng vợ ra trước bàn thờ, Nhung trải cái chiếu ra cho mẹ nằm lên cho đỡ lạm. Thầy Quyết nhanh chóng đi đến bên bàn thờ đốt vài nén nhang lầm rầm khấn trong miệng. Ông khấn cho tổ tiên phù hộ cho bà Hường đừng bị cái thứ kia giết chết. Đêm qua ông cụ đã tìm về ông để báo mộng, ông tin ông cụ cũng sẽ có chút năng lực để bảo vệ vợ ông qua đêm nay.

Nhung mau chóng chạy vào phòng bà Hường lục trong ngăn kéo ra một tấm bùa bình an mà bà thỉnh hồi đầu năm. Cô lấy nó ra tròng vào cổ mẹ mình.

Không biết là do lá bùa bình an có tác dụng hay là nhờ tổ tiên phù hộ mà sau đó cơn đau của bà Hường cứ giảm dần. Cuối cùng bà cũng không còn đau nữa, nhưng toàn thân đã đổ đầy mồ hôi.

Ông Toàn bà Hợp cũng há hốc khi chứng kiến cảnh đó. Ban đầu ông Toàn còn cho rằng thầy Quyết dở hơi khi nói bà Hường bị bỏ bùa, nhưng chứng kiến cảnh bà đang đau vật vã mà khấn vái vài cái bà đã bớt đau thì ông cảm thấy việc này hình như đáng tin thật.

Bởi vì bà Hường cần được nghỉ ngơi nên vợ chồng bà Hợp phải về sớm. Thầy Quyết hỏi Nhung:

– Con có hỏi được thầy bà nào tốt không?

Nhung gật đầu:

– Cô Cúc cho con số điện thoại của thầy Tứ ở trên thị trấn rồi. Ban nãy con đã gọi cho thầy, thầy nói chiều mai sẽ xuống nhà ta.

Trong tình trạng chính quyền kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan nên các thầy bà ít khách hẳn, cho nên rất dễ xếp lịch. Thầy Quyết biết nếu chuyện mình mời thầy cúng về nhà nếu bị truyền đến tai nhà trường thì có thể mình sẽ bị kỷ luật. Nhưng tính mạng của vợ ông vẫn quan trọng hơn chứ.

Bà Hường lại vất vưởng qua một đêm, hôm sau tình trạng của bà càng tiều tuỵ hơn hôm qua, trong một khoảnh khắc nào đó thầy Quyết thật sự muốn đưa vợ mình đi bệnh viện.

Hôm nay là chủ nhật, thầy được nghỉ ở nhà, vừa hay có thể chờ thầy Tứ đến làm lễ.

Đúng một giờ chiều thầy Tứ có mặt tại trước cổng nhà thầy Quyết. Ông ta chỉ mang một bộ quần áo như bao nhiêu người bình thường khác chứ không dám mặc quần áo pháp sư đi ngoài đường.

Đón thầy Tứ vào nhà xong, thầy Quyết khoá cổng lại rồi đưa thầy Tứ vào nhà, kể từ lúc này nếu có người gọi cửa ông cũng sẽ không ra mở.

Thầy Tứ vừa đi vào nhà thì đã nhăn mặt nói:

– Ở đây nhiều thứ dơ bẩn quá.

Thầy Quyết nhin căn nhà sạch sẽ của mình một lượt, đoán “thứ dơ bẩn” trong lời ông là ám chỉ thứ đang vây lấy bà Hường.

Bà Hường được đưa ra nằm trên chiếc chiếu ở phòng khách, thầy Tứ đi một vòng quanh bà, cười nhếch mép:

– Bọn quỷ sai đang đứng xung quanh bà nhà chực chờ mang bà ấy đi kia kìa.

Thầy Quyết và Nhung giật mình nhìn quanh, nhưng với đôi mắt bình thường của bọn họ không thể thấy được quỷ sai như thầy Tứ nói.

Thầy Tứ cũng không dài dòng, ông bày mấy thứ đồ cúng bái trong giỏ xách ra, đồng thời cũng lấy ra một bộ quần áo pháp sư màu vàng mặc lên người.

– Đỡ chị nhà ngồi thẳng dậy. – Thầy Tứ nói như ra lệnh.

Thầy Quyết và Nhung vội đi tới đỡ bà Hường đang mềm như cọng bún lên. Thầy Tứ cong khoé môi nói:

– May phước gặp được tôi, nếu không chắc chắn sẽ mất mạng trong vòng hai ngày nữa.

Thầy Quyết và Nhung nghe vậy thì cũng nuốt nước miếng, Nhung run run nói:

– Mong thầy cứu mẹ con với ạ.

Thầy Tứ mỗi khi đến đây chắc chắn sẽ cứu người, thầy cũng biết việc này có chút khó khăn, nhưng không phải không làm được. Thầy dùng phấn bột vẽ một vòng tròn bao quanh ba người bọn họ lại, dặn dò:

– Hai người nhớ giữ chặt chị ta, đừng để chị ta thoát ra khỏi cái vòng này.

Thầy Quyết và Nhung gật đầu đồng ý.

Cầm cái chuông trong tay, thầy Tứ bắt đầu lầm rầm khấn bái. Tiếng khấn ngày càng lớn, cái chuông trong tay cũng lắc mỗi lúc một nhanh hơn.

Bà Hường rõ ràng ban nãy đang cực kỳ suy yếu, hiện tại lại mạnh mẽ như một con dã thú gầm gừ vùng thoát ra khỏi sự kìm kẹp của chồng và con gái. Hai mắt bà long sòng sọc, miệng há ra muốn cắn người. Ông Quyết phải giữ chặt đầu bà lại đề bà khỏi cắn lung tung, Nhung cũng hỗ trợ giúp bố mình giữ chặt tay chân bà Hường.

Theo nhịp điệu tiếng chuông ngày càng nhanh thì sự vùng vẫy của bà Hường càng mãnh liệt hơn nữa. Bà liên tục gào thét chửi bới. Có vài hàng xóm hiếu kỳ bắt đầu lắng tai nghe về phía này.

Thầy Tứ bị nhiêu yêu quỷ gào thét bên tai cho nên hai chân mày bắt đầu nhíu lại, nhưng tốc độ đọc thần chú và nhịp điệu cái chuông trong tay không hề bị giảm bớt.

Sau khi vật vã mất hơn nủa tiếng thì bà Hường từ từ không còn chống cự nữa, trở nên ngoan hiền hơn. Lúc này thầy Quyết và Nhung cũng thân tàn ma dại theo bà, trên khuôn mặt trắng trẻo của Nhung còn có vài vết xước, nhưng lúc này cô không có tâm trạng đâu mà quan tâm tới điều đó.

Sau khi kết thúc câu khấn, thầy Tứ dường như đuối sức mà quỵ xuống, thầy Quyết muốn tiến lên đỡ nhưng lại sợ bà Hường đột nhiên lao ra khỏi vòng tròn thì công sức nãy giờ đổ sông đổ bể hết, cho nên ông vẫn kiên trì giữ chặt vợ.

Thầy Tứ lau mồ hôi trên mặt, cười cười:

– Xong rồi đấy, chị nhà phước lớn mạng lớn, được tổ tiên lẫn quý nhân phù hộ cho nên tôi cũng không tốn bao nhiêu sức. Nếu là người khác có khi chết từ lâu rồi.

Nghe nói xong rồi, thầy Quyết và Nhung mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này bà Hường bắt đầu có dấu hiệu tỉnh lại, đôi mắt bà đã có điểm nhìn trở lại chứ không thẫn thờ như hôm qua với hôm nay. Nhung mừng rỡ nói:

– Mẹ… Mẹ có nhận ra con không?

Bà Hường cảm thấy cả người đều đau nhức nhưng vẫn gật đầu trả lời Nhung. Cô mừng rỡ muốn chảy nước mắt.

Thầy Quyết đỡ thầy Tứ ngồi xuống ghế, pha ấm chè ngon mời thầy rồi nói:

– Cám ơn thầy đã ra tay giúp đỡ gia đình tôi.

Hai người đàn ông ngồi ở ngoài phòng khách hàn huyên. Nhung dìu bà Hường vào phòng rồi kể cho bà nghe mấy chuyện gần đây. Bà Hường mới tỉnh lại nên vẫn còn yếu, nhưng đầu óc bà hôm nay đã tỉnh táo hơn trước. Bà nghe Nhung nói mà lòng thấy sợ hãi. Ai lại có thể hại bà như thế này cơ chứ. May mà gặp thầy Tứ cao tay, nếu không thì hoặc là hôm nay, hoặc là ngày mai bà e là lành ít dữ nhiều.

Lúc ra về, thầy Tứ nói:

– Bà nhà tạm thời không sao, nếu có gì xảy ra thì cứ gọi cho tôi. Còn nữa, bởi vì bùa của bà nhà đã được giải cho nên người hạ bùa sẽ lành ít dữ nhiều, sẽ nhận quả báo ngay trước mắt đấy.

Thầy Quyết gật đầu, mắt thầy nhìn về một hướng xa, hướng đó là nhà của bà Hợp.

Buổi tối, lúc cả nhà thầy Quyết mới ăn cơm xong thì ông Toàn gọi điện tới, trong điện thoại, giọng ông ta hốt hoảng nói:

– Bác Quyết, vợ em bị xe tông rồi, bác chạy đến ngã ba chợ Đình giúp em với.

Thầy Quyết nghe xong thì không biết nên khóc hay nên cười. Quả báo nhãn tiền là có thật, chưa gì bà Hợp đã gặp báo ứng. Nhưng ông cũng không thể bỏ mặc bà, dù sao bà cũng là em dâu của ông, là mẹ của cháu ông. Ông đứng dậy lấy xe chạy đến ngã ba chợ Định.

Kẻ gây tai nạn đã bỏ trốn, bà Hợp nằm trên một vũng máu không rõ còn sống hay đã chết, ông Toàn ngồi bên cạnh run cầm cập nước mắt giàn giụa. Ban nãy ông đang chở vợ trên xe thì đột nhiên có một chiếc ô tô từ phía trong ngã ba lao ra tông vào xe ông, ông may mắn không sao nhưng bà Hợp thì lại đập mạnh đầu xuống đường bất tỉnh.

Thầy Quyết đi tới kiểm tra, nói:

– Còn thở, chú ngồi sau đỡ thím ấy, để tôi chở hai người tới bệnh viện gần nhất.

Ông Toàn lúc này chỉ biết nghe theo lời thầy Quyết.

Tới bệnh viện, bà Hợp lập tức được đưa vào phòng cấp cứa, ông Toàn cả người dính đầy máu của vợ, đi qua đi lại bất an. Thầy Quyết dặn dò Nhung ở nhà để ý tới bà Hường, có gì thì gọi điện cho ông chứ có thể đêm nay ông không về được, bảo cô qua đón thằng Bin, đứa con 8 tuổi của vợ chồng ông Toàn về nhà ngủ chung chứ nó còn bé quá, ở một mình cũng sợ. Nhung vâng dạ nói mình đã biết.

Ca phẫu thuật trôi qua mất bốn tiếng đồng hồ. Khi cửa phòng mở, ông Toàn vội lao lên hỏi:

– Vợ tôi sao rồi bác sĩ?

Vị bác sĩ lạnh nhạt nói:

– Trước mắt thì không sao nhưng chắc chắn sẽ để lại di chứng, tạm thời cứ biết vậy đi, phải điều trị một thời gian nữa mới rõ.

Ông Toàn thở phào nhẹ nhõm, chỉ cần người không chết là được rồi.

Hôm sau Nhung đưa thằng Bin quay về nhà nó để lấy quần áo đồ đạc rồi đưa nó lên bệnh viện thăm bà Hợp. Bà Hợp mới thoát ra từ cõi chết, đang còn yếu lắm, thấy chồng và con trai bên cạnh ai cũng lo cho mình, khoé mắt người nào người nấy rưng rưng, mà thầy Quyết thì chỉ nhìn mình bằng ánh mắt dửng dưng lạnh nhạt, lúc này bà hiểu ra thứ tình cảm đã mất đi thì không thể có lại được. Cho dù bà có trở nên đáng thương như thế nào cũng sẽ không thể nào có được tình yêu của ông.

Đã vậy, bản thân vì làm ác mà bị báo ứng.

Bà Hợp nằm viện một tuần thì xuất viện. Bác sĩ nói sau này bà không thể làm việc nặng được, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng, hơn nữa một chân của bà bị thương nặng, có thể từ giờ về sau không còn đi đứng được bình thường nữa.

Một buổi sáng lúc bà Hợp đang nằm phơi nắng trong sân, thầy Quyết đi vào nhàn nhạt nhìn bà nói:

– Đã nhìn thấy báo ứng của mình chưa?

Nghe thầy Quyết nói vậy bà Hợp ngạc nhiên giương mắt lên nhìn, thầy Quyết nói tiếp:

– Chuyện thím làm với vợ tôi, tôi sẽ không nói cho người khác biết. Không phải là tôi bao dung gì đâu, nhưng đời tôi nợ em trai tôi, lúc nhỏ nó đã bỏ học đi làm nuôi tôi, tôi sợ khi tôi nói ra chân tướng thì gia đình nó sẽ tan nát. Qua việc này thím cũng thấy thằng Toàn đôi khi nó cục mịch thô lỗ, nhưng nó rất thương yêu vợ con, mà thằng Bin nó cũng rất thương thím, thím nên hài lòng với cuộc sống của mình, đừng đứng núi này trông núi nọ nữa.

Thầy Quyết nói xong mấy lời đó thì xoay người rời đi. Bà Hợp nghe thấy vậy vừa xấu vừa hối hận chỉ biết nhắm mắt để hai hàng lệ rơi xuống.

Bà hối hận vì sự nông nỗi độc ác của mình rồi. Nhưng vẫn may ông trời cho bà một cơ hội sống để chuộc lại lỗi lầm của mình.

——

HẾT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *