BẪY TÌNH

(Truyện ngắn của tác giả Trịnh Tuyên)

Năm nay lão Học bước sang tuổi sáu tư. Ở cái tuổi ấy, nhiều người đã lờ đờ lừ đừ, nhưng với lão Học, sức vóc vẫn còn khang cường lắm. Từ ngày vợ bị chết đuối, đã sáu bảy năm trôi qua, lão vẫn sống độc thân. Sau cái lần ấy, lão tuyên bố không bao giờ đào ao trong vườn nữa. Vậy mà mới đây, người ta lại thấy lão thuê máy múc, múc một cái ao rộng dễ đến bốn sào đất ngay cuối vườn. Hỏi ra, mới biết là cái thằng chủ thầu làm đường khuyến dụ lão bán đất cho hắn. Sau khi thằng chủ thầu múc hết đất đổ làm nền đường, tự nhiên lão sở hữu một cái ao lớn…

Ngày trước, khi còn đương chức Giám đốc công ty thủy nông  huyện, nhà lão đã có một cái ao rộng và sâu. Một lần, vợ lão ra vớt bèo, không may sẩy chân ngã xuống ao bị chết đuối. Được tin, lão phóng xe về nhà thì đã thấy làng xóm kéo đến chật cả sân. Mụ vợ lão nằm trên chiếc chiếu, mặt phủ mảnh khăn mặt đã xỉn vàng, trông như chiếc lá bàng cuối mùa vừa rụng xuống. Khi lão lật cái khăn, từ miệng người xấu số, máu tươi cứ tứa ra như oán giận, tủi hờn. Người ta bảo người nào chết đuối mà hộc máu ra như thế là chết oan. Thì đúng là vợ lão chết oan còn gi? Cầu ao đáng lẽ phải xây đá hộc, đằng này lão lại đóng cọc rồi buộc chằng bằng mấy khúc tre tươi. Thực tình, lão chỉ làm tạm thời để cho vợ tiện việc vớt bèo, múc nước tưới rau, chứ có ngờ đâu, lại là cái bẫy, gây nên cảnh quỷ khốc thần sầu như thế. Giá lão đừng đào ao ở trước nhà, và giá như đừng có bắc cái cầu ao bằng mấy cây tre thì làm gì vợ lão chết? Lão đau đớn và ân hận lắm. Mỗi kỳ giỗ chạp, khi thắp nhang lên bàn thờ vợ, lần nào lão quay mặt ra ngoài quệt nước mắt, lòng thầm gọi, ơi vợ ơi là vợ ơi…

Cái ao mới đào chỉ không đầy một tuần, nước mạch từ trên đồi ngấm xuống, nước từ ruộng lúa tháo vào, đã đầy ắp nước. Lão mua nhiều loại cá giống và xin bèo về thả. Ao mới đào, bèo mới nhen, cánh bèo chen nhau bung ra mơn mởn. Mặt ao sóng gợn, bèo non xanh ngăn ngắt. Nhà lão không nuôi heo, có lẽ  thế mà chiều chiều, mấy mụ hàng xóm thường sang ao nhà lão xin bèo. Rút kinh nghiệm lần vợ ngã xuống ao, lão mang gốc tre tươi, vót nhọn, đóng lung tung khắp mặt ao. Lão bảo, để phòng xa, nhỡ có ai xin bèo, sẩy chân ngã xuống ao thì nhanh tay vớ lấy cọc. Người ta chẳng nói: “chết đuối vớ được cọc” là gì?

Trong số các mụ hay đến nhà lão xin bèo, có mụ Trọng trẻ và ưa nhìn nhất. Mụ Trọng vốn là giáo viên tiểu học, xin về chế độ “một cục”, tức là lĩnh tiền bảo hiểm một lần. Chồng mụ chết vì tai nạn giao thông cũng đã sáu bảy năm, để lại cho mụ hai đứa con,  một gái, một trai như lão Học. Mụ thuộc loại “chân dài” thời con gái, cằm hơi lẹm, mắt môt mí, trông rất láu. Đứa con gái đầu đã lấy chồng, thằng con trai út đang học năm thứ tư đại học. Thi thoảng, đột xuất,  mụ vẫn phải sang nhà lão vay tiền gửi cho con. Về cuối khóa, phát sinh nhiều khoản chi phí, con xin tiền mẹ càng riết ráo. Lão Học có một thân, một mình, lương hưu cao, con cái thương bố một thân một mình,  gửi thêm tiền về, tiêu sao hết? Lần nào mụ Trọng sang, lão Học đều cho mụ vay. Mỗi lần vay tiền, lão đều dặn mụ là khi nào có thì trả. Nói vậy cho mụ đỡ lo chứ biết khi nào mụ có? Lão biết, một mình mụ, thời buổi kiếm đồng tiền khó như vào rừng tìm nấm linh chi, mụ làm sao có ngay để trả? Nhiều hôm bận việc, lão còn đưa cả sổ lương hưu cho mụ lĩnh hộ. Mụ ta có vẻ quý nể  đức tính thương người và hào phóng của lão Học lắm.

Dáng hiền lành, khỏe mạnh, người chắc như đồng hun, cộng thêm đức tính thương người và “tiềm lực kinh tế” của lão, khiến nhiều mụ gái góa, lỡ thì trong vùng để ý. Mụ Trọng cũng thế. Mụ có ý định “tấn công” lão Học từ ngày lão mới về hưu nhưng phải lão già quá ư đứng đắn. Nhiều hôm, nửa đêm mụ còn sang nhà lão Học gõ cửa xin lửa. Thời buổi cả làng bếp ga, bật lửa ga rẻ như bèo, làm chi đến mức độ nhà mụ không mua nổi cái bật lửa? Mà mụ nấu nướng cái khỉ gió gì lúc nửa đêm, nửa hôm như thế? Có lần thấy lão đang làm dở việc, mụ còn bạo dạn thò tay vào túi quần lão Học để tìm lấy bật lửa. Cái kiểu tìm bật lửa mà mụ cứ nắn nắn bóp bóp như thể khám kẻ cắp, làm lão buồn buồn, khó chịu. Lão cứ co co người lại mỗi khi bàn tay như có mắt của mụ Trọng lần lên cao. Lão Học thừa hiểu thủ đoạn của mụ, nhưng trái tim của lão sau bao nhiêu năm sống cô đơn đã quen rồi. Với lại, lão vẫn còn yêu vợ lão lắm. Vợ lão, một người đàn bà nết na, hết mực thương chồng thương con. Nhớ cái năm lão vừa xuất ngũ, sốt rét, u nhọt đầy mình, người gầy như hạc, thế mà chỉ có mấy tháng trời, vợ lão vừa lo thuốc thang, vừa lo tẩm bổ cho chồng trong lúc kinh tế còn khó khăn, gạo còn chưa có mà ăn, lão vẫn được vợ bồi dưõng đến nơi đến chốn, có da có thịt, sau này được điều động lên làm Trạm trưởng, rồi Giám đốc Công ty thuỷ nông của một huyện. Nhưng có một kỷ niệm in dấu không mờ trong con tim của lão đối với người vợ  xấu số là lần lão bị viêm khớp cấp. Thời đó mới vừa giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước, hàng hóa khan hiếm từ cái khăn mặt chứ đừng nói thuốc Tây thuốc ta. Lục tìm mãi, lão chợt nhớ còn một lọ thuốc khớp từ thời bà nội để lại, hết hạn dễ đến chục năm. Đau quá, lão bảo vợ lấy cho lão uống, nhưng mụ vợ lão cứ nhất định không đồng ý vì sợ lão chết. Mãi gần một tiếng sau, mụ vợ lão mới mang vào cho lão uống. Sau này lão mới biết là mụ vợ lão đã uống thử trước, nếu có mệnh hệ chi thì mình chịu thay chồng. Một người đàn bà đức độ thương chồng như thế, dễ mấy ai gặp được trên đời? Thế mà khi đời sống gia đình trở nên sung túc, có điều kiện để lão trả cái ơn sâu của vợ, vợ lão lại đang tâm bỏ lão mà đi. Cứ mỗi khi nghĩ lại, lòng lão lại xa xót. Một người đàn bà nết na, chung tình và tài năng như thế mà không vượt nổi một cái cầu ao…

Trời đã vào hè. Mặt trời xuống núi từ lâu mà vẫn còn nóng nực. Lão Học cứ nằm nghĩ vẩn nghĩ vơ. Nếu không nghe có tiếng chân người bước vào thì lão còn nằm chưa biết lúc nào mới dậy bỏ nắm gạo vào cái xoong nhôm nhỏ  mà bật lửa nấu cơm, ăn cho xong bữa. Nghe có tiếng bước chân người vào sân? Lão ngồi nhổm dậy xem là ai? Lão thấy mụ Trọng đang cầm cái rổ sảo to tướng đi vào. Dáng đi, nước bước của mụ xem ra còn mềm dẻo. Mái tóc vừa dài vừa dầy được vén lên, buộc gọn ghẽ phía sau, đen nhưng nhức. Đôi bờ vai tròn lẳn như vai con gái, cỡ này vẫn còn dai sức lắm. Đến giữa sân, mụ Trọng đứng lại, quay hẳn người về phía lão đang nằm, bảo là cho mụ xin một rổ bèo. Mụ cố ý xắn quần cao đến tận bẹn, cặp đùi gái chân dài trông nần nẫn,  quần vải phin trắng, lốm đốm màu hoa cải  mỏng tang. Nhìn cơ thể mụ Trọng nổi gồ nổi múi rất gợi cảm. Nhưng lão Học không nhìn lâu, lão cho như thế là không đứng đắn. Lão bảo mụ là cứ tự nhiên ra ao mà vớt bèo, muốn vớt bao nhiêu cũng được. Nói xong, vẻ chán chường, lão buông tiếng thở dài rồi lại nằm ệch xuống cái giường đơn độc…

Bỗng nghe tiếng rơi xuống ao đánh “tùm”! Có người ngã xuống ao? Chắc là mụ Trọng rồi! Lão hốt hoảng cởi vội áo ngoài, mặc độc cái quần cộc chạy vội ra. Ở giữa ao, mụ Trọng đầu chúc xuống nước, hai cái chân khua đập thình thình, nước bắn tung toé ra xung quanh. Làm sao mà mụ bơi ra giữa ao được? Vừa bực tức, vừa hoảng hốt, lão lao người xuống nước, bơi ra. Lão có tài bơi lội từ thời trai trẻ, đã mấy lần đoạt giải cấp huyện rồi tỉnh. Lão bơi đến cái cọc xa nhất, nơi mụ Trọng đang chúc đầu xuống nước, bộ mông lồng bàn nổi phập phềnh trên mặt ao.

Lão ngụp xuống dưới, húc đầu vào ngang bụng mụ Trọng đội bổng lên nhưng mụ vẫn không chịu bỏ tay khỏi đoạn cọc tre. Chắc là mụ hoảng quá nên mất phương hướng đó thôi. Nghĩ thế, một tay ôm ngang người mụ, một tay lão nhẹ nhàng gỡ mấy ngón tay mụ khỏi cái cọc. Khó khăn lắm lão mới gỡ được bàn tay mụ. Mụ Trọng buông tay khỏi đoạn cọc tre nhưng lại ôm riết lấy lão. Mụ ôm chặt đến nỗi lão không tài nào bơi được. Lão suýt phát cáu, lão đã đóng cọc rồi mà mụ cứ ôm chặt lấy lão. Mụ làm như lão là cái cọc không bẳng! Cặp chân dài của mụ cứ quắp chặt lấy bụng lão. Nhờ ở dưới ao có áp lực nước đẩy, nên lão Học cũng không thấy nặng cho lắm. Trong ánh sáng chiều đang mờ dần, mụ Trọng quần áo mỏng tang,  dính bết vào người, trông chỉ thấy toàn da với thịt. Lão Học lúng túng không biết làm thế nào. Gọi hàng xóm thì nhà nọ cách nhà kia đến vài trăm mét, khó mà nghe thấy. Mà nhỡ họ có nghe, chạy đến, nhìn thấy tình trạng người đàn ông mặc quần cộc, ôm người đàn bà gần như trần truồng như thế này, giải thích ra làm sao đây?

Mụ Trọng cứ khư khư ôm lấy lão mỗi lúc một chặt, rồi mụ thả lỏng, tụt dần, tụt dần xuống thấp hơn giống như con mèo cái đang tụt xuống gốc cau già. Tim mụ đập thình thịch, thở hổn hển. Ở dưới nước mà người mụ nóng hôi hổi. Đột nhiên mụ không tụt nữa mà dừng lại và càng ôm chặt lấy lão Học hơn. Có cái vật gì đó mềm mềm, nong nóng cứ áp sát vào lão. Mụ trọng cứ run lên như đang lên cơn sốt. Hình như người đàn ông lâu nay ngủ quên trong người lão Học đã thức dậy. Lão cảm thấy có một cái gì đó trong người lão đang cựa quậy mạnh mẽ. Lão cảm giác toàn thân cứng đơ, mạch máu chạy rần rật.  Khi lão Học đưa được mụ Trọng vào bờ thỉ cả hai người trong trạng thái mệt phờ, áo quần lỏng lẽo, nhếch nhác không còn ra thể thống gì nữa. Có một vệt máu đỏ lòm đang rỉ ra chảy từ phía trên xuống theo cặp đùi vừa to vừa trắng như lợn cạo của mụ Trọng. Lão Học hoảng hốt vạch quần mụ lên xem, thì ra ngay sát chỗ múi thịt dầy dầy phồng  tấy lên như bị ong đất vừa mới đốt, một con đỉa mén theo mạch ruộng chui vào ao đã tranh thủ lúc hai người dầm nước bám vào hút máu. Khi hai cơ thể rời nhau, cũng là lúc con đỉa  đã no nê, nhả luôn vòi. Máu từ chỗ đỉa cắn cứ ri rỉ chảy ra, loáng đỏ trên làn da đùi trắng phau phau của mụ Trọng. Mụ Trọng dáng ỏn ẻn, có vẻ thẹn, mắt nhìn xuống đất, bàn chân phải cứ di đi di lại. Sau rồi mụ lí nhí chào lão Học,  cắm đầu chạy về nhà. Nước trên người mụ từng giọt từng giọt chảy tong tong đổ thành vạch dài ướt nhoẹt trên mặt sân  gạch lát.

  Đêm lặng lẽ buông xuống.  Sau khi tắm rửa sạch sẽ, mụ Trọng hai tay bưng nồi cháo gà còn đang bốc hơi, thơm phức mùi hành hoa sang nhà lão Học,  có ý là tạ ơn lão đã liều thân cứu sống mụ. Từ thân thể mụ, mùi nước hoa  như đánh thức khứu giác lão Học. Lão học thấy phớn phở như đứa trẻ được mẹ khen rồi cho quà. Đêm hè vắng, chỉ còn nghe âm âm tiếng côn trùng nỉ non than khóc ngoài bờ ao. Trong nhà, hhai người cứ ngồi ăn cháo gà với nhau đến tận khuya. Lão Học say. Be rượu mụ Trọng lấy trên bàn thờ chồng mang sang, lão cạn đến giọt cuối cùng. Tự nhiên, không rõ vì sao, giống như con ma men xui khiến, lão Học  tỏ ý ân cần, thầm thì bảo mụ vạch quần lên cho lão xem vết đỉa cắn ban chiều có còn chảy máu không(?)

Ban đầu thì mụ Trọng còn ngần ngại, sau rồi mụ thận trọng nhìn ra ngoài ngõ, thấy cả làng hình như nhà ai cũng cửa đóng then cài, không một tiếng chó sủa, chắc chắn mọi người đã chìm trong giấc ngủ say sau một ngày bận việc đồng áng. Mụ mới nhẹ nhàng dắt tay lão đi lại phía cái giường đơn độc lâu nay lão vẫn nằm, hít hà một hơi dài như thể nơi miệng con đỉa mén cắn vẫn đang còn xót lắm, rồi từ từ kéo cái cạp quần luồn bằng sợi giây chun hờ hững, mụ giúi cái đầu lão xuống, bảo chỗ này này…

Lão Học như ngợp thở trước cơ thể ngộn ngộn của người đàn bà góa. Tim lão đập thình thịch như trống làng. Lão như đơ ra một lúc, rồi theo bản năng, lão kéo mạnh cái cạp quần của mụ Trọng cho đứt tung. Mụ Trọng lim dim hai con mắt, vẻ đắc ý, cứ phưỡn ra cho lão xem…

Sáng hôm sau, mặt trời lên đến nửa cây sào, lão Học mới tỉnh dậy. Nhớ lại chuyện đêm qua, lão cảm thấy xấu hổ và ân hận lắm. Có mùi cháo hành đâu đây thơm phức? Lão nhìn sang chiếc bàn gỗ kê ở gian giữa. Có một chiếc lồng bàn  đậy một món gì đó. Mụ Trọng chả biết dậy từ khi nào, đã đặt một bát cháo gà, cút rượu, đĩa ớt đỏ tươi, kèm lát chanh thái sẵn,  đợi khi nào lão dậy, để lão điểm tâm sáng. Lão thấy trong người thật thư thới. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu. Có tiếng chim chào mào hót líu tíu ngoài mạn bờ ao. Buổi sáng mùa hè thật mát mẻ. Có lẽ từ cái ngày người vợ xấu số bỏ lão mà đi, mãi đến hôm nay, lão mới được cảm giác như thế. Trong khi lão đang nhấm nháp hương vị ngọt ngào của bát cháo gà và chuyện nồng nàn chăn gối đêm qua thì nghe có tiếng bì bùm ngoài ao. Tưởng lại có người ngã xuống ao, lão vội vàng bỏ bát cháo gà chạy ra xem. Lão tròn mắt khi thấy mụ Trọng đang bơi rẽ thành sóng trên mặt ao đầy ắp nước, thành thạo như thể vận động viên bơi lội. Mụ đang cố nhổ hết mấy cái cọc tre lão đóng. Thấy lão chạy ra, mụ vừa bơi, vừa ngoảnh lại nhìn rồi toét miệng cười. Mụ bảo  là phải nhổ hết các cọc tre đi, để thế, làm chỗ cho chim bói cá đậu, chúng sẽ bắt hết cá ao nhà mình…

Bây giờ mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời đang tỏa ánh nắng xiên xuống khu vườn,  nếu ai có việc đi ngang qua nhà lão Học, sẽ thấy một người đàn bà dáng cao ráo, nét mặt đoan trang,  thùy mị ngồi bên cầu ao giặt chiếu hoặc vớt bèo. Phía bờ bên kia, dưới tán cây trứng cá, một lão già tóc lốm đốm bạc ngồi buông câu. Mỗi khi giật được một con, lão già lại cười tủm tỉm, nói vọng sang phía cầu ao với người đàn bà đang giặt chiếu: – Bà vào chuẩn bị đồ mà nấu riêu cá nhé! Tôi giật được con cá bự rồi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *