BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – VẤN ĐỀ CŨ THÁCH THỨC MỚI.

Em từng là nạn nhân của bạo lực học đường, là nạn nhân của bạo lực bằng lời nói.

Hồi cấp 1, em là đứa học giỏi nhất lớp, giáo viên trước ngày thi luôn sắp lại chỗ ngồi, cho bạn học giỏi ngồi xung quanh học kém để dễ trao đổi bài, giúp các bạn lên lớp. Em rất bất mãn vì hành động này. Hôm đó là kiểm tra cuối kì 1 lớp 3. Em không muốn cho bạn chép toàn bộ bài nên chỉ nhắc 1-2 bài nhỏ. Sau buổi đấy em bị cả lớp cô lập vì không mách bài bạn. Mẹ em biết chuyện và gọi điện cho giáo viên. Buổi học hôm sau cô đã trách mắng cả lớp vì cô lập em và bắt cả lớp xin lỗi em. Sau đấy, trước mặt cô thì xin lỗi nhưng sau lưng lại không ngừng tra tấn tâm lý em. Em đã sợ và khóc rất nhiều nhưng không dám nói lại với mẹ. Em sợ mọi chuyện sẽ càng tệ hơn.

Sau đấy em rất sợ cảm giác bị bỏ rơi, sợ sống với cảm xúc thật của mình. Suốt những năm dài cấp 2 em luôn suy nghĩ mọi việc, sợ rằng bị cô lập. Thêm đó em nỗ lực học tập vì sợ ngu dốt lúc bị bỏ rơi sẽ thảm hại.

Sau khi vào c3, em muốn bản thân là tiếng nói cho bạo lực học đường, không muốn cam chịu như vậy nữa. Càng cố gắng em càng phát hiện ra, chỉ sợ bản thân không đủ giỏi, đủ xuất sắc để gặp người tốt, chứ không sợ những kẻ kém cỏi hơn mình đè mình xuống. Và rồi em gặp được những người ưu tú và tài giỏi, cũng hiểu rằng chỉ khi bản thân đứng lên phản kháng thì mới tốt hơn mà thôi.

Cho tới hiện tại, bản thân tuy vẫn còn ám ảnh về những ngày tháng đó nhưng em biết rằng ngoài bản thân thì chẳng ai có thể đưa mình ra khỏi bóng đêm đó. Dù có người dắt tay thì việc đầu tiên cần làm là bước đi những bước run rẩy đầu tiên, chỉ khi dám bước đi thì mới có thể tìm thấy ánh sáng. Nếu cứ im lặng thì bản thân sẽ chết mòn trong bóng ma tâm lý của bản thân.

Việc nạn nhân làm không nên là im lặng mà là cất lên tiếng nói yếu ớt của mình. Vừa rồi xem “Thiên nga bóng đêm” có một câu thoại của Rael khiến em có ấn tượng sâu sắc “Cơn thịnh nộ của tôi có vẻ yếu nhưng nó cho tôi sức mạnh để làm bất cứ điều gì sâu thẳm trong trái tim mình.” Đúng vậy, khi bạn còn cảm thấy tức giận, thấy bất công, thấy bản thân cần phản kháng thì hãy làm như vậy, dù nhỏ bé, dù khó khăn nhưng xin bạn hãy tiếp tục, đừng dừng lại.

Có bao nhiêu nạn nhân của bạo lực học đường dám lên tiếng, có bao nhiêu người nhận ra hành vi của mình là tấn công ngôn ngữ, có bao nhiêu kẻ ngoài kia vẫn nghĩ hành vi của mình là bình thường, có bao nhiêu kẻ coi nạn nhân là đứa không bình thường nên xứng đáng bị kì thị. Vẻ khác biệt của mỗi người không phải là cái cớ cho một vụ bắt nạt.

Thêm vào đó, những người mang danh “người lớn” hãy biết đúng cách để bảo vệ một đứa trẻ đang chịu bạo lực học đường, đừng hành động qua quýt, cho xong việc, để rồi chính những hành động ấy đẩy đứa trẻ xa hơn xã hội, tiến gần hơn vào bóng ma tâm lý.

Cuối cùng “XIN ĐỪNG LÀM NGƠ TRƯỚC MỘT VỤ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG”, bạn đâu biết rằng câu nói bảo vệ ấy chính là cọng rơm cứu mạng một người. “XIN ĐỪNG IM LẶNG” chính việc im lặng đã tiếp tay phần nào cho những hành vi sai trái tiếp tục được thực hiện. Là một bậc cha mẹ “HÃY LÀ CHỖ DỰA CHO CON, DẠY CON TƯ DUY PHẢN BIỆN”, để ít nhất con không bị thao túng, để bản thân biết con có đang bị bạo lực học đường không, để can thiệp một cách sớm nhất. Những người ngoài cuộc hãy dừng “ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN”. Nếu ai lên tiếng cũng bị chỉ trích vậy còn ai dám lên tiếng?

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG LÀ VẾT DAO RẠCH LÊN TUỔI THƠ CỦA MỖI ĐỨA TRẺ, HÃY NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *