BANG INDIANA SUÝT ĐÃ RA LUẬT KHẲNG ĐỊNH PI = 3.2 VÀ CÚ GIẢI NGUY PHÚT 89 NGĂN CHẶN LUẬT ĐÓ

Năm 1894, Edwin J. Goodwin – một nhà toán học nghiệp dư sống tại Indiana, Mỹ – đăng một công bố trên tạp chí American Mathematical Monthly về lời giải mà ông tìm được của một bài toán mang tên “Cầu phương hình tròn”. Đây là một trong những bài toán kinh điển thời điểm bấy giờ với nội dung sau:

Chỉ bằng một cây thước thẳng và một compa, có thể dựng một hình vuông có cùng diện tích với một hình tròn cho trước hay không?

Tuy nhiên, Goodwin không hề biết rằng, một nhà toán học khác là Ferdinand von Lindemann đã chứng minh việc cầu phương hình tròn là không thể vào năm 1882, hơn 12 năm trước khi ông công bố lời giải của mình. Mặt khác, lời giải của ông chứa nhiều lỗ hổng và sai sót từ tính toán của ông, trong đó ông đưa ra một hệ quả rằng π = 3.2.

Hào hứng trước việc đã tìm ra một “sự thật toán học tân tiến”, Goodwin nỗ lực tìm cách phổ biến và công khai công trình của ông cho công chúng, bao gồm cả việc đăng ký bản quyền phát hiện của ông. Tuy nhiên, lo rằng vấn đề bản quyền có thể khiến “phát hiện” của ông không được truyền dạy cho học sinh, năm 1897, ông đã vận động Nghị sĩ Taylor I. Record trình Dự luật 246 cho phép Indiana không phải trả tiền bản quyền nếu Hiến pháp bang này được tu chỉnh nhằm chấp nhận và khẳng định “sự thật toán học” của ông. Nội dung cụ thể của dự luật đề cập rằng “tỉ số giữa độ dài đường tròn và đường kính là năm phần tư trên bốn” (nói cách khác, khẳng định π = 3.2), chỉ trích giá trị π = 3.14 là “thiếu sót và bịp bợm khi xét về mặt ứng dụng thực tiễn”; dự luật cũng đề cập đến cách giải của ông về một số bài toán không tồn tại cách giải khác như “Chia ba góc” và “Nhân đôi lập phương” và có lời kết: “Và xin nhắc lại rằng những bài toán được đề cập trên đây đã bị thế giới khoa học từ bỏ như những bí ẩn không thể giải được và vượt quá năng lực lĩnh hội của con người.”

Bất ngờ rằng, khi Dự luật 246 được đem ra bầu tại Hạ viện, toàn bộ 67 hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu chấp thuận đem lên Thượng viện giải quyết. (không một ai trong Hạ viện bày tỏ hoài nghi về tính đúng đắn của dự luật này cả. KHÔNG. MỘT. AI.) Tin tức về sự lố bịch của dự luật dần được truyền khắp Indiana và đến được tai Giáo sư Clarence Abiathar Waldo (Đại học Purdue) lúc đó đang công tác tại Indianapolis, thủ phủ của bang. Sau khi đọc nội dung của dự luật và được mời gặp tác giả Goodwin, giáo sư Waldo lập tức từ chối và can thiệp bằng cách “giảng dạy” các thượng nghị sĩ kiến thức toán học cơ bản. Sau khi được giác ngộ về khoa học, các Thượng nghị sĩ đã dành nguyên nửa tiếng chỉ để “nói cợt, chế giễu và bật cười” (báo Indianapolis News viết ngày 13/02/1897) đối với Dự luật 246 trước khi thống nhất trì hoãn việc bầu cử thông qua dự luật vô thời hạn. Sự phát triển của khoa học trong 1 thế kỷ sau đó đã tìm ra giá trị của π đúng đến 50 nghìn tỷ chữ số xấp xỉ là 3.14159265359… – hoàn toàn trái ngược với “sự thật toán học” vĩ đại mà Edwin J. Goodwin mong muốn được truyền bá cho mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *