bien-doi-khi-hau-khien-nhom-lgbt+-de-bi-ton-thuong-va-yeu-the

Biến đổi khí hậu khiến nhóm LGBT+ dễ bị tổn thương và yếu thế

PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ như vậy tại Hội thảo Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu do Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức ngày 10/11, tại TP.HCM.

Nhóm LGBT+ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu

Theo ước tính không đầy đủ, trên thế giới có khoảng 25 triệu người thuộc nhóm bản dạng giới đa dạng, bao gồm người chuyển giới, song tính, đồng tính… (LGBT+). Số lượng ước tính tại Việt Nam có khoảng từ 50.000 đến 125.000 người thuộc nhóm LGBT+.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có tác động đến những nhóm người bị thiệt thòi, trong đó có nhóm LGBT+, từ vấn đề sức khỏe đến việc thực hiện các chức năng xã hội và duy trì cuộc sống.

Hội thảo Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu do Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp báo Dân Trí tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội thảo Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu do Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp báo Dân Trí tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Điều này là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ việc thiệt thòi của họ vì phải sinh sống trong khu vực có nguy cơ bị tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế tiếp cận các nguồn lực và khả năng tái định cư. Dù rằng cộng đồng này được công nhận là nhóm rất tích cực trong các phong trào phòng, chống và ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan cũng cho rằng, cộng đồng LGBT+ đã và đang phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên cuộc sống và cả an toàn cá nhân của họ.

Hay trong các giai đoạn của thiên tai, nhóm này cũng phải chịu đựng nhiều đau khổ và rủi ro. Khi thảm họa xảy ra, họ dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh đó, họ còn chịu sự phân biệt đối xử trong việc phân phối viện trợ.

“Vì vậy, họ cũng khó khăn và rủi ro hơn trong quá trình khắc phục và xây dựng lại cuộc sống sau thảm họa của biến đổi khí hậu”, PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan chia sẻ.

PGS. TS Nguyễn Thị Thái Lan cho rằng, cộng đồng LGBT+ cũng đang phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: T.L

PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan cho rằng, cộng đồng LGBT+ cũng đang phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: T.L

Ngoài ra, nhóm người nghèo, đói; nhóm người khuyết tật; nhóm phụ nữ và trẻ em và nhóm dân tộc thiểu số thuộc các nhóm dễ bị tổn thương và trở nên hơn yếu thế dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu

Theo ông Nguyễn Văn Hồi – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó các ngành nông – lâm – ngư nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động lớn đến an sinh xã hội, đặc biệt là đến người nghèo và các nhóm yếu thế.

Nhiều xã ở huyện Chương Mỹ (TP.Hà Nội) bị ngập lụt đầu tháng 9/2022. Ảnh: Bình Nguyên

Nhiều xã ở huyện Chương Mỹ (TP.Hà Nội) bị ngập lụt đầu tháng 9/2022. Ảnh: Bình Nguyên

Dự kiến đến năm 2030, có khoảng 30 triệu người cần trợ giúp xã hội; có đến 5 triệu người đặc biệt khó khăn cần phải hỗ trợ theo ca, cần sự hỗ trợ của các cơ sở trợ giúp xã hội; và khoảng 3-5% đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trợ giúp tại cơ sở xã hội.

“Điều này tạo sức ép rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế”, ông Hồi nói.

Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách về công tác xã hội trong ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tuy nhiên, ông Hồi thừa nhận công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

“Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục lắng nghe, cùng chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình, cách làm hay trong công tác xã hội ứng phó với biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.

Trong 20 năm qua, ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, sạt lở, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng; gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD.

Trung bình mỗi năm, thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích; có khoảng 7 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện; cháy 628 nhà xưởng, 1.176 ha rừng; làm sập đổ, tốc mái 9.075 nhà, hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *