Bất chấp chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều nhà thuốc vẫn bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024.
Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều người có biểu hiện mắc cúm A nhưng không đi khám, tự test và mua thuốc điều trị.
Nhiều nhà thuốc vẫn bán thuốc kê đơn Tamiflu mà không cần có đơn thuốc. Clip: Nhóm PV
Ngày 12/2, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Y tế; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa.
Nhiều nhà thuốc tại Hà Nội mua thuốc Tamiflu (kháng virus cúm A) vô cùng dễ dàng, đặc biệt mỗi nơi một giá và không cần đơn. Ảnh cắt từ clip
Đáng chú ý, để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị, trong đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công văn số 3847/QLD-KD ngày 2/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 7/2/2025 của Cục Quản lý Dược về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ. Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Nhà thuốc lớn T.M ở chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Thế nhưng, theo thực tế ghi nhận của PV Dân Việt ngày 14/2, nhiều nhà thuốc tại Hà Nội bán thuốc Tamiflu (kháng virus cúm A) rất dễ dàng, không cần đơn và mỗi nơi một giá.
Tại nhà thuốc lớn T.M, ở chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khách ra vào mua thuốc cả ngày. Đây cũng là khu vực có cư dân đông bậc nhất thủ đô.
Nhà thuốc T.M bán giá 53.000 đồng/viên Tamiflu là thuốc kê đơn nhưng không cần đơn. Ảnh: Gia Khiêm
Tại đây, khi được chia sẻ có người nhà có biểu hiện sốt cao, nghi do cúm A nhưng không đi bệnh viện khám, nữ nhân viên bán thuốc cho biết, thường điều trị cúm A 3-5 ngày bằng thuốc Tamiflu. Giá 53.000 đồng/viên nhưng không cần đơn thuốc. Tương tự, người này cũng tư vấn và bán cho một người dân đến mua một hộp Tamiflu và nói uống mỗi ngày 2 viên, mỗi viên cách nhau 12 tiếng.
Bán không cần đơn thuốc vì “linh động cho khách”
Tương tự, tại nhà thuốc Pharmacy, ở đường Nguyễn Xiển, Hà Nội, khi được hỏi thuốc Tamiflu không có đơn thuốc có mua được không, nữ nhân viên bán thuốc cho biết: “Được, thực ra đúng quy trình phải có đơn thuốc của bác sĩ nhưng ở nhà thuốc linh động cho khách hàng”. Sau đó, người này tư vấn thông thường mỗi ngày uống 1, 2 viên Tamiflu, trong 5 ngày với giá 69.000 đồng/viên.
Tại nhà thuốc Pharmacy, ở đường Nguyễn Xiển, Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ảnh: Trịnh Trọng
Nhà thuốc P.M ở đường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội cũng bán Tamiflu với giá 750.000 đồng/hộp (10 viên). Tại đây, nhân viên nhà thuốc cũng thoải mái bán Tamiflu cho khách mà không cần đơn của bác sĩ.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm và đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Nếu để đến lúc nặng rồi mới đi viện khám, điều trị sẽ tốn kém và khó khăn.
Nhà thuốc P.M ở đường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội bán với giá 750.000 đồng/hộp (10 viên) và không cần đơn của bác sĩ. Ảnh: Trịnh Trọng
Hộp thuốc được nhà thuốc giao cho khách. Ảnh: Gia Khiêm
“Mọi người không tự ý mua kháng sinh dùng vì kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này. Bên cạnh đó, mọi người không tự ý mua thuốc kháng virus uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng”, bác sĩ Khiêm khuyên.
Ngoài ra, chuyên gia y tế cũng khuyên rằng người dân không nên tự ý mua và sử dụng test nhanh. Xét nghiệm test nhanh cúm thường có độ nhạy tương đối thấp vì vậy ngay cả khi có kết quả test nhanh âm tính với cúm cũng không nên bỏ qua cúm, đặc biệt là với bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và có suy hô hấp hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng. Do đó, cần đến viện test để có được kết quả chính xác cao hơn.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán thuốc nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
PV Dân Việt đã liên hệ với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhưng chưa nhận được phản hồi về vấn đề này. Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin!