Một số cặp đôi sau vài lần gặp mặt, trò chuyện thì nhận ra đối phương có nhiều điểm tương đồng với bản thân về môi trường trưởng thành. Hóa ra hai người học ở trường cấp hai, cấp ba gần nhau, và có nhiều thói quen giống nhau. Ngay khi biết được điều này, hai người nhanh chóng có cảm tình với nhau. Cái cảm giác “Anh/ em đã ở đâu mà bây giờ mới xuất hiện?” ập đến.
Thế nhưng, theo tâm lý học, lý do hai người có cảm tình mạnh mẽ với nhau là vì nhìn thấy hình ảnh của bản thân ở đối phương hơn là vì có cảm tình thực sự với đối phương. Vậy nên, Freud đã nói rằng bản chất của tình yêu là ái kỷ, hay còn gọi là yêu bản thân.
Khi hai bên nam nữ không cảm thấy xa lạ với nhau, có nghĩa là họ cảm thấy thoải mái và bị thu hút bởi đối phương khi phát hiện ra hình ảnh quen thuộc của bản thân. Đây là nguyên tắc cơ bản của tình yêu. Khi lựa chọn bạn đời, chúng ta không chỉ bị cuốn hút bởi yếu tố ngoại hình. Chúng ta đánh giá rất nhiều yếu tố như năng lực, ngoại hình, tính cách, học vấn, bối cảnh gia đình, tôn giáo,… nhưng có một phần quan trọng hơn những khía cạnh thể hiện ra bên ngoài. Đó là chúng ta bị cuốn hút mạnh mẽ bởi người tái hiện lại hình ảnh gia đình thuở nhỏ trong vô thức.
Trích “Hai mặt của gia đình”
Cuốn này ngay từ khi nhìn thấy chiếc bìa nhẹ nhõm, mình đã có thiện cảm. Lúc đọc mới biết hóa ra nó là dòng sách tâm lý học ứng dụng nhưng về khía cạnh gia đình của một bác sĩ tâm lý người Hàn Quốc từng du học ở Đức và trở thành giảng viên bộ môn tâm lý học và tư vấn gia đình thì thấy rất bất ngờ.
Không phải bất ngờ vì kiến thức mà còn bởi bác sĩ viết sách rất hay, dịu dàng.
Trong cuốn sách đã mổ xẻ rất rõ những vấn đề như: tại sao sự bất hạnh lại lặp lại ở các thế hệ? Tại sao chúng ta luôn có xu hướng chọn bạn đời có các yếu tố như cũ? Tại sao đàn ông lại ngoại tình dù rất yêu thương vợ con? Và tại sao chúng ta thường nghiện một thứ gì đó hòng tìm cảm giác an toàn…
Tất cả câu trả lời bấy lâu nay mình thắc mắc đều được giải đáp lần lượt, dễ hiểu và có chiều sâu ở cuốn sách này.
Dù là người trưởng thành nhưng khi đọc sách mình mới thật sự đối diện lại với những mốc ký ức tổn thương và tháo gỡ được vấn đề thật sự đằng sau.
Mong rằng ai cũng đọc được “Hai mặt của gia đình” nếu bạn yêu gia đình mình.