BẾP LỬA HỒNG

Tiết trời Sa Pa dần trở lạnh mùa đông năm ấy rất khắc nghiệt, có những ngày xuống tới âm độ C. Tuyết thường rơi trên rừng phủ trắng xóa cả một vùng. Dưới chân núi trong túp lều nhỏ quây bằng vách nứa hình ảnh người mẹ đang ôm vào lòng bốn đứa con thơ dưới ánh đèn dầu bên bếp lửa riu riu, cùng những câu chuyện cổ dân tộc Dao mẹ kể cứ thế in đậm vào kí ức, mỗi khi nhớ về lại thấy nghẹn ngào những ngày thuở ấu thơ.

Ngày ấy không có ti vi hay điện thoại cũng không có bánh kẹo hay quà vặt. Đồ chơi chỉ là những chiếc xe nặn bằng đất những con búp bê làm bằng lá cây. Bọn trẻ con chúng tôi sáng đi học chiều lại lên nương rẫy với bố mẹ. Ngày hè thì rong ruổi chăn trâu trên những triền đồi, có nhưng hôm đến mùa vụ lại phải nghỉ học mất mấy hôm để phụ giúp bố mẹ. Có những ngày trời mưa to đường trơn trượt cả trường đều không có lấy một học sinh. Vì trường ở xa phải đi bộ mấy cây số mới đến trường. Những ngày đông rét buốt chân tay lạnh cóng chẳng có manh áo ấm, chỉ có chiếc áo len mỏng bên trong cùng chiếc áo dân tộc khoác bên ngoài. Ngày lễ món quà gửi tặng thầy cô cũng là vài đóa hoa rừng ngắt vội, cùng tấm lòng thành kính gửi đến thầy cô-những nhà giáo cõng chữ lên bản.

Ấy vậy mà thầy cô nói ” các bạn trên này vẫn còn nhiều thiệt thòi”. Lúc đấy trong lòng tôi đầy ngơ ngác tự nhủ: ” Tôi thấy mình chẳng thiếu thứ gì rất hạnh phúc và no đủ”. Tôi biết vì sao mình lại nghĩ vậy vì bên cạnh tôi luôn có tình yêu thương đong đầy của mẹ.

Mẹ tôi là một người phụ nữ Dao đỏ truyền thống. Mẹ giỏi thêu thùa may vá thạo việc đồng áng, biết trồng trọt chăn nuôi, duy chỉ có điều đó là mẹ không biết chữ. Vì là con thứ hai trong nhà sau lại có nhiều em nên từ nhỏ mẹ đã phải ở nhà phụ giúp ông bà ngoại. Ngày làm nương rẫy lúc rảnh lại trông em. Mẹ kể những ngày đông băng rất dày, đôi chân trần in hằn trên tuyết mẹ vẫn phải lội lên nương hái rau. Thế nên con đường đến trường của mẹ cũng lỡ dở mẹ chỉ biết đếm số từ một đến chín. Mỗi khi mẹ kể lại tôi đều thấy sự tiếc nuối trong mắt mẹ, nhưng cũng không vì thế mà mẹ tự hạ thấp con người mình. Những kiến thức mà mẹ có chẳng thua kém bất kì ai, mẹ luôn tự tin và tràn đầy năng lượng tích cực. Đến khi lấy chồng vì là cuộc hôn nhân sắp đặt, dẫn tới bố và mẹ tôi thường xuyên cãi nhau không có tiếng nói chung. Cứ vậy bố tôi ham mê những cuộc vui với bạn bè vô tâm với mẹ, có khi cả ngày cũng chẳng thấy mặt bố lần nào. Tuy bố chưa một lần đánh hay mắng chửi mẹ nhưng tôi hiểu mẹ luôn mong muốn được sự quan tâm từ bố. Cũng vì lẽ đó mà tuổi thơ của mấy chị em đa phần chỉ có mẹ kề bên.

Nhà không có điều kiện lại đông con quanh năm mẹ tần tảo sớm khuya với đồng ruộng nương lúa. Về nhà lại tất bật chăm sóc các con, chăn nuôi , rau cỏ… Bao nhiêu việc không tên đều được mẹ lo chu toàn hết. Lúc rảnh rỗi mẹ lại tranh thủ thêu thùa để kịp may vá quần áo cho các con, không để các con thiếu ăn thiếu mặc. Cuộc sống người dân nơi vùng núi xa xôi chủ yếu là tự cung tự cấp, tích trữ lương thực đủ ăn để đợi đến mùa vụ tiếp theo – gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Nên ngày ấy chỉ khi có lễ, tết hoặc có khách chúng tôi mới được bữa thịt. Bữa cơm hàng ngày chỉ đơn giản là bát canh rau, có hôm chẳng đợi kịp mẹ về chúng tôi làm ấm bụng với nắm cơm nguội. Những bát canh rau của mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn, giờ cuộc sống đã tốt hơn được ăn nhiều món ngon của lạ nhưng món rau của mẹ vẫn là món tôi mong ngóng nhất mỗi dịp về quê.

Tôi vẫn còn nhớ mãi hôm trời mưa tầm tã ấy, lúc đó trời đã tối mịt sấm chớp đùng đùng. Mẹ dáng người hao gầy một mình dắt díu bốn đứa con nhỏ cố đi thật nhanh để khỏi ướt. Lúc đó mẹ cõng em út đằng sau lưng hai tay bế thêm hai đứa vì chúng nó không chịu đi bộ. Còn tôi lặng im đi bên mẹ vì là chị cả nên đủ hiểu chuyện hơn các em. Có lẽ phần vì trời tối làm tôi sợ phần vì tôi cảm phục sức mạnh của mẹ, nên cho đến giờ phần kí ức ấy vẫn vẹn nguyên như vừa mới đây.

Những tưởng người phụ nữ phi thường của tôi sẽ luôn vững chãi như vậy nhưng đã có lần suýt sụp đổ. Lúc đó trái tim nhỏ bé của tôi như vỡ vụn khi nghe tin mẹ bị ngã. Tôi nén nước mắt chạy thật nhanh về nhà chỉ thấy cái gùi của mẹ ở đấy, mẹ đã được đưa đi cấp cứu. Hóa ra mẹ vì lấy mấy quả đào cho mấy đứa con nên đã bị ngã gãy xương sườn. Tôi sững lại khi biết lí do nước mắt cứ thế tuôn như mưa, trốn vào một góc không để ai biết. Tôi không ngừng cầu nguyện cho mẹ sớm khỏe đề về với chị em tôi. Nỗi sợ mất mẹ cứ bủa vây cả tâm trí tôi. Chỉ khi được đi thăm mẹ thấy mẹ đã đứng dậy được tươi cười trước mặt, trái tim tôi mới bừng sáng trở lại. Sau gần một tháng nằm viện cuối cùng mẹ đã khỏe hẳn và được ra viện.

Sau đó không lâu gia đình tôi lại phải chịu một đả kích lớn. Em trai tôi mất khi chỉ mới ba tuổi em là đứa con trai duy nhất trong nhà. Tôi hận bản thân vì không được gặp mặt em lần cuối vì lúc tôi đang đi học. Về đến nhà buớc vào cửa tôi thấy bố trầm ngâm bên bếp lửa giọt nước mắt trực rơi nhưng cố nén lại. Còn mẹ hai mắt đã đỏ hoe cố lau vội không để các con nhìn thấy. Căn nhà trở nên lạnh lẽo hơn không khí gia đình lắng xuống. Mẹ không nói gì nhiều tôi cũng không giám hỏi sợ lại làm mẹ buồn. Tôi biết mẹ rất đau lòng nhưng cố chịu đựng vì nếu mẹ gục ngã thì ba đứa con còn lại biết làm sao. Lúc đó tôi mới học lớp bốn nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa một ngày quên phần kí ức đó, quả thật quá tiếc thương!

Những ngày sau đó mọi người trong xóm cứ gặp tôi lại hỏi chuyện như xé thêm vào vết thương của tôi vậy. Có người nói vu vơ ” chắc mẹ mày đẻ cố thêm thằng cu nữa rồi, không thì chắc phải đi nhận con nuôi” (thời đó họ quan trọng con trai nối dõi lắm). Nhưng bố mẹ tôi không nói gì cứ vậy mặc kệ tất cả nuôi dậy ba chị em tôi nên người.

Mẹ chưa một lần đánh hay mắng chửi thậm tệ mấy chị em. Nếu chúng tôi có phạm lỗi mẹ chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo nhắc nhở. Mẹ luôn dạy rằng phải biết giúp đỡ người khác, không nên chê cười bất kì ai, phải luôn làm người ngay thẳng. Có lần tôi vì thích cái kẹp tóc của bạn quá thấy bạn đánh rơi nên đã lấy về. Mẹ thấy chỉ nói với tôi “đã là bạn của nhau thì con không nên lấy đồ của bạn như vậy, con mau đem trả bạn đi”. Bài học ấy cho đến giờ tôi vẫn luôn khắc ghi. Mẹ luôn dịu dàng nhẹ nhàng và bao dung như vậy, nhưng không vì thế mà mấy chị em tôi hỗn láo.

Mẹ cũng luôn nhắc nhở chúng tôi phải kiên trì, chăm chỉ học hỏi, không được ngại khó ngại khổ. Lần ấy trước hôm tham gia kì thi học sinh giỏi cấp huyện, tôi chơi cà kheo bị ngã trẹo chân. Sáng hôm ấy tôi cứ chần chừ mãi không đi thi mẹ tôi liền hỏi ” sao con không đi thi à, giờ này con còn chưa chuẩn bị gì”. Tôi ấp úng bảo mẹ ” chân đau quá con không đi nữa có đi có khi cũng không đạt giải”. Mẹ tôi khuyên: ” Cái chân đau nhưng cái tay vẫn viết được mà ! Con vẫn nên đi thi đi mẹ luôn tin tưởng ở con”. Thế là tôi mới chạy ra gọi bố đưa tôi đi và lần đó tôi đã đạt giải và còn nhận được giấy khen. Khi biết tin ánh mắt mẹ nhìn tôi đầy tự hào. Cảm giác lúc đấy thật hạnh phúc suýt nữa thì chỉ về vết thương nhỏ mà tôi bỏ qua cơ hội của mình. Từ đó mỗi lần khó khăn muốn bỏ cuộc tôi đều sẽ nhớ tới bài học của mẹ.

Mẹ nói không sõi tiếng phổ thông nhưng chẳng vì thế mà mẹ chấp nhận cái nghèo. Mẹ tập đi xe máy, tập đi buôn đi bán. Từ lúc mẹ biết đi chợ kinh tế gia đình tôi cũng khá giả hơn. Chị em tôi có nhiều quần áo mới để mặc, có thể mua những thứ mà trước đây chúng tôi mơ ước. Mẹ đã cố gắng lo cho ba chị em đi học hết cấp ba không để ai phải thất học, vậy nên mấy đứa trẻ trong xóm ngưỡng mộ lắm vì vẫn còn nhiều bạn chỉ được cho đi học hết cấp hai.

Tôi nhớ hồi cấp hai có lần khi đang tự học môn ngữ văn, hôm đó nhà lại có khách. Mọi người đang ngồi quây quần bên bếp lửa, mẹ đang nói chuyện với các chú có nói một câu ” Giá như em mà biết chữ có phải đã kèm con bé học được rồi không?”. Tôi ở cạnh đó đã nghe thấy lúc đấy tôi xúc động lắm nước mắt đã trực rơi. Không nghĩ mẹ đã luôn quan sát con quan tâm con nhiều đến vậy. Tôi thấy thương mẹ vì tuổi thơ của mẹ đã không có đủ điều kiện để đi học như chúng tôi.

Lắm lúc tôi tự hỏi không biết điều gì đã khiến mẹ trở nên mạnh mẽ đến vậy? Đến khi bản thân làm mẹ rồi tôi mới hiểu, đó là vì tình yêu thương con cái, mong muốn vun đắp hạnh phúc gia đình. Đôi khi quanh quẩn trước đứa con nhỏ, lúc nó quấy khóc tôi cảm thấy bất lực, muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ nghĩ về mẹ tôi lại thấy xấu hổ, khi đã bình tĩnh tôi tự nhắc nhở mình : ” sẽ cố gắng nuôi dạy con thật tốt kiên nhẫn và bao dung như mẹ đã từng làm với chúng tôi”. Tôi lại có động lực tiếp tục cố gắng trên con đường mình đã chọn !

Điều mà tôi hối hận nhất là khi còn đang là sinh viên đã vội cất bước theo chồng. Lúc biết tin mẹ tôi giận lắm cả bố cả mẹ đều rất khó chấp nhận, vì tôi chưa ra trường chưa có việc làm mà đã lập gia đình. Cũng may tôi đã chọn đúng người chồng đối xử tốt với tôi, cũng biết hiếu thuận với bố mẹ hai bên, bố mẹ tôi cũng yên tâm bớt lo lắng phần nào. Bây giờ mỗi lần đưa cháu về bố mẹ lại chuẩn bị biết bao thứ, nhìn mãi theo cho đến khi khuất bóng. Tôi hiểu bố mẹ đã tha thứ cho tôi từ lâu. Trong lòng tôi cũng bớt dằn vặt phần nào, khi vẫn còn chưa làm được gì báo hiếu bố mẹ.

Mẹ à ! Con thật sự thấy hạnh phúc khi sinh ra đã có đầy đủ ông bà cha mẹ, nhất là tình yêu của mẹ. Con muốn gửi tới mẹ lời xin lỗi ! Con muốn gửi tới mẹ muôn vàn lời cảm ơn. Con biết mẹ không đọc được những dòng này của con. Con chỉ biết thể hiện tình yêu thương dành cho mẹ bằng những cái ôm thay lời muốn nói, con biết mẹ luôn cảm nhận được điều đó. Con chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh bên con suốt cuộc đời.

Người ta vẫn thường hay nói con cái là món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho cha mẹ nhưng con lại thấy ngược lại. Mẹ chính là thiên thần của đời con !

Gửi đến mẹ kính yêu của con muôn vàn yêu thương! Con gái của mẹ nhất định sẽ sống thật tốt thật hạnh phúc không làm mẹ buồn nữa!

Con yêu mẹ !

Tác giả: CHẢO TẢ MẨY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *