BẠO LỰC: MỘT SỰ BIỂU ĐẠT MANG TÍNH PHÁ HOẠI

Nhắc đến bạo lực, lòng tôi lại nặng trĩu. Xung quanh chúng ta tồn tại quá nhiều bạo lực. Nhẹ thì như đứa trẻ giẫm nát một con ốc sên, nặng thì như quả bom hủy diệt cả một thành phố. Kể từ khi các sinh vật bắt đầu tồn tại trên thế giới này, bạo lực chưa từng biến mất. Có lẽ nó không bao giờ có thể biến mất.

Tính hung hăng gây ra bởi bạo lực trực tiếp, chủ động và mang tính phá hoại.

Lưu ý rằng bạo lực và vũ lực là hai khái niệm khác nhau. Chúng đều là một loại sức mạnh, nhưng động cơ không giống nhau. Có thể hiểu rằng bạo lực bao gồm vũ lực, nó là một sức mạnh bất bình đẳng và mang tính ép buộc, còn vũ lực chỉ là một cách thức, không mang sắc màu tình cảm mạnh mẽ và không tồn tại sự bình đẳng hay không bình đẳng. Ngoài việc giỏi sử dụng vũ lực, những người sử dụng bạo lực cũng có sở trường trong việc sử dụng ngôn ngữ, chẳng hạn như xúc phạm người khác bằng những lời nói khó nghe. Bạo lực ngôn ngữ rất phổ biến xung quanh chúng ta, nó khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm và hạ thấp lòng tự trọng.

Một người sử dụng bạo lực vì anh ta cần người khác phục tùng mình. Hơn nữa, kiểu phục tùng này không có chỗ cho sự thương lượng. Người sử dụng bạo lực không coi đối phương là một con người có cảm xúc mà coi người đó như một món đồ vô tri vô giác. Người sử dụng bạo lực sẽ có được cảm giác quyền lực vô cùng to lớn, thậm chí là cảm giác ưu việt, mà bạo lực hủy hoại ý chí của người bị bạo hành, khiến họ sợ hãi và buộc phải khuất phục. Sự không tôn trọng do bạo lực mang lại khiến người bị đối xử bạo lực cảm thấy tủi khổ, nhục nhã, sự tủi khổ này lại gây ra nhiều bạo lực hơn.

Những người có xu hướng bạo lực đối với người khác hầu hết đã từng bị ngược đãi trong quá khứ. Những trải nghiệm đó vô cùng đau đớn và thảm thương. Một cô gái đã kể cho tôi nghe về chuyện chứng kiến cảnh người cha đánh đập chị gái khi cô ấy còn nhỏ. Cô ấy nói rằng mình rất muốn lao tới cứu chị gái, nhưng lại chứng kiến cảnh mẹ vì muốn giải vây cho con gái mà cũng bị cha đánh theo. Cô ấy cứ như vậy mà lớn lên, đến khi bước vào quan hệ hôn nhân, vẫn phục tùng chồng mình và cha mẹ chồng như một thói quen. Gia đình trông có vẻ rất hòa hợp, cho đến khi cô ấy sinh con. Cô ấy không còn khả năng kiên nhẫn trước sự náo loạn của con mình. Cô ấy nói rằng, khi tâm trạng nóng nảy quá khích, cô cứ thế đánh con mà hoàn toàn không có cảm giác gì, nhưng sau khi mọi chuyện qua đi sẽ cảm thấy vô cùng áy náy và tội lỗi.

Điều tôi đang cố gắng thể hiện cho các bạn là: Đa số những sự bạo lực trong cuộc sống đều bắt nguồn từ chính chúng ta. Đằng sau bạo lực là những tổn thương vô cùng đáng sợ và quan trọng hơn là không có ai làm gì cho những tổn thương này. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra việc bạo lực sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ, họ nghĩ rằng đây là chuyện thường tình.

“Thương cho roi cho vọt”- câu tục ngữ này đã sinh ra hàng loạt thế hệ bên ngoài gai góc bên trong mềm yếu. Nhiều người lớn lên dưới đòn roi, nếm thử mùi vị của chúng cũng chọn cách tán thành phương pháp này, trở nên hung hăng như người cầm roi. Tâm lý học có một kiểu phòng vệ gọi là tán thành người phản kháng, có nghĩa là khi một người vô cùng sợ hãi, anh ta sẽ chọn cách tán thành với kẻ mạnh hơn, trở thành người giống như vậy để có được sự an toàn tạm thời.

Bạo lực gây ra nỗi sợ hãi. Việc lý giải những nỗi sợ hãi này giúp chúng ta có thể hiểu được ảo tưởng và thực tế của những sự bạo lực này.

Bạo lực có liên quan đến sự kìm nén. Nhiều người có hành vi bạo lực thường ngày có thể bình dị dễ gần, điềm đạm hòa nhã. Tuy nhiên, đằng sau sự điềm đạm ấy có thể tích tụ rất nhiều cảm xúc giận dữ, sợ hãi và đau khổ. Bởi vì không thể và cũng không dám thể hiện, những cảm xúc này luôn bị kìm nén và không thể tiêu tan, cuối cùng như núi lửa phun trào biến thành biểu hiện mang tính phá hoại – bạo lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *