Ngày ông Công ông Táo: Phụ huynh thích thú mua con giống bột, dạy con về ý nghĩa ngày truyền thống
Những ngày này, không khí Tết đã ngập tràn trên từng góc phố ở Hà Nội, từ những cửa hàng bày bán đèn lồng đỏ rực đến các gian chợ Tết tấp nập người qua lại. Tranh thủ giờ tan làm, chị Phương Lan (30 tuổi, Cầu Giấy) dạo chợ để sắm sửa vài món đồ trang trí cho gia đình. Giữa những gian hàng đông đúc, một bộ sản phẩm con giống bột ông Công, ông Táo nổi bật với màu sắc bắt mắt đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của chị.
Nhìn những chú cá vàng được làm khéo léo, chị Lan cho rằng, đây là một gợi ý lý tưởng để dạy con về phong tục ngày Tết. “Tôi quyết định mua bộ sản phẩm này vì muốn con hiểu thêm về ý nghĩa của ngày ông Công, ông Táo. Thay vì chỉ nghe kể lý thuyết, con có thể trực tiếp nhìn và chạm vào các chú cá, từ đó cảm nhận rõ hơn về nét đẹp văn hóa này”, chị Lan cho biết.
Với số tiền 850 nghìn đồng, chị Lan mua được bộ sản phẩm gồm 3 vị Táo: Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ đang cưỡi cá chép vàng. “Khi mang những món đồ như thế này về nhà, tôi có dịp ngồi xuống cùng con, giải thích về tục lệ tiễn Táo quân, thả cá chép và cả những giá trị tốt đẹp mà ngày Tết mang lại. Những cuộc trò chuyện như vậy với con làm tôi cảm thấy ngày Tết có ý nghĩa hơn rất nhiều”, chị hào hứng chia sẻ.
Khác với chị Lan, anh Văn Hiếu (35 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đã chủ động đặt mua một bộ con giống bột chủ đề ông Công ông Táo ngay từ đầu tháng Chạp. Anh chia sẻ: “Con của tôi năm nay 8 tuổi, những năm trước bạn ấy đều có ít nhiều những thắc mắc về ngày 23 tháng Chạp, dù tôi đã giải thích nhưng có lẽ do chỉ qua lời nói nên bạn ấy không nhớ được nhiều.
Năm nay, tôi quyết định mua bộ sản phẩm này để vừa kể cho con nghe về sự tích cá chép hoá rồng và ý nghĩa việc tiễn Táo quân về trời, vừa giúp bạn ấy được trực tiếp quan sát các con giống bột. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp con ghi nhớ lâu hơn và hy vọng rằng bài học nhỏ này sẽ theo con suốt những năm tháng trưởng thành”.
Không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện thông qua các con giống bột, anh Hiếu dự định sẽ cùng con tham gia chuẩn bị bàn thờ Táo quân năm nay. “Khi con thấy mình có trách nhiệm trong các phong tục ngày Tết, tôi tin rằng điều đó sẽ giúp con hiểu hơn về truyền thống và có thêm tình yêu với văn hóa dân gian”, anh nói với ánh mắt đầy kỳ vọng.
Nghề làm con giống bột ngày Tết: Tỉ mỉ đến từng chi tiết, tạo việc làm cho hàng chục người
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Đăng Văn Hậu (40 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) – nghệ nhân làm con giống bột chia sẻ, công việc này đã gắn bó với anh suốt 20 năm. Riêng bộ sản phẩm ông Công ông Táo đã được anh Hậu bắt tay vào thực hiện từ năm 2017 tới nay.
“Từng làm rất nhiều con giống bột thuộc những chủ đề khác nhau, tuy nhiên cảm hứng đến từ khi tôi nhớ lại ngày bé, cứ mỗi dịp ông Công ông Táo, thấy mẹ làm cơm cúng là dấu hiệu báo Tết đã sắp đến. Những đứa trẻ như chúng tôi rất háo hức để mong chờ Tết. Thông qua câu chuyện đó, tôi muốn dùng nghệ thuật tạo hình tò he để tái hiện ra các sản phẩm truyền tải thông điệp về văn hoá, lịch sử như ông Công, ông Táo”, anh Hậu cho biết.
Vị nghệ nhân này hào hứng chia sẻ về quy trình tạo nên một bộ sản phẩm con giống bột chủ đề ông Công ông Táo: “Đầu tiên, tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ về trang phục Việt Nam cổ, dựa trên dòng tranh dân gian của nước ta đã từng thể hiện về ông Công Công Táo. Sau đó, tôi có gặp gỡ một số nhà nghiên cứu văn hoá để nhờ họ tư vấn thêm về thiết kế. Cuối cùng mới là bước thể hiện thành sản phẩm. Thời gian trung bình để hoàn thiện một bộ sản phẩm ông Công ông Táo là 1 ngày”.
Hiện nay, anh Hậu đã sáng tạo ra hai dòng sản phẩm chính liên quan đến chủ đề ông Công ông Táo, bao gồm: Táo cưỡi cá vàng, cao khoảng 10cm với giá 850.000 đồng/bộ và Táo cưỡi cá vân mây, chiều cao chừng 20cm, có giá 1,7 triệu đồng/bộ.
Theo anh Hậu, khách mua sản phẩm này đa số là mua lẻ. Khi hoàn thiện, anh thường trưng bày và bán sản phẩm tại các lễ hội, sự kiện về văn hoá. Ngoài ra, có nhiều khách hàng hỏi mua qua hình thức trực tuyến. “Khách hàng mua sản phẩm này ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, những người quan tâm nhất thường dao động từ 30 – 35 tuổi”, anh nói.
Anh Hậu cho biết, ngoài bộ sản phẩm ông Công ông Táo, anh còn sáng tạo ra những sản phẩm tò he với chủ đề ngày Tết như đầu lân, mâm ngũ quả… và dạy nghề cho hàng chục học viên. Sau đó, các học viên này cũng đã tự làm được các sản phẩm con giống bột rất đẹp và có thể bán trên thị trường.