Lâu đài Fushimi ở Kyoto là một trong những nơi xảy ra giao chiến cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc – một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản kéo dài từ giữa thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17, xảy ra xung đột quân sự liên tục giữa các lãnh chúa khác nhau.
Giai đoạn này chỉ kết thúc khi Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền và trở thành Shogun – Mạc phủ đầu tiên, thành lập chế độ bá quyền Tokugawa, thống nhất toàn bộ Nhật Bản dưới một hệ thống phong kiến.
Bí ẩn “bàn chân máu” tại các ngôi chùa ở Kyoto, Nhật Bản
Toyotomi Hideyoshi là một samurai và một daimyo (lãnh chúa) của thời kỳ Sengoku, người đã thống nhất Nhật Bản. Ông kế thừa vị lãnh chúa quá cố của mình, Oda Nobunaga, người người đã kết thúc thời kỳ Sengoku.
Khi Hideyoshi qua đời vào năm 1598, năm quan thị vị mà ông đã chỉ định để cai trị thay mặt cho con trai nhỏ của mình, thật không may, họ bắt đầu cạnh tranh quyền lực với nhau. Tokugawa Ieyasu là người mạnh nhất trong số năm người này. Tokugawa Ieyasu phải đánh bại những người ủng hộ Toyotomi Hideyori, con trai 5 tuổi và là người kế vị chính thức của Toyotomi Hideyoshi vừa mới qua đời.
Trong số những người không ủng hộ Tokugawa có Ishida Mitsunari, một daimyo quyền lực nhưng không ủng hộ Tokugawa Ieyasu. Mitsunari liên minh với các quan khác để lập kế hoạch cho cuộc chiến.
Trong khi giao tranh, một ngày Tokugawa Ieyasu đã cho quân bao vây và chiếm đóng thành công lâu đài Fushimi của Toyotomi Hideyori. Sau đó, ông giao cho Torii Mototada, một samurai đồng minh đáng tin cậy, nhiệm vụ bảo vệ lâu đài đó.
Ngay sau khi biết tin, Mitsunari tổ chức một đội quần gồm 40.000 người và tiến về Kyoto để chiếm lại lâu đài. Mototada được cảnh báo về quân đội của Mitsunari tiến đến, nhưng mặc dù có số quân sĩ thấp hơn nhiều, chỉ 2.000 người so với 40.000, Mototada vẫn quyết định ở lại và bảo vệ lâu đài.
Trong 12 ngày tiếp theo, lính do Mototada lãnh đạo đã dũng cảm chống lại cuộc tấn công, cho đến khi nội gián bên trong cho phép quân đội của Mitsunari xâm nhập thành trì. Với ngọn lửa bùng cháy khắp nơi, Mototada và 370 chiến binh còn lại của ông đã làm điều mà bất kỳ samurai nào đối diện với thất bại cũng sẽ làm, đó là tự sát bằng cách treo cổ hoặc tự mổ bụng.
Mặc dù cuộc bao vây lâu đài Fushimi được coi là một cuộc tấn công nhỏ, nhưng hành động của Torii Mototada đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Nhật Bản. Những tuần tiếp theo, Tokugawa Ieyasu đã huy động một quân đội 90.000 người và thách thức quân đội của Ishida Mitsunari trong một trận chiến quyết định tại Sekigahara, đánh dấu chiến thắng cuối cùng của Tokugawa Ieyasu trước tất cả đối thủ của ông. Với việc Mitsunari bại trận, Tokugawa Ieyasu trở thành shogun – mạc chủ đầu tiên của chế độ Tokugawa. Gia đình ông cai trị Nhật Bản trong 268 năm tiếp theo.
Trần nhà được sử dụng từ gỗ của lâu đài Fushimi. Ảnh: AMP.
Năm 1623, Ieyasu đã cho tháo dỡ lâu đài Fushimi bị cháy và phần lớn lâu đài còn chưa được phá hủy đã được sử dụng lại. Một số là các tấm sàn mà Torii Mototada và các chiến binh của ông đã tự sát để tránh bị bắt giữ. Máu của họ đã thấm sâu vào gỗ, làm cho các tấm sàn này bị nhuốm màu vĩnh viễn.
Tôn vinh sự hy sinh dũng cảm của họ, các tấm sàn này đã được sử dụng lại, chủ yếu làm trần nhà, vào một số lâu đài và chùa ở trung tâm Kyoto. Chúng được gọi là “chitenjo”, hoặc “trần máu”. Các họa tiết trên các tấm sàn đã sạm đi do thời gian nhưng khi xem kỹ, bạn có thể rõ ràng thấy những dấu chân và dấu tay đầy máu.
Ngày nay, khách du lịch muốn tham qua những địa điểm này, thường sẽ tới những ngôi chùa như Genkoan, Shodenji, Yogenin và Myoshinji ở trung tâm Kyoto, Hosenin ở khu vực Ohara, Jinouji ở Yawata và Koshoji ở Uji.