BÍ ẨN VỤ NỔ TÊN LỬA ĐÃ HỦY DIỆT CẢ TÊN LỬA LẪN CHƯƠNG TRÌNH ĐƯA NGƯỜI LÊN MẶT TRĂNG CỦA LIÊN XÔ
Khoảng hai tuần trước khi sứ mệnh Apollo 11 đưa người Mỹ lên Mặt trăng, phi hành gia trên chuyến bay Apollo 8 Frank Borman (1928 – ) đã có mặt tại Moscow trong một chuyến đi xã giao thay mặt cho NASA. Chuyến thăm đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng nhưng thời gian không thể tồi tệ hơn. Các phi hành gia người Mỹ đã sẵn sàng hạ cánh trên mặt trăng trong khi Liên Xô như thể đã nhường lại cuộc đua cho người Mỹ độc diễn một mình.
Vào tối ngày 4 tháng 7 năm 1969, Borman có mặt tại buổi giao lưu với các nhà du hành vũ trụ Liên Xô ở khu nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow. Ngày hôm sau, Borman đến thăm Trung tâm đào tạo phi hành gia tại thành phố Ngôi Sao (Звёздный городо́к) ở Moscow, nơi anh gặp gỡ phi công kỳ cựu Liên Xô Nikolai Kamanin (1908 – 1982), người đứng đầu chương trình đào tạo phi hành gia vũ trụ Liên Xô. Khi một nhà báo hỏi liệu Liên Xô có triển khai sứ mệnh lên mặt trăng để đánh bại Apollo 11 hay không, Kamanin và các phi hành gia không xác nhận cũng không phủ nhận. Tuy nhiên, Kamanin biết một điều mà cả Borman và các nhà báo đều không biết: Cuộc đua lên Mặt trăng (của Liên Xô) đã thất bại. Vào ngày 3 tháng 7 năm 1969, tên lửa Mặt trăng bí mật được gọi là N-1 đã phát nổ tại địa điểm phóng, phá hủy một trong hai bệ phóng ở căn cứ Baikonur, Kazakhstan. Trong cuốn nhật ký riêng vào tối hôm đó, Kamanin đã viết một lời than thở: “chúng tôi khao khát thành công, đặc biệt là bây giờ khi phi hành gia người Mỹ Frank Borman là khách của chúng tôi. Nhưng tất cả những hy vọng như vậy đã bị hủy hoại bởi vụ nổ tên lửa chỉ 5 giây sau khi phóng, sự thất bại đã kéo chúng tôi lùi trở lại một hoặc một năm rưỡi nữa ..”
Ngày 5 tháng 7 năm 1969, báo cáo tóm tắt hàng ngày của CIA gửi Tổng thống Richard Nixon cho biết một vụ phóng tên lửa không gian của Liên Xô vào ngày 3 tháng 7 đã kết thúc thất bại do một vụ nổ. Vài ngày sau vệ tinh gián điệp của Mỹ đã ghi nhận một trong hai bệ phóng N-1 bị phá hủy hoàn toàn.
Ở Liên Xô, không được nói về sự thất bại ở nơi công cộng. Yaroslav Golovanov, một ký giả của tờ báo Komsomolskaya Pravda, Liên Xô đã kể lại: “Bí mật là cần thiết để không ai có thể vượt qua chúng tôi. Nhưng sau đó khi họ đã vượt qua chúng tôi, chúng tôi lại phải giữ bí mật để không ai biết rằng chúng tôi đã bị vượt qua.”
Vào thời điểm đó, các quan chức Liên Xô đã phủ nhận sự tồn tại của chương trình đổ bộ Mặt trăng của họ và sau thành công của Apollo 11, Liên Xô chỉ trích các sứ mệnh mặt trăng có người lái là rủi ro và vô giá trị. Tháng 7 năm 1969, Mstislav V. Keldysh, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cho biết Liên Xô không có chương trình nào đưa người đổ bộ lên Mặt trăng tương tự như chương trình Apollo của Mỹ.
Năm 1989, trong thời kỳ cải tổ và công khai hóa do Gorbachev khởi xướng, các kỹ sư Liên Xô mới dám tiết lộ với các đồng nghiệp người Mỹ đang có chuyến thăm Moscow rằng họ đã sẵn sàng lên Mặt trăng vào năm 1968, một năm trước khi sứ mệnh Apollo 11 hạ cánh lần đầu tiên vào ngày 20/7/1969 nhưng những thất bại lặp đi lặp lại của tên lửa đã làm trì hoãn chương trình và cuối cùng khiến chương trình bị hủy bỏ vào đầu những năm 1970.
Câu chuyện về tên lửa N-1 của Liên Xô và chương trình Mặt trăng ở Liên Xô vẫn còn nhiều bí ẩn, đặc biệt là so với sự công khai trước công chúng bên phía chương trình Apollo. Các nhà sử học vẫn tranh luận về cách thức và lý do tại sao chương trình không gian của Liên Xô đột nhiên tụt lại phía sau người Mỹ trong cuộc đua tới Mặt trăng. Người Nga vẫn còn tự hào vì là quốc gia đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin, người đã làm choáng váng người Mỹ khi bay vòng quanh Trái đất vào năm 1961, vẫn là một anh hùng dân tộc trong mắt các học sinh Nga. Sau khi người Mỹ đưa được các phi hành gia lên Mặt trăng, Liên Xô đã không còn giữ được vị trí dẫn đầu trên không gian cho tới ngày hôm nay.