bi-hai-truc-loi-bhyt:-1-nam-de-2-lan,-8-thang-mac-77-benh,-“uong”-11.000-vien-thuoc

Bi hài trục lợi BHYT: 1 năm đẻ 2 lần, 8 tháng mắc 77 bệnh, “uống” 11.000 viên thuốc

Đây là thông tin được ông Đức chia sẻ tại Hội nghị tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách về BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023 do BHXH Việt Nam tổ chức từ ngày 8-10 tại Quảng Nam. 

Ông Đức nhắc đến vụ trục lợi BHYT gần nhất đã được Báo Dân Việt phanh phui: Trạm trưởng trạm y tế phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). 

“Từ năm 2022, ông trạm trưởng trạm y tế xã Đồng Văn đã “đơn thương độc mã” 1 mình vừa khám vừa nhập giấy chứng từ để thanh toán cho 4022 người, 6 tháng đầu năm 2023 khám cho hơn 2.000 người.

Người này vừa khám, vừa lập giấy tờ nghỉ ốm cho hơn 6.000 người, hầu hết là chỉ khám và 1 số ít được nhận thuốc. 6 tháng đầu năm, BHYT thanh toán 107 triệu cho trạm y tế này thì 2/3 là số tiền khám của anh trạm trưởng y tế.

Nói riêng về tiền trục lợi BHYT thì không quá nhiều, vì tiền khám là 27.000 đồng/người. Nhưng đừng cho đây là tham nhũng vặt, vì nếu tình trạng “vặt” này ở nhiều nơi thì sự thất thoát quỹ BHYT là không nhỏ”, ông Đức nhận định.

Bi hài trục lợi BHYT: 1 năm đẻ 2 lần, 8 tháng mắc 77 bệnh,

Ông Dương Tuấn Đức: Có những trục lợi y tế “rất vặt” nhưng nếu cộng lại là số tiền mà quỹ BHYT bị thất thoát không hề nhỏ. Ảnh CTV

Bệnh nhân BHYT được chẩn đoán 77 bệnh, kê 155 loại thuốc, “uống” 11.000 viên thuốc 

Ông Đức chia sẻ, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT diễn ra vô cùng đa dạng. Có rất nhiều hình thức lách luật để lấy tiền quỹ BHYT, trong đó, sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh nhiều lần một trong những hình thức trục lợi quỹ BHYT.

“Có thể nói với 1 số người, đây được coi như là “nghề đi khám bệnh BHYT”. Họ có thể lấy thuốc và bán ra ngoài. Có bệnh nhân chỉ trong 1 thời gian ngắn đã được chẩn đoán hàng chục bệnh, được kê cho nhiều loại thuốc mà nếu ông ấy dùng cả chắc chắn khó sống được. 

“Đáng nói, có bệnh nhân trong khoảng 7-8 tháng (từ tháng 9/2022-4/2023) đi khám tới 249 lần tại 8 cơ sở y tế, được chẩn đoán 77 mặt bệnh và được phát khoảng 155 loại thuốc, thậm chí trái ngược nhau. 

Chúng tôi tính sơ sơ có 11.000 viên thuốc mà bệnh nhân đã lĩnh, nếu “uống” được bằng này viên thuốc trong vòng hơn 8 tháng thì chắc chắn tính mạng bệnh nhân đã bị đe dọa.  

Tiền BHYT cho trả cũng không nhiều, chỉ hơn 40 triệu nhưng nếu phổ biến “nghề đi khám bệnh BHYT” thì quỹ cũng mất mát rất nhiều”, ông Đức nhận định. 

Thống kê từ Trung tâm giám định, từ năm 2019 đến nay cơ quan BHXH đã phát hiện gần 2,9 triệu lượt người dùng thẻ BHYT đi khám bệnh trên 20 lần/năm, 725.945 người khám trên 50 lần/năm và 10.487 người sử dụng thẻ trên 100 lần/năm với số tiền thanh toán BHYT lên đến gần 54 tỷ đồng.

Sau thời gian kiểm soát, tình trạng trục lợi BHYT ở hình thức này đã giảm, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, chỉ còn phát hiện 31 trường hợp sử dụng thẻ BHYT trên 100 lần, gần 1.400 người sử dụng thẻ trên 50 lần và 117 người sử dụng thẻ trên 20 lần.

Bệnh nhân BHYT 1 năm đi đẻ 2 lần

Ông Đức đưa ra những ví dụ bi hài khi 1 bệnh nhân nhưng năm trước thanh toán BHYT vì cắt tử cung, năm sau lại có trong hồ sơ thanh toán BHYT vì “đi đẻ”. 

Hoặc có người thanh toán BHYT vì sinh nở, 5 tháng sau lại “đi đẻ” một lần nữa, lại có bệnh nhân cắt toàn bộ dạ dày 2 lần hoặc mổ phaco 2 lần cho cùng 1 bên mắt trong thời gian ngắn. 

Lại có người sử dụng thẻ của người đã chết đi khám bệnh hoặc là mượn thẻ của người khác đi khám bệnh và tử vong, khi làm giấy chứng tử mới phát hiện “người chết” đang sống sờ sờ. 

Hoặc có bác sĩ kiêm nhiệm vị trí giám đốc bệnh viện nhưng chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh tại 6 khoa gồm: Khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, khoa Nội, khoa Răng hàm mặt – Mắt – Tai mũi họng, khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh…”, ông Đức nêu ví dụ.

Ngoài ra, còn có các hình thức trục lợi khác như mượn thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chỉ định nằm viện đối với các bệnh có thể điều trị ngoại trú; Thanh toán tiền giường khi bệnh nhân đã ra viện; Y bác sĩ hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn và quy chế bệnh viện…

Chỉ tính riêng bệnh viêm họng cấp (bệnh có thể điều trị ngoại trú) thì 5 tháng đầu năm 2023 đã có 1290 lượt người điều trị nội trú tuyến tỉnh, gần 3.900 người điều trị nội trú tuyến huyện. BHYT đã phải thanh toán riêng tiền giường là gần 4 tỷ đồng (số tiền không cần phải thanh toán nếu chỉ định bệnh nhân ngoại trú)… 

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Tuấn Đức, cần sửa đổi quy định pháp luật về BHYT theo hướng thiết lập các gói quyền lợi BHYT dự trên chi phí-hiệu quả; thực hiện cơ chế chi trả theo hiệu suất đầu ra có kiểm soát; Kiểm soát việc chuyển tuyến, thông tuyến; Quy định đầy đủ các chế tài. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư y tế…

Trong 2 ngày (từ ngày 08/8-9/8/2023), tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT, BHTN cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023”.

Đây là lần thứ 6 Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam tổ chức.

Với sự tham dự của các báo cáo viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia về lĩnh vực BHXH, BHYT, Hội nghị nhằm cập nhật những quy định mới, củng cố kiến thức chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên.

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh CTV

Đồng thời, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, phóng viên chia sẻ, thảo luận các vấn đề liên quan, từ đó nâng cao nghiệp vụ truyền thông báo chí về BHXH, BHYT trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện chính sách.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm. Ước tính hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: BHXH bắt buộc với hơn 16 triệu người; BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người; BHTN 14,3 triệu người; BHYT 91,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số, cơ bản đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, Ngành thực hiện chi trả các chế độ BHXH cho khoảng trên 10 triệu người lao động; trên 170 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành ước chi BHXH, BHTN, BHYT với số tiền là 245.218 tỷ đồng (tăng 13,28% so với cùng kỳ năm 2022).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *