bi-che-gieu-vi-roi-loan-hoc-tap,-hoc-sinh-lop-9-nhap-vien-vi-buon-chan,-quay-pha

Bị chế giễu vì rối loạn học tập, học sinh lớp 9 nhập viện vì buồn chán, quậy phá

Tại buổi chia sẻ thông tin về các rối loạn học tập ở trẻ em, bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ về một ca bệnh rối loạn học tập điển hình.

Rối loạn học tập khiến nam sinh khó giao tiếp

Bệnh nhân là nam, 19 tuổi, học sinh lớp 9, tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân có thể nói được các nguyên âm khi 6 tháng tuổi, biết gọi “ba, ma” khi 9 tháng, bập bẹ lúc 1 tuổi, nói được các câu ngắn 2-3 từ khi 3 tuổi.

Tuy nhiên, đến 4 tuổi bệnh nhân vẫn chỉ nói được các câu ngắn, khó nói chuyện rành mạch, không thuộc lời bài hát, bài thơ đơn giản như các bạn cùng tuổi.

Bị chế diễu vì rối loạn học tập, học sinh lớp 9 nhập viện vì buồn chán, quậy phá - Ảnh 1.

Rối loạn học tập khiến nhiều trẻ rơi vào khủng hoảng, trầm cảm vì cố gắng mãi mà kết quả học tập vẫn không tốt. Ảnh minh họa

Đến 6 tuổi, bệnh nhân vào lớp 1, tuy nhiên lớp 1-2 khó khăn trong học môn tiếng Việt. Bệnh nhân khó hiểu về nội dung của câu chữ, khó khăn khi chép chính tả, chép sai từ trong sách in ra vở.

Bệnh nhân được học giỏi toán từ lớp 1 đến lớp 5 tuy nhiên bệnh nhân nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói.

Bệnh nhân lên cấp 2 học kém môn văn, có thể đọc hiểu tuy nhiên vốn từ ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. Bệnh nhân kém trong các môn học yêu cầu sự khéo léo như thủ công cắt tỉa giấy, lắp ráp mô hình.  Bệnh nhân vận động chậm chạp, ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, các kĩ năng tương tác xã hội kém.

Lên cấp 2 bệnh nhân học yếu dần. Vốn từ được cải thiện tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải dùng ngôn ngữ cơ thể để hỗ trợ khi mô tả một câu chuyện hoặc sự việc. Bệnh nhân không biết và phải sử dụng những từ ngữ đơn giản và khó khăn mô tả  diễn đạt thay vì dùng những từ láy phức tạp như “loanh quanh”, “lắt léo”.

Bệnh nhân ít nói, nói chuyện chậm, thường xuyên phải dừng lại để suy nghĩ từ. Bệnh nhân vẫn chậm chạp, khó thực hiện được các động tác yêu cầu sự khéo léo. Năm lớp 6,7,8 bệnh nhân có môn toán đạt học lực khá.

6 tháng nay khi bắt đầu lên lớp 9 bệnh nhân chuyển lên học ở trường mới bệnh nhân bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện, bệnh nhân ít giao tiếp với mọi người xung quanh hơn, biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung.

Bệnh nhân dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp. Bệnh nhân khó tập trung khi đọc sách, hay quên, cảm giác căng thẳng khi phải tập trung, học lực giảm sút nhiều. Do đó, cha mẹ đã đưa đi khám sức khỏe tâm thần.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán Rối loạn cảm xúc, hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên, rối loạn học tập.

Sau 10 ngày các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt buồn chán thuyên giảm, bệnh nhân được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý và cần hỗ trợ của các nhà giáo dục.

Rối loạn học tập là gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến – Phòng Tâm thần Nhi – Thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém.

Các rối loạn học tập ở trẻ được mô tả là không đạt được kết quả tốt trong các lĩnh vực học tập như đọc, diễn đạt bằng ngôn ngữ viết hoặc toán học khi so sánh với khả năng trí tuệ tổng thể của trẻ đó.

Các rối loạn học tập bao gồm rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Trong đó, rối loạn đọc phổ biến nhất, chiếm 80% những người được xác định có khuyết tật học tập, với tỷ lệ khoảng 10-36% trẻ tuổi đi học, 3-12% dân số, thường ở trẻ trai. Tỷ lệ cao đồng diễn với khuyết tật tính toán.

Còn rối loạn tính toán thường xảy ra ở 5-8% trẻ.

Ngoài ra, 53% trẻ em bị khuyết tật đọc cũng bị khuyết tật toán học, trong khi 46% trẻ em bị khuyết tật toán học cũng bị khuyết tật về đọc.

Rối loạn đọc cũng có khả năng di truyền cao.

Bị chế diễu vì rối loạn học tập, học sinh lớp 9 nhập viện vì buồn chán, quậy phá - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến: Rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém. (Bác sĩ Hoàng Hải Yến chia sẻ thông tin về các rối loạn học tập ở trẻ em ngày 20/11. Ảnh CTV)

Biểu hiện của rối loạn học tập

Theo bác sĩ Yến, rối loạn đọc bao gồm các biểu hiện:

Miễn cưỡng và chống lại việc đọc to: đọc một cách lưỡng lự, chậm rãi và không chính xác, thường với nỗ lực và sự khó chịu có thể nhìn thấy (ví dụ, thở dài, vặn vẹo, đỏ mặt);

Đoán dựa trên âm thanh của chữ cái đầu tiên: có thể nhận ra một vài từ bằng mắt, nhưng không thể phát ra những từ không quen thuộc; hoặc không có khả năng tái tạo lại từ đã phát ra các bộ phận cấu thành của nó.

Thiếu tính tự động trong sơ đồ hóa âm thanh-chữ cái cản trở việc đọc ở cấp độ từ, gây khó khăn cho người đọc không hiểu những gì vừa đọc ở cấp độ câu, đoạn hoặc toàn bộ văn bản.

Tuy nhiên, một số cá nhân mắc rối loạn khi đọc ở cấp độ từ có thể gặp rất ít khó khăn trong việc hiểu văn bản.

“Những rối loạn học tập không được chẩn đoán sớm và chẩn đoán đúng và đưa ra cách điều trị, giáo dục phù hợp có thể khiến các rối loạn của bệnh nhân nặng nề hơn.

Nhiều bệnh nhân bị rối loạn học tập nỗ lực nhiều mà không có kết quả tốt hoặc bị chế giễu, xa lánh có thể rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi”, bác sĩ Yến chia sẻ.

Theo bác sĩ Yến, khi cha mẹ thấy con có các rối loạn học tập, nỗ lực nhiều mà không đạt được kết quả như công sức bỏ ra và loại trừ các khiếm khuyết khuyết tật trí tuệ, thị giác hoặc thính giác.. thì cần nghĩ đến rối loạn học tập, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Trẻ mắc rối loạn học tập cần có sự can thiệp các kĩ năng học tập, giúp trẻ từng bước khắc phục hoặc giảm thiểu các rối loạn đọc, viết, tính toán… Đồng thời theo dõi các cả các rối loạn tâm thần khác có liên quan như rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm.

Bệnh nhân cần lên các kế hoạch lâu dài, đặc biệt khi lên lớp, chuyển cấp. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *