bi-chong-danh-den-gay-rang,-tham-tim-co-the,-nguoi-phu-nu-muong-da-lam-dieu-nay

Bị chồng đánh đến gãy răng, thâm tím cơ thể, người phụ nữ Mường đã làm điều này

Nạn nhân bạo lực gia đình mong ngóng sự hỗ trợ từ cộng đồng

Chị N.T.N (30 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) là một phụ nữ dân tộc Mường đang sinh sống tại Hoà Bình. Công việc chính của chị là giáo viên mầm non. Chị N. cho biết từng bị chồng bạo hành thể xác trong nhiều năm và hiện đã ly hôn.

Nhớ lại những ký ức chịu cảnh bạo lực, chị bật khóc. Giọng chị nghẹn lại khi kể về những đêm tối đầy đau đớn và tuyệt vọng: “Tôi phải chịu đánh đập, số lượng quá nhiều lần, tôi không đếm được nữa. Vết thương rách ra vừa khâu xong đã lại tiếp tục là trận đòn roi khác. Đánh tới mức gãy răng, thâm tím cơ thể… những cảnh đó tôi đã phải chịu đựng hết”.

Theo chị N., mỗi lần nhớ lại, những nỗi đau ấy như vết thương cũ bị xé ra lần nữa. Nhưng nỗi đau thể xác không là gì so với sự dằn vặt trong tâm hồn, cảm giác bất lực, sợ hãi và những đêm dài không dám hé lời với ai. “Tôi phải giấu nhà ngoại việc bản thân bị đánh, không dám nói bất cứ một điều gì cả. Thú thực, đợt đó tôi đã định tự kết liễu cuộc sống của mình và con luôn, vì không thể nhờ được ai giải quyết”.

Nhiều năm cam chịu, tuy nhiên sau một trận bạo hành nghiêm trọng đã khiến chị N. nhận ra rằng, im lặng không cứu vãn được điều gì. Với quyết tâm bảo vệ bản thân và con trai, chị N. đã vượt qua nỗi sợ hãi, tự mình tìm đến cơ quan chức năng địa phương để trình báo sự việc.

Bị chồng đánh đến gãy răng, thâm tím cơ thể, người phụ nữ Mường thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình nhờ điều này - Ảnh 1.

Thông điệp của Ngôi nhà Ánh Dương Hoà Binh về bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh: Trung Hiếu.

Câu chuyện của chị N. là một minh chứng đau lòng cho vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại trong xã hội, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người phụ nữ thường bị ràng buộc bởi những định kiến và thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ ba phụ nữ từ 15 – 64 tuổi thì có gần hai người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn đề này vẫn còn rất ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, với hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với bất kỳ ai.

“Ngôi nhà Ánh Dương”: “Điểm tựa” cho người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Hòa Bình

Tại tỉnh Hòa Bình, 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện 26 vụ bạo lực gia đình với 32 người bị bạo lực, trong đó phụ nữ chiếm hơn 78%. Cũng trong khoảng thời gian này, Công an tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, giải quyết 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em, 5 vụ bạo hành trẻ em.

Ông Lê Khánh Lương – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH chia sẻ: “Hòa Bình là vùng sinh sống của nhiều cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ có những rào cản nhất định về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận kiến thức về pháp luật, về quyền của phụ nữ, trẻ em cũng như pháp luật nói chung. Vì vậy, việc lựa chọn Hòa Bình là địa điểm để xây dựng mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” sẽ giúp người dân nơi nay và khu vực lân cận có thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực một cách tốt nhất, thuận tiện nhất”.

Bị chồng đánh đến gãy răng, thâm tím cơ thể, người phụ nữ Mường thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình nhờ điều này - Ảnh 2.

Ông Lê Khánh Lương – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương Hoà Bình, sáng ngày 9/1/2025. Ảnh: Trung Hiếu.

Phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành “Ngôi nhà Ánh Dương” sáng ngày 9/1/2025, ông Matt Jackson – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái những người đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.

Bị chồng đánh đến gãy răng, thâm tím cơ thể, người phụ nữ Mường thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình nhờ điều này - Ảnh 3.

Toàn cảnh bên ngoài một số căn phòng tại Ngôi nhà Ánh Dương Hoà Bình. Ảnh: Trung Hiếu.

Bị chồng đánh đến gãy răng, thâm tím cơ thể, người phụ nữ Mường thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình nhờ điều này - Ảnh 4.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương Hoà Bình. Ảnh: Trung Hiếu.

Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi và được cung cấp tại một địa chỉ. Các dịch vụ do Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp được thiết kế để đáp ứng nhu cầu riêng của từng người bị bạo lực, những người cung cấp dịch tại đây là những người đi đầu trong việc đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử đồng thời đảm bảo người bị bạo lực được tôn trọng, không bị phán xét hay kì thị”, ông Matt Jackson tiếp lời.

Bà Tống Thị Hằng Nga – Trưởng phòng Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Hoà Bình, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi đã bổ sung thêm cho mình những kiến thức chuyên môn về các kỹ năng tư vấn tâm lý, pháp luật, hỗ trợ xã hội và thường xuyên cập nhật những phương pháp làm việc hiệu quả nhất. Đến giờ phút này, tôi và những nhân viên của “Ngôi nhà Ánh Dương” đã sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và quyết tâm tìm ra giải pháp tốt nhất để hỗ trợ cho từng trường hợp”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *