Nỗi lo giáo dục mầm non của người nhập cư
Những năm gần đây, các KCN ở Bình Dương ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các KCN cũng dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của kinh tế, và tốc độ tăng dân số cơ học. Đặc biệt là vấn đề phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của lao động ngoài tỉnh.
Do các trường mầm non công lập chỉ mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu, phần còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Trong khi đó, học phí ở các trường mầm non tư thục đảm bảo chất lượng có mức học phí cao hơn so với các trường mầm non công lập.
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, phần lớn thu nhập của người lao động dưới 10 triệu đồng/tháng, nhiều lao động chỉ thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế lại đang gặp khó ở các doanh nghiệp, đời sống của người lao động càng khó khăn hơn.
Chị Mỹ Trinh, công nhân ở KCN Đồng An (TP.Thuận An) cho biết, thực tế thì Bình Dương không thiếu các trường tư có chất lượng. Tuy nhiên để gửi con vào trường tốt, học phí là bài toán khó.
Theo Sở Giáo dục Đào tạo, năm học 2023 – 2024, Bình Dương có hơn 520.000 học sinh. Trong đó riêng bậc mầm non là 120.709 học sinh. Địa bàn tăng học sinh nhiều nhất là những nơi tập trung nhiều KCN như: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên…
Đi cùng với số lượng lao động nhập cư, con em ở độ tuổi mầm non của công nhân cũng có số lượng rất lớn. Chị Trinh kể, nhiều gia đình công nhân mà có tới 2 hoặc 3 bé học cùng mầm non thì việc được học ở trường tốt không chỉ là trăn trở của phụ huynh mà còn là mơ ước của nhiều đứa trẻ.
“Thậm chí, nhiều đứa trẻ khi có thêm em, buộc phải chuyển trường sang các trường chi phí rẻ hơn khi thu nhập cha mẹ giảm sút”, chị Trinh kể.
Ngôi nhà thứ hai cho con em của công nhân
Ông Lưu Thế Thuận – Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu có nhà trẻ, trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh là rất lớn, kể cả người lao động lẫn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở KCN còn gặp không ít vướng mắc. Có doanh nghiệp mong muốn xây dựng nhà trẻ tại doanh nghiệp nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Hoặc liên quan đến quỹ đất, có doanh nghiệp gặp khó về chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất xây nhà xưởng sang đất xây trường…
Một khó khăn nữa là thời gian trông giữ trẻ của các trường mầm non công lập thường không khớp với thời gian làm việc của cha mẹ. Nhiều công nhân tại các KCN đi sớm về muộn hoặc làm việc theo ca vào cuối tuần. Việc lực chọn trường tư, nhóm trẻ có tăng ca, giữ thứ 7 và không nghỉ hè trở thành lựa chọn bắt buộc.
Tại KCN Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát), trường mầm non Ngôi Sao Nhỏ là trường đầu tiên ở Bình Dương xây dựng dành riêng cho con em công nhân. Sau nhiều năm hoạt động, mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, làm cơ sở xây dựng thêm nhiều ngôi trường khác ở các KCN trên địa bàn tỉnh.
Trường Mầm non Ngôi Sao nhỏ trực thuộc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương. Ông Đỗ Văn Phùng – Giám đốc Trung tâm, kiêm hiệu trưởng cho biết, trường được xây dựng với 10 phòng học và các phòng chức năng đúng chuẩn quốc gia. Phòng học được trang bị máy lạnh, phụ huynh được xem camera trực tuyến.
Trường nhận trẻ tư 18 tháng đến 5 tuổi, hiện có gần 300 con em công nhân đang theo học. Nhiều năm qua, nhà trường còn miễn giảm học phí cho trẻ khó khăn, hoặc gia đình công nhân có 2 anh chị em học cùng trường.
“Đặc biệt, đây là trường dành riêng cho con em công nhân nên việc dạy tăng ca có thể kéo dài đến 21 giờ mỗi ngày. Việc này đáp ứng được nhu cầu của nhiều lao động trẻ”, ông Phùng cho biết.
Chị Mai Hương, có con học tại trường tâm sự, do quê xa, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân. Trường Ngôi Sao Nhỏ nhận giữ trẻ từ thứ 2 đến thứ 7, và giữ tăng ca nên rất phù hợp với những công nhân như chị. “Việc dạy và học tại trường giúp 2 vợ chồng có thời gian làm tốt công việc tại công ty”, chị Hương chia sẻ.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cho giáo dục mầm non
Theo bà Lê Thị Hiệp – Giảng viên khoa xây dựng Đảng trường Chính trị tỉnh Bình Dương, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em.
Những khó khăn nhiều năm qua đặt ra câu hỏi cho cả hệ thống chính trị là làm thế nào để người lao động đảm bảo điều kiện chăm lo cho con cái. Bởi vì, khi những khó khăn, bất cập trong giáo dục mầm non được giải quyết, người lao động, đặc biệt là lực lượng dân nhập cư mới ổn định tư tưởng để làm việc, góp phần xây dựng Bình Dương giàu mạnh.
Thực tế, cả hệ thống chính trị sẵn sàng chung tay để nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non của công nhân lao động. Bình Dương cũng đã có những giải pháp thiết thực tháo gỡ các vướng mắc để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều giải pháp như điều chuyển học sinh ở các địa bàn quá tải sang địa bàn lân cận để các em có chỗ học tập; khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, điều kiện thành lập trường…
Nhờ vậy, hệ thống các trường ngoài công lập, nhất là các trường mầm non tại Bình Dương phát triển khá mạnh, góp phần cùng các trường công thu nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương có hơn 1.000 cơ sở giáo dục mầm non ở KCN, cụm công nghiệp (CNN). Nhìn chung, các cơ sở giáo dục bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Công tác quản lý chất lượng các trường cũng được nâng lên.
Theo Sở Tư pháp Bình Dương, năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 09 về việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập có dưới 35 trẻ em; hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập có từ 35-70 trẻ em ở địa bàn có KCN, CCN;
Tỉnh cũng trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN, CCN là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục, với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục với mức 800.000 đồng/người/tháng.
Ông Lưu Thế Thuận đánh giá, Nghị quyết 09 đã hỗ trợ rất kịp thời, giải quyết phần nào khó khăn cho con em công nhân, và giáo viên ở các cơ sở mần non tại KCN, CCN của tỉnh. Việc này tạo điều kiện vận động trẻ ra lớp, thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non, chuẩn bị điều kiện tốt cho trẻ bước vào bậc tiểu học.
“Quan điểm của Bình Dương là bảo đảm cho tất cả học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường, nhất là con em người lao động đang sinh sống và làm việc tại tỉnh”.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh, quan điểm của Bình Dương là bảo đảm cho tất cả học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường, nhất là con em người lao động đang sinh sống và làm việc tại tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, thống kê nhu cầu trường, lớp theo từng cấp học, trong đó có bậc học mầm non gắn với dự báo quy mô dân số ở từng địa phương. Từ đó, tỉnh sẽ bố trí quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học theo từng năm, trung hạn, dài hạn nhằm đảm bảo cho học sinh có đủ chỗ học.
“Đồng thời, Bình Dương cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục thông qua việc xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, mời gọi các cá nhân, tổ chức tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục”, ông Minh cho biết.