Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ vừa cấp cứu cho 1 bé gái 11 tháng tuổi bị chó cắn với nhiều vết thương nghiêm trọng.
Người nhà cho biết, khoảng 20h30 ngày 1/6, bé gái 11 tuổi (Trú tại Vạn Xuân, Tam Nông) khi đang chơi cùng hai bạn nhỏ khác đã bị một con chó to (giống chó lai) của nhà hàng xóm bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng sau đầu, tai, lưng, vai gây nhiều vết thương nghiêm trọng. Đặc biệt vết thương lớn vùng sau đầu, gáy kích thước hơn 20cm chảy nhiều máu.
Sau khi bị chó cắn, trẻ được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện gần đó để vệ sinh, khâu vết thương phần mềm vùng đầu, giảm đau và đặt dẫn lưu tránh máu tụ vùng đầu.
Tại đây, bác sĩ chỉ định chụp CT-Scanner để đánh giá mức độ tổn thương vùng đầu, rất may chưa ghi nhận bất thường.
Sáng ngày 2/6, trẻ được đưa đến Trung tâm tiêm chủng và Miễn dịch dị ứng – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ để tiêm huyết thanh kháng dại.
Tại trung tâm, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng và phối hợp cùng các bác sĩ khoa Ngoại Nhi tổng hợp để vệ sinh vết thương và tiêm chủng an toàn cho trẻ.
Trong thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị chó cắn. Trước đó, 1 bé trai 3 tuổi bị 2 con chó béc-giê của hàng xóm tấn công dẫn đến chấn thương bụng, vỡ thận.
Một bé khác 4 tuổi cũng bị chó nhà ông nội tấn công, cắn vào vùng đầu và tay phải khi tới nhà ông nội chơi, khiển trẻ bị nhiều vết thương lớn, chảy nhiều máu.
Mùa hè, trẻ em được nghỉ học, tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do, nguy cơ bị chó tấn công là rất lớn. Do đó, các bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ – đối tượng chưa có khả năng tự vệ, tránh để trẻ tiếp xúc gần với chó để đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nếu trẻ không may bị chó cắn, phụ huynh cần bình tĩnh rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước xà phòng, nước muối sinh lý để loại bỏ tối đa vết bẩn và vi khuẩn còn bám trên bề mặt vết thương.
Sau đó, dùng gạc sạch đắp che vết thương rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu và tiêm chủng kịp thời!
Để phòng tránh nguy cơ trẻ em bị chó cắn, mèo cắn, các bác sĩ khuyến cáo:
– Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y
– Không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm.
– Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.
– Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.
– Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng và tiêm vaccine kịp thời.
– Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine lđể bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.