Năm 1818, một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Anh đã thiết lập biên giới dọc theo vĩ tuyến 49 từ Hồ Woods ở phía đông đến dãy núi Rocky ở phía tây. Hai nước cũng chấp thuận sẽ đồng chiếm đóng lãnh thổ Oregon trong 10 năm, và thỏa thuận này đã được gia hạn thêm 10 năm nữa vào năm 1827. Sau năm 1838, vấn đề kiểm soát Oregon ngày càng gây tranh cãi, đặc biệt là khi hàng loạt người Mỹ bắt đầu di cư dọc theo Đường mòn Oregon vào đầu thập niên 1840.
Những người Mỹ theo tư tưởng bành trướng đã thúc giục việc chiếm Oregon, và năm 1844, nghị sĩ Dân chủ James K. Polk đã tranh cử tổng thống thành công với thông điệp Năm mươi tư bốn mươi hay là đánh (đường biên giới phía bắc của Lãnh thổ Oregon chạy dọc theo vĩ tuyến 54°40’), ám chỉ hy vọng của ông về việc đưa một phần lớn lãnh thổ Vancouver và Alberta ngày nay sáp nhập vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cả Tổng thống Polk và chính phủ Anh đều không muốn có một cuộc chiến Anh – Mỹ lần thứ ba, nên vào ngày 15/06/1846, Hiệp ước Oregon đã được ký. Theo các điều khoản của thỏa thuận, biên giới của Hoa Kỳ và Canada sẽ được kéo dài về phía tây dọc theo vĩ tuyến 49 từ dãy núi Rocky đến eo biển Georgia, ngay gần Thái Bình Dương là ranh giới giữa Hoa kỳ và Canada thuộc Anh. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ có quyền kiểm soát chính thức đối với các tiểu bang tương lai là Oregon, Washington, Idaho và Montana; Anh sẽ kiểm soát Đảo Vancouver và có quyền hàng hải đối với một phần của sông Columbia.
Hai cựu thuộc địa xuất thân từ Vương quốc Anh luôn tự hào về đường biên giới trên bộ giữa họ. Phía Canada thường gọi đây là đường biên giới dài nhất thế giới (5.500 dặm, tương ứng với 8.800 km) không cần phải biên phòng. Phía Hoa Kỳ, dạo gần đây, đã bắt đầu có lực lượng an ninh nhập cảnh kiểm tra đường biên giới để đối phó với tình trạng nhập cư lậu. Hoa Kỳ chưa tham chiến chính thức với Canada để giải quyết vấn đề tranh chấp đường biên giới, dù lịch sử ghi nhận lại vài xung đột xuyên biên giới của hai quốc gia.
Đi xuống biển, tranh chấp phân định ranh giới ồn ào nhất giữa hai quốc gia là việc xác định ranh giới thềm lục địa tại Vịnh Maine đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, thay vì dùng vũ lực quân sự chiếm đảo, quần thảo vùng biển nước bạn đến tận gần lãnh hải bằng tàu đánh cá trang bị vũ trang hay các tàu hải trình như Trung Quốc làm với Việt Nam, Hoa Kỳ chấp thuận yêu cầu của Canada, mang tranh chấp ra xét xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Năm 1984, Hội đồng Xét xử của Tòa án Công lý Quốc tế chính thức đưa ra phán quyết của mình. Về cơ bản, phán quyết không có lợi cụ thể cho bên nào vì đường phân định ranh giới biển do cả hai bên đề xuất đều bị tòa bác bỏ. Tòa dựa trên lập luận và các căn cứ pháp lý riêng của mình để đề xuất ra đường phân định mới. Phán quyết này đã chính thức trở thành một phần nghĩa vụ quốc tế của Hoa Kỳ trong vấn đề biên giới biển, và hiện vẫn được hai bên tôn trọng kèm với một số thỏa thuận hợp tác chung ký kết mới để khai thác một cách hiệu quả vùng biển nói trên.
Toàn bộ chiều dài biên giới phân định Mỹ – Canada là một đường kẻ rộng 6 m xuyên qua những cánh rừng. Biên giới Mỹ – Canada đi qua đất liền, biển và những vùng hoang dã còn nguyên sơ. Nếu đọc đến “nguyên sơ”, bạn có thể nghĩ con người sẽ để nó là một đường kẻ vô hình trên bản đồ, phó mặc cho tự nhiên. Nhưng bạn có thể lầm. Hàng năm, một người Mỹ đóng thuế trung bình 0,5 cent cho Ủy ban Biên giới Quốc tế (IBC) vì một mục đích duy nhất: phá từng cm rừng mọc lên trên biên giới với Canada. Với 1,4 triệu USD, IBC đảm bảo rằng đường phân chia lãnh thổ này không bao giờ vô hình.
Còn được biết đến với cái tên “the Slash” (đường cắt), vùng không cây này rộng 6 m, chạy qua mọi thứ nằm giữa Mỹ và Canada – từ những hòn đảo hẻo lánh nhỏ hẹp cho đến núi đồi. Phần lớn đường biên giới này xa xôi đến mức không bao giờ có khách ghé thăm, trừ gấu hoang. Tuy nhiên nó vẫn được đại tu 6 năm một lần bằng bàn tay lao động của con người. Theo IBC, ban đầu cây cối bị chặt đi với một mục đích duy nhất là để “người bình thường biết rằng họ đang đứng trên biên giới”. Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 1800, khi vùng đất phía tây của biên giới Mỹ – Canada được đặt ở đường vĩ tuyến 49. Cây cối trên “the Slash” bị chặt đi để đánh dấu, và hơn 8.000 cột mốc biên giới cũ bị phá dỡ – phần lớn vẫn còn đứng song song với biên giới hiện tại. Đáng tiếc là những năm 1840 chưa có hệ thống định vị GPS, vì vậy đường biên giới bị đánh dấu theo lối zig-zag, lệch về phía bắc hoặc nam so với vĩ tuyến 49 khoảng 90 m.
Dù không phải là một đường thẳng hoàn hảo, tận mắt nhìn thấy “the Slash” vẫn là mục tiêu của hàng nghìn người đam mê địa lý trên thế giới. Cách đơn giản nhất là mở Google Maps, phóng to về phía biên giới Mỹ – Canada và chuyển sang chế độ vệ tinh. Những ai muốn trải nghiệm chân thực hơn có thể đến Newport (bang Vermont, Mỹ) và lên một du thuyền rong ruổi dọc đường biên giới. Một cách khác để ngắm nhìn “the Slash” là ghé thăm công viên Waterton-Glacier International Peace, đi bộ trên cung đường mòn ngắm cảnh Pacific Crest Trail (PCT) hoặc Continental Divide National Scenic Trail (CDT) đến Canada.