Ô nhiễm không khí Hà Nội: “Hở” ra là mắc bệnh
Gần 10 ngày nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tất tả chăm sóc con trai hơn 1 tháng tuổi đang phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Con chị Oanh được chẩn đoán viêm phổi. Do con còn quá bé khiến vợ chồng chị vô cùng mệt mỏi, khuôn mặt lộ rõ lo lắng.
“Trước đó, con trai lớn của tôi cũng có biểu hiện khò khè, sốt nhẹ. Tuy nhiên, sức đề kháng của cháu tốt hơn nên không phải đi viện. Còn con thứ 2 mới hơn 1 tháng cũng biểu hiện tương tự nhưng diễn biến nhanh gia đình tôi đưa đi viện thì cháu đã viêm phổi nên được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên. Mấy hôm nằm ở viện con thường xuyên quấy khóc sót cả ruột. Hiện cũng chưa rõ nguyên nhân con bị làm sao nhưng gia đình cũng nghĩ có thể lây từ mọi người hoặc do điều kiện thời tiết thay đổi ảnh hưởng tới sức khoẻ”, chị Oanh cho hay.
Theo chị Oanh, những tháng vừa qua chị cũng thường xuyên theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội qua các ứng dụng. Nhiều ngày, Hà Nội được cảnh báo ô nhiễm môi trường đứng đầu thế giới khiến chị cũng cảnh giác. Đi đâu ra ngoài chị đều đeo khẩu trang. Ở nhà gia đình chị cũng bỏ số tiền gần 10 triệu đồng sắm máy lọc không khí.
“Không biết con bị có phải do không khí ô nhiễm không hay do lây từ người lớn nhưng tôi cũng cảnh giác hơn. Hiện con thở oxy ngắt quãng, nếu ổn định gia đình xin chuyển viện về tuyến dưới hoặc về nhà. Người thân trong nhà cũng phải vệ sinh mũi họng, bật máy lọc không khí để đảm bảo sức khoẻ hơn”, chị Oanh chia sẻ.
Còn với chị Mai Liên (41 tuổi, ở Hà Nội) có con 3,5 tháng nhưng phải đi viện 2 lần cho biết, bản thân cứ thời tiết chuyển mùa, thay đổi là con chị lại bị viêm phổi.
“Hồi con được hơn 1 tháng phải điều trị viêm phổi mất 21 ngày ở viện. Giờ thay đổi thời tiết, con lại tái lại. Lo ngại thời tiết ảnh hưởng, con yếu tôi cũng không dám đưa con ra ngoài, chủ yếu ở trong nhà. Đêm con quấy khóc mình vừa mệt vừa sót ruột”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh lý hô hấp diễn ra quanh năm, trong giai đoạn giao mùa bệnh có xu hướng gia tăng. “Các bệnh lý hô hấp thường gặp như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Tuỳ theo từng năm mà lượng bệnh nhân viêm đường hô hấp khác nhau. Giai đoạn trong Covid-19 bệnh nhân vào viện do bệnh lý hô hấp tạm giảm xuống. Nhưng sau đại dịch, do sự biến đổi về miễn dịch, tỉ lệ mắc bệnh lý hô hấp tăng lên rõ rệt và có xu hướng biến đổi khó lường…”, PGS Hanh chia sẻ.
PGS Hanh cũng cảnh báo mọi người nên chú ý giữ gìn sức khoẻ trong giai đoạn thời tiết giao mùa gần đây. “Bệnh viện Nhi Trung ương là tuyến cao nhất tiếp đón bệnh nhân ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đặc biệt khu vực miền Bắc và Hà Nội. Đã có rất nhiều nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như trên thế giới về căn nguyên gây viêm phổi nói riêng, viêm đường hô hấp nói chung về tác nhân vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Tôi nghĩ trong tương lai cần có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm không khí góp phần vào quá trình bệnh lý như thế nào mới cho câu trả lời chính xác nhất”, bác sĩ Hanh nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm hô hấp cũng cảnh báo, để phòng bệnh hô hấp các gia đình phải chăm sóc tốt phụ nữ mang thai để sinh ra những trẻ khoẻ mạnh; trẻ nhỏ cần được bú mẹ, nuôi dưỡng tốt, tiêm phòng đầy đủ; khi phát hiện triệu chứng bị bệnh cần đưa con đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán sớm điều trị kịp thời.
“Bệnh viện Nhi Trung ương là tuyến cao nhất tiếp đón bệnh nhân ở tất cả các tỉnh, thành trong nước đặc biệt khu vực miền bắc, Hà Nội, thông thường giai đoạn gần đây mắc bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn, virus. Vi khuẩn có thể gặp vi khuẩn không điển hình, virus hô hấp cũng tăng lên do biến đổi khí hậu, hoặc biến đổi miễn dịch sau Covid-19.
Có rất nhiều nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng như nước ngoài về căn nguyên gây viêm phổi nói riêng, viêm hô hấp nói chung về tác nhân vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm. Tôi nghĩ trong tương lai phải nghiên cứu kỹ về vấn đề ô nhiễm không khí gây bệnh thế nào, mức độ ô nhiễm như thế nào để gây bệnh mới cho câu trả lời chính xác nhất”, bác sĩ Hanh nhấn mạnh.
Ô nhiễm không khí Hà Nội: “Thủ phạm” âm thầm của nhiều loại bệnh
Ở Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng trong ngày ô nhiễm không khí ở mức cao.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, ô nhiễm không khí còn làm tổn hại đến da. Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, vào thời điểm giao mùa, mức ô nhiễm tăng thì số bệnh nhân khám liên quan đến các bệnh về da cũng tăng. Nhiều nhất là các bệnh nhân bị viêm da dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa.
Theo bác sĩ Thành, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do khói bụi, khí thải như NO2, CO, SO2 tạo thành các hạt bụi mịn (dạng lỏng hoặc rắn) có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/40 hạt cát.
“Các chất này có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá mề đay, lão hoá da. Ô nhiễm không khí còn làm cho một số da kém đáp ứng điều trị nặng lên và dễ tái phát. Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hoá da, tổn thương da, thậm chí gây ung thư da do tác động các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Báo cáo về tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 đến sức khoẻ cộng đồng tại Hà Nội năm 2019 do các trường Đại học Quốc gia Hà Nội công bố năm 2021 cho thấy Hà Nội có gần 2.900 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân và chiếm 12% số ca tử vong trên 25 tuổi ở Thủ đô.
Trao đổi với chúng tôi, nguyên giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương chia sẻ, ô nhiễm không khí không tác động luôn mà “âm thầm” và lâu dài gây ra một số bệnh. Với những người mắc bệnh mạn tính hay những người bị hen suyễn chuyển mùa sẽ ảnh hưởng, ngoài ra còn có bệnh viêm phổi và một số chuyển hoá khác.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, khi chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng từ 151-200, cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với người nhạy cảm cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc cần gắng sức; nên thực hiện các hoạt động như vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Chỉ số đo chất lượng không khí ở Việt Nam được chia làm 6 cấp. Trong đó, ngưỡng đỏ với chỉ số AQI từ 151-200 là ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người, khuyến cáo mọi người bắt đầu chịu tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí.
Ngưỡng tím với chỉ số AQI từ 201-300 là ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài. Ngưỡng nguy hiểm nhất là ngưỡng nâu với khuyến cáo mọi người có thể bị tác động sức khỏe nghiêm trọng, nên ở trong nhà với chỉ số AQI trên 300.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm khoảng 60.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5, đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, người lao động và cộng đồng xung quanh các cơ sở công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thường có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh bụi phổi, viêm phế quản, bệnh điếc do tiếng ồn.
Còn nữa!