Hikigaya Hachiman – một kẻ thông minh theo cách cô đơn. Đó chính là trí thông minh của sự nhận thức.
Khi ở một mình, bạn dường như cảm thụ thế giới xung quanh rõ ràng hơn, bạn không phải dồn hết năng lượng cho việc ứng xử, giải đáp khi nói chuyện với bạn bè, hay để ý thời gian để duy trì tình bạn. Thay vào đó, bạn để ý những chi tiết nhỏ nhặt tưởng chừng như vô hại nhưng gộp lại là một kiến thức không kể.
Tôi cảm giác tác giả thông qua nhân vật này muốn thuyết phục TƯ TƯỞNG CÔ ĐỘC lên tôi và những người khác vậy! Và ông phần nào đã thắng khi thuyết phục tôi trở thành đứa ngụy biện.
Một trong những triết lý của nhân vật chính: “Động vật thường sống thành bầy, chúng hình thành phân cấp trong bầy đàn, những con nào yếu đuối sẽ bị đào thải cho đến chết. Thế giới này cũng tương tự vậy, nhóm chả có lợi gì cho cá nhân, bởi vậy tôi mới luôn sống theo phong cách của một chú gấu đơn độc. Gấu là loài không phải sợ hãi khi sống một mình. Chúng hoàn toàn độc lập, thêm nữa còn có cả cơ chế ngủ đông, đm tuyệt vời!”
Có lẽ vì lý do này mà đến giờ tôi vẫn ái ngại khi không thể nào chơi nổi với đám bạn quá 10 người, tôi không muốn thúc ép rằng cứ chơi như vậy đi, biết khi nào sẽ có niềm vui thì sao?….. Không! Tôi sợ cảm giác thanh quản của mình quá bé nhỏ, chả thể rung đến cái tần số mà có thể làm mọi người xung quanh chú ý. Vì sự thật trong cái đám đó, cá nhân chả là cái thá gì đáng để mang lên bàn mà chăm chú cả. Những lúc ai đó làm cả nhóm cười vì một pha tấu hài, tôi cười theo, nhưng chả mang lại trong mình chút cảm giác gì, nó chứng minh người vừa làm pha đó hóm hỉnh, nhưng tôi lại thấy đứa đó thật thảm hại. Chúng sẽ chỉ để ý người mà chúng coi là “thành công nhất”.
Một người vì mọi người – nực cười.
…
5 năm sau tôi thử coi lại nó…
Tôi hối hận vì xem bộ này, tưởng Hachiman cool ngầu mà bắt chước, tôi hối hận vì mình không đọc rõ nhan đề bộ phim, “Chuyện tình thanh xuân bi hài của tôi quả nhiên là sai lầm”.
Đúng vậy, Hachiman sai lầm từ cách suy nghĩ cho tới hành động mà trước đây tôi cứ nghĩ thế là ngầu! Cậu ta thông minh, vận dụng nó để thao túng bạn rằng: À! Lập luận của cậu ta thật đúng đắn. Không hề! Nó chỉ là sự ngụy biện, cái cớ để cậu ta không thay đổi bản thân mình.