Nguy kịch sau 1 ngày sốt vì căn bệnh lây lan nhanh hơn cả cúm, Covig-19
Ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố liên quan công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TL
Cùng đó, tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
Theo ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), cả nước từ đầu năm đến nay đã có hơn 52.000 ca nghi mắc sởi, nhưng trong thực tế có thể cao hơn. Mặc dù phía nam, số ca bệnh nhiều nhưng ca mắc mới giảm mạnh. Trong khi đó, sau kỳ nghỉ tết năm 2025 thì miền Bắc, Bắc Trung bộ lại đang tiếp tục gia tăng ca mắc.
Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết gần đây viện liên tiếp điều trị cho nhiều ca mắc sởi có biến chứng.
Nhiều trẻ nhỏ biến chứng nặng do sởi. Ảnh: Gia Khiêm
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam (38 tuổi, ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) bị viêm phổi nặng, suy hô hấp do gặp biến chứng sởi. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, có hút thuốc nhưng không mắc bệnh lý phổi.
Chỉ một ngày sau xuất hiện dấu hiệu sốt nóng 39 độ, cơ thể bệnh nhân phát ban từ mặt lan xuống tay, thân mình, ho đờm trắng đục, đau họng và khó thở tăng dần, suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải thở máy oxy khi chuyển tuyến.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân suy hô hấp cấp mức độ nặng phải hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu và ECMO.
Lưu đồ nội dung liên quan đến sởi của Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế trên cả nước. Ảnh: Bộ Y tế
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam (51 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường, hen phế quản. Bệnh nhân vào Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán mắc sởi trên nền đái tháo đường tuýp II – tăng huyết áp – hen phế quản. Dù được điều trị nhưng sau 5 ngày, bệnh nhân vẫn bị khó thở tăng dần, phải đặt ống nội khí quản, thở máy, rung nhĩ rối loạn tim mạch và có nguy cơ biến chứng nặng.
Viện Y học Nhiệt đới cũng đã ghi nhận một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (28 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) mang thai 8 tuần. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao từng cơn, rét run, đau mỏi cơ, có xuất hiện ban đỏ từ mặt lan xuống cổ, ngực, bụng.
Bệnh nhân có ho khan, ngứa họng, đi ngoài phân lỏng nước 4 lần/ngày, không đau bụng. Bệnh nhân tự điều trị hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng không cải thiện. Khi vào viện, người bệnh được chẩn đoán mắc sởi bội nhiễm vi khuẩn, cần theo dõi viêm phổi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Nhiều nơi chủ quan vì nghĩ dịch bệnh sởi không đến mình
PGS. TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, từ đầu năm đến nay, viện đã tiếp nhận hàng trăm ca mắc sởi ở người lớn, mỗi ngày trung bình 10-20 ca. Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi.
Trong đó, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí là viêm não – viêm màng não. Đa phần các trường hợp này đều chưa được tiêm phòng sởi hoặc trước có tiêm phòng nhưng không tiêm nhắc lại.
Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Bệnh sởi có tốc độ lây lan nhanh hơn cả cúm, thuỷ đậu, Covid-19, do virus có thể tồn tại trong không khí hoặc trên bề mặt đến 2 giờ đồng hồ sau khi người bệnh rời đi. Trung bình một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho 12-18 người khác.
Bởi vậy, khi được chẩn đoán mắc sởi, người bệnh cần ngay lập tức cách ly để điều trị, tránh lây cho những người khác.
“Các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản,… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn, bệnh dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc”, PGS. TS Cường cho biết.
Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục phòng bệnh (Bộ Y tế) cho hay, cả nước từ đầu năm đến nay đã có hơn 52.000 ca nghi mắc sởi, nhưng trong thực tế có thể cao hơn. Mặc dù phía nam, số ca bệnh nhiều nhưng ca mắc mới giảm mạnh. Trong khi đó, sau kỳ nghỉ tết năm 2025 thì miền Bắc, Bắc Trung bộ lại đang tiếp tục gia tăng ca mắc.
Ông Võ Hải Sơn đánh giá, sau chỉ thị của Thủ tướng vào tháng 11/2024 thì sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương rất hạn chế. Mặc dù có triển khai tiêm vaccine sởi nhưng các tỉnh chủ quan nghĩ là dịch không đến tỉnh mình nên đăng ký vaccine rất hạn chế; tổ chức tiêm chủng thì gần như chỉ có ngành y tế vào cuộc.
“Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi vào ngày 31/3. Sau đó, nếu tỉnh nào để ra số ca mắc cao thì có thể tiêm chủng không tốt. Việc này sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Chính phủ để xem xét trách nhiệm”, ông Sơn nhấn mạnh và đề nghị các tỉnh thành tăng cường tiêm bù, tiêm vét cho trẻ với hy vọng đến giữa tháng 4 thì dịch sởi sẽ giảm.
Ông nhấn mạnh phụ nữ trong độ tuổi sinh con thì cần quan tâm tiêm ngừa sởi để tạo miễn dịch cho con trẻ sau này. Vì hiện, nhiều trẻ sơ sinh đã mắc sởi.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, bằng chứng cho thấy, không tiêm vaccine thì mắc bệnh sởi, tuổi nhỏ càng dễ mắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, các tỉnh, thành luôn sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị chống dịch. Tăng cường tập huấn, đào tạo, chỉ đạo tuyến trên nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để cho phụ huynh hiểu về tiêm vaccine phòng bệnh. Cho phụ huynh hiểu biết về triệu chứng bệnh và khi nào cần nhập viện. Nội dung truyền thông gắn với trách nhiệm của giám đốc bệnh viện…
“Với bài học kinh nghiệm dịch bệnh xảy ra theo chu kỳ 5 năm thì cần dự báo, chuẩn bị chiến dịch tiêm đón đầu, hạn chế tối đa ca mắc. Đề nghị mọi người không chủ quan, tiếp tục rà soát để không bỏ sót người chưa tiêm”, ông Thuấn nói.