Giả sử không xét đến nỗi sợ tự nhiên giúp con người phát triển, hay phản ứng sinh tồn bản năng nhằm tự bảo vệ bản thân, nỗi sợ luôn đến từ một nơi… Đó là trong đầu chúng ta.
Nỗi sợ phi lý là không cần thiết và thường vô hình, thậm chí nó còn không có thật; nó nằm trong tâm trí và chỉ là do cảm nhận chủ quan về một sự việc nào đó tạo thành. Ví dụ, ban đầu ba người đều có chung nỗi sợ bị ngã; một người dần trở nên sợ độ cao, người thứ hai sợ bay và người thứ ba sợ đi tàu lượn siêu tốc. Điều này là do cách xử lý của mỗi người thường khác nhau trước cùng một tình huống, chấn thương hay trải nghiệm.
Nỗi sợ của chúng ta hình thành thông qua trải nghiệm, niềm tin và giá trị cá nhân, cách ta tiếp nhận môi trường xung quanh và cảm nhận thông qua các giác quan.
Do vậy, chúng ta có thể lây nhiễm một nỗi sợ từ cha mẹ, từ nền tôn giáo hay niềm tin sâu xa có từ thuở nhỏ, hoặc trải nghiệm nào đó quá đau đớn, tổn thương đến nỗi làm bản thân khái quát hóa quá mức những cảm xúc mãnh liệt, áp đặt cảm xúc tiêu cực do một trải nghiệm không vui vào mọi thứ tương tự mà mình gặp sau đó. Kết quả là ta gói gọn nhiều loại cảm xúc thành một vấn đề, và dần hình thành nỗi sợ tương ứng.
Giả sử bạn đang học cưỡi ngựa nhưng có gì đó khiến con ngựa của bạn giật mình, làm bạn ngã và bị thương. Bạn khái quát hóa quá mức trải nghiệm này khi nghĩ rằng, cưỡi con vật gì cũng đều nguy hiểm. Sau đó bạn áp đặt cảm xúc này với việc cưỡi ngựa, và hình thành nỗi sợ ngựa nghiêm trọng.
Trong trường hợp một người bạn của tôi từng sợ phải đọc to thành tiếng, nguyên nhân là anh ta từng mắc chứng khó đọc (dyslexia) nghiêm trọng khi còn nhỏ mà không được thăm khám, thêm vào đó là trải nghiệm bị bạn bè chế nhạo khi giáo viên bắt anh đọc to ở trường. Từ đó, trong bạn tôi hình thành niềm tin hạn chế về bản thân, anh từng nghĩ mình “đần độn”, “ngu ngốc”, “vô văn hóa” và rất nhiều điều tiêu cực khác.
Như vậy, bạn có thể thấy rõ: Những trải nghiệm của chúng ta vô cùng đa dạng, nhưng lại có cùng điểm chung là hình thành trở ngại đối với cuộc sống.
Giờ đây khi nhìn lại cơ chế hoạt động và tồn tại của nỗi sợ trong con người, bạn có thể bắt đầu nhận thấy, có rất nhiều hướng đi giúp mình đương đầu và vượt qua nỗi sợ. Có một nguyên tắc luôn đúng: Mọi nỗi sợ bắt nguồn từ tâm trí, quan trọng là cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng lại. Vì thế một khi có thể thay đổi tích cực cách suy nghĩ và tiếp cận nỗi sợ phi lý, sẽ không còn giới hạn cản trở điều chúng ta có thể đạt được nữa.
- Nguồn: Bước ra khỏi vùng an toàn