BILL KOCH – Cậu út suýt phá hỏng công ty khiến anh trai song sinh không nói chuyện với mình suốt 20 năm sau 

Nhắc đến lịch sử của đế chế Koch Industries, người ta không thể không nhắc tới cuộc chiến pháp lý giữa 4 chàng trai nhà Koch, và cụ thể là giữa Bill Koch và Charles Koch – người lãnh đạo công ty. Đoạn trích dưới đây từ cuốn sách “Kochland: Đế chế Koch” sẽ phần nào giúp bạn hiểu được cuộc chiến này.. 

KOCHLAND: ĐẾ CHẾ KOCH

KOCHLAND: ĐẾ CHẾ KOCH

Bill là cậu em út đã có một khoảng thời gian làm việc tại Koch Industries dưới thời Charles Koch lãnh đạo. Tuy nhiên, Bill thường không đồng quan điểm với anh trai mình và luôn muốn khẳng định vị thế. Điều đó dẫn đến những cáo buộc, công kích nhắm vào Charles. Kết quả, Bill suýt chút nữa đã phá hỏng công ty và mối quan hệ giữa hai anh em không thể vãn hồi. David – người anh song sinh với Bill đã không nói chuyện với ông trong suốt 20 năm sau cuộc chiến pháp lý ấy. 

Giống như tất cả những phó chủ tịch của Koch Industries, Bill Koch đôi khi phải trả lời một loạt câu hỏi chất vấn của Charles đánh giá anh làm việc thế nào. Tuy nhiên, Bill khác với giám đốc khác ở chỗ anh đang ở hữu một lượng lớn cổ phần của công ty. 

Charles, Bill và David, mỗi người sở hữu 20% công ty, thừa kế từ cha. Anh trai của họ, Frederick, cũng có cổ phần dù không tham gia các hoạt động của công ty. J. Howard Marshall II, cựu đồng sở hữu nhà máy Pine Bend trước đó, nắm một mảng lớn nữa của công ty. Marshall cho con trai của mình một số cổ phần. Có một lượng nhỏ những cổ đông nhỏ khác, bao gồm các anh em họ bên gia đình của Fred Koch, được người ta gom chung lại là “những người nhà Koch khác”.

Với tư cách là một cổ đông lớn, Bill Koch làm phức tạp hóa vị thế của mình đối với Charles. 

Là phó chủ tịch, Bill báo cáo cho Charles. Tuy nhiên, với tư cách là một cổ đông lớn, anh có vị trí ngang bằng với Charles. Khi Bill Koch dành nhiều thời gian hơn ở công ty, anh bắt đầu tập trung vào vị trí của mình như một cổ đông – vai trò mà anh có thể đấu với Charles ở vị thế ngang bằng. 

Cổ phiếu của Bill cho phép anh có một ghế trong ủy ban giám đốc đặc biệt, một ủy ban bao gồm anh, Charles, David và Sterling Varner. Từ cuối thập niên 1970, Bill bắt đầu theo đuổi vai trò trong ủy ban này một cách gay gắt. Anh dồn dập đặt cho Charles những câu hỏi về việc đưa ra quyết định liên quan đến các hoạt động của công ty. Charles thuận theo những câu hỏi của Bill và gửi cho anh một loạt văn bản, chỉ để đổi lại những yêu cầu mới đang chờ đón ông. 

Các yêu cầu của Bill bắt đầu tập trung vào một vấn đề và chúng bắt đầu mang hương hướng chỉ trích. Bill tự hỏi tại sao Charles lại không báo cáo một số phát triển nhất định với toàn bộ ban giám đốc? 

[…]

Bill làm nhiều hơn là chỉ đặt ra các câu hỏi. Không lâu sau, anh bắt đầu dùng các câu hỏi của mình để kể một câu chuyện cho ban giám đốc của công ty. Anh vẽ nên một bức tranh về người anh trai chuyên quyền, một “nhà độc tài” lãnh đạo công ty gia đình bằng việc không dung thứ cho những quan điểm khác biệt và ưa thích bí mật. Bill thậm chí còn đặt biệt danh cho anh trai, “Hoàng tử Charles”, và bắt đầu nhắc đến cái tên này trong các câu chuyện với đồng nghiệp. Charles biết điều này và chẳng thể hài lòng. 

Bill không chỉ dừng lại ở việc buộc tội Charles đã làm sai. Anh bắt đầu công khai thách thức anh trai. Thách thức lớn nhất mà anh theo đuổi là chống lại một trong những chiến lược kinh doanh quan trọng nhất của Charles Koch: sử dụng cổ tức. Bill chỉ ra rằng cổ tức tại Koch Industries ở mức vô cùng thấp khi so với các công ty khác. Anh tranh luận rằng điều này gây tổn hại đến các cổ đông của Koch, vốn dĩ cũng chỉ có vài người. Anh em nhà Koch vô cùng giàu có, nhưng tài sản này chỉ trên giấy tờ, và khả năng họ được tiếp cận khối tài sản này là rất hạn chế. Bill muốn mức cổ tức cao hơn – anh muốn có tiền mặt trực tiếp từ khoản thừa kế từ cha. Anh than phiền rằng mình là “một trong những người giàu nhất nước Mỹ” nhưng vẫn phải vay tiền để mua nhà. 

Charles Koch đáp lại những thách thức của Bill. Ông bác bỏ ý tưởng rằng Koch nên trả tiền cổ tức cao – ông đã giải thích với ban giám đốc về việc tiền cổ tức nên được sử dụng tốt hơn nhờ tái đầu tư vào công ty. Ông cũng bác bỏ ý tưởng rằng ông bí mật và giữ kín thông tin trước ban giám đốc. Ông cung cấp cho các giám đốc tất cả thông tin họ cần và không cần cho biết thêm. 

Vào ngày 27 tháng 4 năm 1980, Charles Koch gửi cho người em út một lá thư viết tay: 

“Bill thân,

Mục đích các cuộc công kích lên anh là gì? Anh nghe khắp công ty đồn thổi rằng em liên tục chỉ trích anh. Mỗi báo cáo gửi ban giám đốc gần đây đều bao gồm công kích tới anh. Thậm chí các văn bản ghi nhớ của em cũng mang tính chỉ trích và gay gắt. Anh thấy những điều này chẳng giúp đạt được mục đích gì; thực tế, nó lại càng hủy hoại em và cả công ty. Những điều anh từng làm khiến em cảm thấy cay đắng đã là chuyện cũ rồi. Con đường tốt nhất của chúng ta là nỗ lực cùng hợp tác, nếu không trên cơ sở bạn bè, thì ít nhất cũng thân thiện và tôn trọng lẫn nhau mà không nghi kỵ quá khứ cũng như những cảm giác xấu xa. Về phần mình, anh sẽ cố hết sức có thể để đạt được điều này.

Anh trai,

Charles.”

Bill không dừng lại. 

Vào ngày 12 tháng 6 năm 1980, anh gửi một bản ghi nhớ tới Charles với tiêu đề: “Quyền của Các giám đốc được Thông báo về Các vấn đề Quan trọng có thể Ảnh hưởng tới Công ty”. Đây là một lời công kích nhắm vào Charles và năng lực lãnh đạo của ông, hàm ý chỉ trích ông vì gian dối và lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, bản ghi nhớ này đánh vào điểm nhạy cảm nhất của anh em nhà Koch. Nó đề cập đến chuyện cha của họ, Fred, có lẽ cũng xấu hổ vì Charles. 

“Tên tuổi của công ty bị dính bùn bởi một loạt cáo buộc… Danh tiếng của công ty bị đe dọa bởi nhiều hơn những hành động đó”’, Bill Koch viết trong bản ghi nhớ. Danh tiếng của công ty, tất nhiên, là danh tiếng của cha họ. Bill ám chỉ rằng Charles đang giày xéo nó. 

Trong suốt tháng 6, Charles nhớ có khoảng 6–10 văn bản ghi nhớ như vậy từ Bill. Người em trai yêu cầu thêm nhiều nhân viên và nhiều tiền hơn để anh ta có thể kiểm soát trong một quỹ đầu tư mới. Anh muốn có nhiều trách nhiệm hơn và tiếng nói có trọng lượng hơn. 

[…]

Dù bác bỏ mối lo ngại của Bill, Charles cũng tìm cách hòa giải. Ông gọi cho Bill vào cuối tháng 6 và yêu cầu em trai chấm dứt “các vụ công kích tình cảm”. Bill nói với Charles rằng anh muốn gần gũi anh trai, có nhiều thời gian để hỏi ông các câu hỏi và muốn thỏa mãn những mối quan ngại của mình. Charles đồng ý và nhớ rằng Bill nói các cuộc công kích sẽ chấm dứt. 

Nếu có chấm dứt, thì chúng cũng chỉ dừng vài ngày. Vào ngày 3 tháng 7, Bill gửi Charles một thông điệp chấm dứt mối quan hệ của họ vĩnh viễn và gần như phá nát công ty.

Văn bản bao gồm 10 trang, các dòng cách đơn. Tuy nhiên, có một đoạn văn nổi bật hơn cả. 

“Tôi không hứng thú gì với một cuộc chiến và muốn giải quyết vấn đề này giữa hai chúng ta”, anh viết. “Vì tôi không phải là người duy nhất có những lo lắng này, và việc không giải quyết chúng, vốn có thể giải quyết khá dễ dàng, sẽ hủy hoại tất cả những người liên quan. Đúng là nếu chúng không được giải quyết, công ty có thể sẽ bị bán hoặc đưa lên sàn chứng khoán”. 

Công ty có thể bị bán hoặc đưa lên sàn chứng khoán, Bill viết.

Mọi sự không thể vãn hồi sau chuyện này. 

—————— 

sach-de-che-koch

“Kochland” là cuốn sách lớn thứ ba khám phá ảnh hưởng của Đế chế Koch, sau hai cuốn sách nổi tiếng trước đó là Sons of Wichita: How the Koch Brothers Became America’s Most Powerful and Private Dynasty (Tạm dịch: Những đứa con của Wichita: Cách anh em nhà Koch xây dựng đế chế riêng và trở thành nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ) và Dark Money: The Hidden History of the Billionaires Behind the Rise of the Radical Right (Tạm dịch: Đồng tiền đen tối: Lịch sử ẩn giấu của các tỷ phú đằng sau sự trỗi dậy của phe cực hữu). Tuy nhiên, đây là tác phẩm đầu tiên cung cấp thông tin tường tận, đầy đủ về nguồn gốc quyền lực của anh em nhà Koch.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ, toàn diện, đòi hỏi nguồn thông tin từ rất nhiều cá nhân, đơn vị liên quan đến Charles Koch và đế chế của ông. Do vậy, nhằm giúp độc giả theo dõi, nắm bắt và tra cứu dễ dàng, Leonard đã cung cấp một phụ lục hữu ích bao gồm tiểu sử tóm tắt của các nhân vật chính cùng danh sách các nhóm phi lợi nhuận, các tổ chức tư vấn và vận động hành lang được đề cập trong cuốn sách này. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *