BÃO KIẾN VÀ BÃO TẤT

#VN #ĐạiNam #TâySơn

Khi đọc trong Đại Nam thực lục về thời Tây Sơn (và cũng có khá nhiều tư liệu khác dùng nguồn này viết lại) có đề cập đến một cái lễ “Bão tất” khi Quang Trung qua diện kiến vua Thanh thì phải quỳ tới trước mặt Càn Long đang ngồi trên ngai để ôm gối, tỏ lòng thân thiết như thể “cha con”, đây cũng là lý do tại sao khi nhắc đến vấn đề ngoại giao thời Tây Sơn thì các nghiên cứu đều khá dè dặt, bởi vì cho dù là vua thật hay vua giả, hành lễ này quả thực rất nhục nhã và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể diện quốc gia.

Tuy nhiên, khi lục lại các điển tịch của nhà Thanh trong các nghi lễ thì tuyệt nhiên không có cái lễ này, thậm chí cái từ “Bão tất” cũng hầu như không được nhắc đến trong các văn tịch của Trung Hoa, mà ngược lại nó từng xuất hiện ở nước ta, dưới thời Minh Mạng, lễ đó như sau:

Người “được thưởng” lễ bão tất, lúc này sẽ được Viên bộ binh dẫn xuống đến trước chỗ vua ngồi, giắt hốt vào đai, đi bằng đầu gối tiến lên, vua ngồi trên ngai duỗi một chân ra, người đó đưa hai tay ôm lấy gối vua, ngẩng đầu lên, khấu đầu một cái, rồi sau đó lại đi ra bằng đầu gối, cầm hốt lại, bái lạy tạ ơn, rồi nhận thưởng rượu, xong lại tiếp tục vái lạy

Lễ này được phát minh vào thời vua Minh Mạng đặt ra thưởng cho công thần để “tỏ cho ta biết là ta coi họ như lũ hoàng tử mua vui dưới gối …” – Nguồn: Đại Nam thực lục chính biên, tr 291, và được sử dụng tổng cộng ba lần: Lần 1 năm 1835 thưởng cho Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển và Tạ Quang Cự khi tiễu trừ nổi loạn của Nông Văn Vân, lần 2 cũng là năm 1835 vào tháng 7, cho Nguyễn Xuân và Phạm Hữu Tâm, lần 3 năm 1837 thưởng cho Trương Minh Giảng, và cũng là lần cuối cùng cái lễ này được sử dụng – Có tướng 80 tuổi vẫn được “tỏ ra trẫm coi như hoàng tử, khi vui quấn quýt ở dưới gối”.

Còn điển lễ mà Quang Trung (hoặc giả vương) thực hiện với Càn Long khi ấy là lễ “Bão kiến thỉnh an”, được ghi lại trong bức thư của Phúc Khang An gửi cho Nguyễn Huệ như sau:

“… Phàm các bầy tôi vào triều cận, thường là nghi lễ bình thời, (còn như) bão kiến thỉnh an, ấy là vượt hẳn điển lệ, trước đây chỉ có tướng quân Triệu Công khi bình định Hồi bộ trở về, và tướng quân A Công khi bình định Kim Xuyên xong, ca khúc khải hoàn vào triều kiến hoàng đế, hoàng thượng muốn tướng sĩ ra sức, khi đó mới ban hành đại lễ này. Còn như ban cho đai màu kim hoàng, thì cực kỳ phi thường, đến như ngự bút viết bằng chữ son, thuộc quốc lại càng khó được. Thế mà ngày nay quốc vương ở phương nam mới thần phục, mọi thứ đều được cả, thật là khó gặp được ai vinh sủng đến thế.”

Theo điển lễ nhà Thanh, khi triều kiến hoàng đế, bất cứ ai cũng phải thực hiện tam quy, cửu khấu (quỳ ba lần, dập đầu chín lần), chỉ riêng lễ bão kiến thỉnh an, nhà vua sẽ bước xuống ngai vàng ôm lấy người đó (bão kiến) để chứng tỏ sự ưu ái và quan thiết đồng thời hỏi thăm (thỉnh an). Tục lệ này bắt nguồn từ dân du mục dùng khi Đại Hãn đón các tướng thắng trận trở về, sau khi nhà Thanh làm chủ Trung Nguyên được cải biến thành một trọng lễ dành riêng cho một số công thần hoặc khách quý đặc biệt.

Điển lễ này trong cả cuộc đời Thanh Cao Tông chỉ được thực hiện với 3 người:

Người đầu tiên là Triệu Công tức Triệu Huệ, gốc Chính Hoàng Kỳ, là cháu gọi Hiếu Cung Nhân Hoàng Hậu (mẹ Ung Chính) là cô, vai vế là em họ của Càn Long, từng lập công trong chiến dịch bình định Kim Xuyên, thanh sát Tây Tạng, và đề ra sách lược chiếm lấy xứ này, đem quân đánh Hồi Cương từ năm 1755 đến năm 1761, từng bị vây 3 tháng trời, lương cạn phải ăn thịt người để sống, thoát chết trong hiểm cảnh nhiều lần một cách thần kỳ nên được tặng hiệu “phúc tướng”, là người có công rất lớn trong việc biến cả một vùng đất rộng lớn của người Hồi sát nhập vào lãnh thổ Trung Hoa dưới cái tên là Tân Cương, sau chiến dịch được phong làm Nhất Đẳng Võ Nghị Mưu Dũng Công, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Thái Tử Thái Bảo, được vẽ hình treo trong Tử Quang Các.

Còn A Công, tức A Quế, thuộc bộ tộc Chương Giai, Chính Lam Kỳ Mãn Châu, là người đứng đầu Quân Cơ Sứ trong rất nhiều năm, cơ quan quan trọng nhất đề ra các sách lược quân sự và quốc phòng của nhà Thanh, đến Hòa Thân cũng phải kiêng dè, công trạng rất dày. đáng kể phải nói đến lần bình định I Lê, Turkestan, Kim Xuyên, Đài Loan, Nepal, được treo hình trong Tử Quang Các, mười sáu bức tranh tái hiện chiến dịch đánh Tây Vực của ông ta vẫn còn được khắc thành mộc bản để lưu truyền.

Và người thứ ba được đón tiếp bằng lễ này là Quang Trung. Có thể thấy rằng trừ Nguyễn Huệ cả 2 người kia đều là người Mãn Châu với xuất thân cao quý, công lao cực kỳ hiển hách. Trong các thư từ qua lại, có thể thấy giọng văn cảm thán của Phúc Khang An khi bản thân là con của danh tướng Phó Hằng, cả nhà tận trung phục vụ triều đình, lập nhiều công lao hãn mã nhưng cũng chưa từng được hưởng vinh dự như thế.

Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn được ban mãng bào, hoàng mã quải, kim hoàng thính đái, cương ngựa cũng màu vàng, với sự phân cấp thứ bậc một cách nghiêm khắc như nhà Thanh, những vật này đều là để tượng trưng thân phận, và thứ bậc của Nguyễn Huệ lúc ấy là ngang hàng với cấp thân vương triều đình nhà Thanh, trên cấp các tướng lĩnh, vương thân quan lại người Hán, điều chưa từng có tiền lệ trong quan hệ ngoại giao của nước ta với Trung Hoa.

Đáng tiếc, điều này trong một thời gian dài, dưới sự phóng tác của các sử gia nhà Nguyễn, đã bị sửa lại thành một cái điển lễ rất nhục nhã, sỉ nhục quốc thể mà kể cả những người ủng hộ Tây Sơn cũng không muốn nhắc đến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *