Không ít người quan niệm rằng, lấy chồng lớn hơn tuổi, khá giả thì anh ta sẽ chín chắn, lo được cho mình cuộc sống ấm no, đủ đầy. Chị M (sống ở TP.HCM) cũng từng nghĩ như vậy nên chị lấy chồng từ rất sớm, và sau đó đã phải trả giá.
Chị M cho biết, năm 17 tuổi, khi đang học nghề thì chị gặp chồng tại một bữa tiệc sinh nhật. Chính anh đã chủ động bắt chuyện với chị. Thấy anh lớn hơn mình 6 tuổi, là người chín chắn nên chị có cảm tình và hai người bắt đầu mối quan hệ yêu đương.
Sau hơn một năm yêu nhau, chị M quyết định kết hôn khi chỉ mới 18 tuổi bất chấp lời khuyên can của bố mẹ. “Lúc đó tôi không nghĩ được nhiều. Anh cũng là người Sài Gòn, gia đình khá giả. Anh tính tình chững chạc, bố mẹ anh cũng đối xử với tôi rất tốt rồi ai cũng hứa hẹn sẽ lo cho tôi cuộc sống tốt.
Nghĩ đây là bến đỗ vững chắc cho mình nên tôi kết hôn. Nhưng đó là tôi nghĩ thôi, còn cuộc sống không như mình mong đợi”, chị M nghẹn ngào kể lại.
Chị chia sẻ, 3 năm đầu hôn nhân là quãng thời gian hạnh phúc nhất của chị. Chồng lo cho chị đầy đủ tất cả mọi mặt, đi làm được bao nhiêu đưa hết tiền cho vợ. Chị chồng đối xử rất nhẹ nhàng, ba mẹ chồng thì cưng chiều hết mực.
Năm thứ 3 sau cưới, chị sinh con đầu lòng, hạnh phúc càng nhân lên. Nhưng chị M không thể ngờ được, trong 3 năm đó chồng chị đã ngoại tình.
Nhớ về ngày đầu tiên biết được những chuyện mà mình không thấy trước kia, chị M kể, hôm đó chồng nhậu say, vừa về tới nhà thì điện thoại đổ chuông. Nghĩ đồng nghiệp gọi chồng đi nhậu tiếp nên chị bắt máy, nhưng chị vừa “alo” thì đầu dây bên kia lại tắt.
Khoảng 5 phút sau, số đó gọi lại. Chị bắt máy thì nghe thấy giọng nữ và nói “alo anh về chưa?”. Chị hỏi lại thì bên kia lại cúp máy.
Sáng hôm sau khi chồng tỉnh rượu, người vợ hỏi thì chồng cho ra nhẽ thì anh nói đó chỉ là đồng nghiệp nữ. Khi chị thắc mắc tại sao đồng nghiệp lại quan tâm nhiều như vậy, anh chồng lại nổi nóng, quát tháo chị rồi bỏ đi.
Từ cuộc điện thoại ấy, thái độ của chồng đối với chị M đột ngột thay đổi, không còn quan tâm chị như trước đây, cũng không đưa tiền về cho vợ. Khi ấy, con chị M vừa tròn 1 tuổi.
Trong suốt quãng thời gian ấy, chị M đã phải cố gắng gồng gánh để sống vì con: “Tối ngày đi nhậu về chửi và đánh đập tôi”. Có lần anh chồng dùng cây móc đánh vào người chị rồi nói trai gái là chuyện của anh ta.
Đối với cô nhân tình của chồng, chị M đã gọi cho cô ta để tìm hiểu, nhưng cô thản nhiên khẳng định mình là bạn gái của chồng chị.
Khi chị hẹn gặp cô ta để ba mặt một lời, nếu được thì cho hai người tiến tới một cách công khai chứ đừng để giùng giằng thế này. Tuy nhiên, chị M chỉ nhận về được 5 từ: “Chị không đủ tư cách để gặp”. Sau đó, cô ta lại nói: “Tôi không thích nói chuyện với chị” rồi cúp máy ngang.
Sau đó, chị M bắt quả tang chồng chở một cô gái lạ vào khách sạn. Chị nhảy bắt quả tang, chất vấn chồng nhưng anh ta lại đánh vợ, bảo vệ nhân tình rồi thản nhiên dắt “tiểu tam” lên phòng.
Dẫu bị chồng đối xử tệ bạc, nhưng chị M vẫn muốn cho chồng một cơ hội quay đầu vì con. Nhưng anh thẳng thừng nói: “Mày không lo được cuộc sống, tiền bạc, tao đã lo nên mày không được quyền nói tao. Mày muốn ly dị thì tài sản này của tao mày không được lấy gì hết. Mày làm dâu nhà tao, đã bước vào là không được về”.
Không thể chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị M quyết định ly hôn và ra đi tay trắng. Sau đó, chị đưa con về nhà bố mẹ ruột.
Chị M cho biết, từ đó cho tới hiện tại, chồng cũ vẫn chưa hề xuất hiện một lần nào để thực hiện trách nhiệm với con cái.
Anh và cô nhân tình đó đã tổ chức đám cưới và có con với nhau.
Lắng nghe câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A thẳng thắn chia sẻ không có cuộc hôn nhân nào đổ vỡ do từ một phía, mà có nhiều bên “hùn vốn”. Riêng cái sai của chị M là kết hôn khi chưa chín muồi, khi đó chị còn quá non tơ để chống chọi với mọi việc, nên âu cái việc đỗ vỡ cũng là bình thường, không lúc này cũng là lúc khác.
“Cái sai của em là em gieo cuộc đời em cho người khác. Tại sao mình lại nghĩ rằng sẽ có người khác lo cho mình? Tại sao nghĩ ai cũng phải trân quý mình như những gì mình được hưởng thụ từ người thân của mình?
Cái sai của em là chưa có việc làm đã gắn bó với một cuộc hôn nhân. Cái sai của em là mình hôn nhiên cho rằng sẽ được người khác chăm lo là chuyện bình thường?
Khi em phụ thuộc vào một người, em sẽ mất quyền kiểm soát và em sẽ bị người ta đối xử như thế nào trong mong muốn của người ta, đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu em có sự tự lập, có tính tự quyết, em biết được giá trị của mình ở đâu thì lúc đó em mới có chuyện để nói chứ?
Chứ bây giờ em không có một khả năng nào để em tự quyết thì người ta quyết như thế nào là quyền của người ta mà”, Tiến sĩ Tô Nhi A phân tích cho bà mẹ đơn thân.
Đồng thời, nữ tiến sĩ tâm lý cũng thẳng thắn nói với chị M rằng cảm giác hụt hẫng khi ly hôn của chị không phải vì con hay vì hôn nhân tan vỡ mà chính xác là cảm giác chơi vơi, sợ hãi khi chưa biết “bơi” giữa cuộc đời này ra sao.
Tiến sĩ Tô Nhi A nói: “Vì em không đi làm và ở nhà quá lâu. Từ trước đến nay em chỉ biết tới người đàn ông này thôi nên việc quyết định ly hôn làm em cảm thấy sợ hãi”. Nói tới đây, chị M cũng thừa nhận về cảm giác này, đồng thời nhận ra cái sai của mình.