benh-tay-chan-mieng-tang-nhanh,-canh-bao-nguy-co-xuat-hien-them-ca-tu-vong

Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm ca tử vong

Trước đó, Bình Dương đã có 2 bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng ở TP.Thuận An trong tháng 6 vừa qua.

Dễ nhiễm bệnh tay chân miệng dù đã cảnh giác

Bà Đào Thị Ly, người dân ở phường Lái Thiêu (TP.Thuận An) có con đang bị bệnh tay chân miệng. Bà Ly kể mình biết rõ nguồn lây bệnh cho bé là từ các anh chị mang mầm bệnh về, nhiễm cho bé.

Nhờ phát hiện sớm, bà Ly đưa bé vào Trung tâm Y tế TP.Thuận An kịp thời nên được các y bác sĩ điều trị nhanh chóng.

Một bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Một bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng ở Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Theo Trung tâm Y tế TP.Thuận An, vẫn có nhiều trường hợp trẻ em bị bệnh tay chân miệng thời gian gần đây dù các phụ huynh đã rất cảnh giác.

Trong tháng 5/ 2023, Trung tâm Y tế TP.Thuận An chỉ có 5 ca tay chân miệng nhập viện. Sang tháng 6, có 25 ca nhập viện. Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm có đến 26 ca nhập viện, chưa tính nhiều ca khác được điều trị ngoại trú.

BS CK1. Nguyễn Thị Thuần – Phó Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế TP.Thuận An cho biết, dịch bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp hơn năm trước. Ngay trong tháng 7 này, dịch tay chân miệng vẫn còn tiếp tục tăng, cả số ca bệnh lẫn số ca bệnh nặng.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, Thuận An là địa phương có dân cư đông, nhất là ở các khu trọ. Điều này tạo thuận lợi cho việc lây lan dịch bệnh tay chân miệng.  

TP.Thuận An đang theo dõi sát tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để sớm triển khai các hoạt động phòng, chống kịp thời và hiệu quả. Bà Hiền cho biết, ngoài sự chủ động từ cơ quan chức năng, việc phòng chống dịch bệnh tay chân miệng rất cần sự chung tay thực hiện từ phía cộng đồng.

Cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm ca tử vong bệnh tay chân miệng

Theo Sở Y tế Bình Dương, số ca mắc bệnh tay chân miệng vẫn chưa có xu hướng giảm. Trung bình mỗi tuần, Bình Dương ghi nhận khoảng hơn 210 ca.

Số ca mắc và số ca chuyển nặng bệnh tay chân miệng tập trung nhiều ở nhóm trẻ (từ 1-2 tuổi, 33,1%) và nhóm mẫu giáo (từ 2- 6 tuổi, chiếm 54,68%).

Y bác sĩ bệnh Bệnh viện Quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương) hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho thân nhân bệnh nhi. Ảnh: BV Becamex

Y bác sĩ bệnh Bệnh viện Quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương) hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho thân nhân bệnh nhi. Ảnh: BV Becamex

Tính đến nay, Bình Dương có tổng số 74 ca. Đáng chú ý là tỷ lệ ca nặng độ 2b trở lên chiếm 4%. Số ca mắc bệnh tay chân miệng không chỉ tăng mà còn diễn tiến nặng hơn, sẽ gây căng thẳng việc điều trị.

Ông Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, cao điểm bệnh tay chân miệng thường diễn ra vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Năm nay dịch đến sớm hơn, diễn tiến bất thường hơn và có nhiều ca bệnh nặng.

Sở Y tế Bình Dương dự báo, bệnh tay chân miệng có thể còn tăng cao trong thời gian tới, thậm chí có nguy cơ xuất hiện thêm ca tử vong. Nguyên nhân do sự xuất hiện của virus Enterovirus làm trầm trọng thêm những trường hợp mắc bệnh nặng.

Hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã được Sở Y tế TP.HCM phân công hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật điều trị bệnh tay chân miệng cho tỉnh Bình Dương.

BS Nguyễn Thị Thuần đề nghị, khi thấy bé có dấu hiệu sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt mà không giảm; miệng của bé có triệu chứng nhiểu nhão, không chịu ăn, ói nhiều; khi ngủ hay giật mình hốt hoảng, hoặc nổi các hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân thì phụ huynh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán. Nếu thấy có triệu chứng nặng, bé sẽ được cho nhập viện ngay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *