Bàn về tư tưởng của Trang Tử

Tư tưởng của Trang Tử là tư tưởng đặc biệt nhất trong bách gia chư tử.

(Bách Gia Chư Tử : những triết lý và tư tưởng ở Trung Hoa cổ đại nở rộ vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 6 đến năm 221 TCN trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc)

Khổng Tử nói, chúng ta phải làm người cho tốt :

« Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhật nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. »

(Khắc phục ham muốn của mình, nói và làm phù hợp với lễ. Ngày ngày làm được như thế, người trong thiên hạ sẽ cùng về « đức nhân »)

Mặc dù Lão tử nổi danh trong Đạo gia, nhưng thực tế, mục đích lý luận

« Đạo khả đạo, phi thường đạo »

của ông vẫn được người đời sử dụng.

(Nếu có thể nói được đạo là gì, thì đó không phải đạo vĩnh cửu trường tồn)

Riêng mình Trang Tử không nói đến phẩm chất làm người, không nhắc về đời sống xã hội, không bàn về lý tưởng phấn đấu. Ông chỉ ước ao hạnh phúc, chỉ mong ai cũng tìm được hạnh phúc cho mình. Ông nói :

« Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. »

(Trời đất sinh ra cùng với ta, vạn vật với ta là một)

Từ đầu đến cuối, ông chưa bao giờ phủ nhận bất kỳ ai, chỉ mong ai cũng có thể đạt được hạnh phúc thực sự.

Người sống ở đời, có vô vàn lựa chọn khác nhau.

Bạn có thể là một người giàu, có thể là một người nghèo.

Bạn có thể chọn lấy cuộc sống bình lặng ổn định, cũng có thể sống một cuộc đời mạo hiểm thử thách.

Bạn có thể khao khát kiếm thật nhiều tiền, hoặc chỉ cần sống tạm bợ ngày qua ngày, bữa nào hay bữa ấy, phớt lờ thời cuộc thế gian.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ai cũng đều mong cầu một cuộc sống hạnh phúc, không riêng mình ai.

Vậy hạnh phúc ấy bắt nguồn từ đâu ? Là nhờ thân phận, địa vị của bạn à ? Hay dựa vào của cải bạn sở hữu trong tay ?

Trang Tử nói với bạn rằng, cái nào cũng không phải. Hạnh phúc của bạn xuất phát từ thế giới nội tâm ẩn sâu trong chính con người bạn mà thôi.

Trước khi xử lý câu hỏi về hạnh phúc này, chúng ta hãy giải quyết một vấn đề khác, ấy là, nỗi đau trong cuộc sống bắt đầu từ đâu ?

Trang Tử đã đưa ra lời giải đáp trong « Tề vật luận » (Bàn luận về vạn vật ngang hàng).

Ông nói :

« Kỳ hữu chân quân tồn yên, như cầu đắc kỳ tình dữ bất đắc, vô ích tổn hồ kỳ chân. »

(Có những thứ lần lượt chi phối, định yên mọi vật, hay có một lực lượng làm chủ muôn điều ? Cho dù thật khó để khám phá ra thứ ấy, cũng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của bất kỳ điều gì, kể cả chính bản thân thứ kia.)

Một người có thể phân thành hai cái « tôi », một cái tôi tinh thần, một cái tôi thể xác. Cái tôi tinh thần chính là trái tim của bạn, không ngừng cảm nhận thế giới này.

Bạn có thể cảm nhận niềm hạnh phúc, cũng có thể cảm thấy nỗi u buồn.

Bạn có thể cảm thấy sự thù địch của thế giới nhắm tới bạn, cũng có thể cảm nhận được thiện chí thế gian này giành cho mình.

Nhưng dù là loại cảm nhận nào đi chăng nữa, trái tim của bạn mới là chủ nhân chân chính của những nhận định này.

Lấy ví dụ, khi một người lạ trên đường giơ tay chào bạn, bạn có thể nghĩ rằng người ta có thiện ý, cũng có thể coi đó là một hành động ác ý đáng ngờ.

Người lạ kia chỉ thực hiện một cử chỉ chào hỏi không hơn không kém, nhưng điều thực sự khiến bạn cảm nhận cử chỉ ấy theo chiều hướng tốt hoặc xấu, lại là cảm xúc từ sâu thẳm bên trong. Nhưng tại sao trong thâm tâm bạn lại cảm thấy như vậy ?

Bởi vì đấy chính là « định kiến ».

Kể từ giây phút đặt chân đến thế giới này, chúng ta sẽ không ngừng đánh giá và cảm nhận thế giới bằng đôi mắt của chính bản thân mình.

Nhưng liệu những nhận định ấy có là luôn đúng ?

Không biết được.

Vậy là luôn sai ư ?

Không hoàn toàn.

Nói vậy, chẳng lẽ phán đoán của người khác lúc nào cũng đúng ?

Có thể.

Hay những gì họ nói đều sai hết à ?

Cũng không hẳn vậy đâu.

Thực ra rất khó định nghĩa đâu đúng đâu sai.

Ấy vậy, những phán đoán xuất phát tự trong tiềm thức sẽ mang lại cho bạn những cảm giác nhận nhau và những cảm nhận ấy sẽ không ngừng xâm chiếm trái tim, thể xác bạn.

Bạn có thể vì những cảm nhận ấy mà vui sống buồn chết, có thể vì những thống khổ kia mà tưởng chừng chẳng thể tiếp tục tồn tại trên cõi đời này.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi những rằng buộc đó ?

Người ta vẫn nói, nhân vô thập toàn, không ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Nếu chúng ta nhìn nhận thế giới qua lăng kính của bản thân, sẽ có vô vàn mâu thuẫn nảy sinh, và ta sẽ không bao giờ đưa ra được một câu trả lời chính xác.

Càng nỗ lực kiếm tìm lời giải, sự thật càng xa vời khỏi tầm tay ta. Nhưng nếu không bỏ công truy kiếm, ta lại mù mờ chẳng rõ, con đường trước mặt phải đi thế nào cho phải bây giờ ?

Đau đớn đã bắt đầu như vậy đấy.

Bởi vì chúng ta được sinh ra giữa bao bề bộn như vậy, mới chẳng tìm được câu trả lời mình cần.

Nếu vậy thì nên làm gì bây giờ ?

Trang Tử nói :

« Xu thủy đắc kỳ hoàn trung, dĩ ứng vô cùng. Thị diệc nhất vô cùng, phi diệc nhất vô cùng dã. Cố viết: Mạc nhược dĩ minh »

(Vòng tròn « thị/phi » (phải/không phải) xoay quanh một điểm chốt, tức cái cốt yếu của Đạo. Chốt ở trung tâm, có thể thích ứng với thiên biến vạn hóa. Đúng sai biến hóa khôn cùng, cách tốt nhất là dùng trái tim sáng suốt soi xét bản chất của muôn sự trên đời.)

Để bản thân thoát ly hẳn khỏi mọi vấn đề, đứng tại tâm điểm, nhìn lại toàn bộ nhân gian.

Tưởng tượng rằng ta đang ở điểm cao nhất đặt tại trung tâm của thế giới, phóng mắt nhìn khắp xung quanh.

Thấy được đủ loại người, muôn hình vạn trạng.

Thấy cảnh đẹp bốn phương, non nước hữu tình.

Thấy cả bản thân trong quá khứ, chìm sâu trong bể khổ đau thương, chẳng có cách nào vẫy vùng thoát khỏi.

Thấy rằng có biết bao loại người như thế, ấy vậy mà ai cũng từng trải qua rối bời buồn bã, chán chường thờ thẫn giống ta.

Có người nói, chúng sinh đều khổ.

Đấy chính là xã hội mà chúng ta đang sống. Chỉ vậy mà thôi.

Những gì bạn trải qua là những gì nên được trải qua với tư cách là một con người.

Bởi vậy, nhân sinh vô giải.

Lối ra duy nhất là mở một cánh cửa sổ cho tâm hồn, ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài.

Trong « Plato on utopia », Plato có nói đại khái thế này :

Chúng ta ai cũng đều sống ở trong một cái hang nọ, hai tay trói chặt và lưng hướng về cửa hang. Tia sáng xa xăm len lỏi qua cửa hang động, chiếu lên thân thể chúng ta, rọi bóng hình ta lên vách đá trước mặt. Mỗi người chúng ta chỉ có thể thấy được bóng mình loạng choạng chếch choáng hằn trên thành động, lại chẳng biết thế giới ngoài kia rộng lớn nhường nào.

Tôi nghĩ rằng, Trang Tử muốn kể cho chúng ta về một người đã tìm thấy cửa hang kia, và bước ra bên ngoài.

Trong « Tiêu dao du », ông có viết :

« Miểu cô xạ chi sơn, hữu thần nhân cư yên. Cơ phu nhược băng tuyết, náo ước nhược xử tử, bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long, nhi du hồ tứ hải chi ngoại; kỳ thần ngưng, sử vật bất tỳ lệ nhi niên cốc thục »

(Trên núi Diễu – Cô Tạ có thần nhân ở, da thịt như băng tuyết, dáng điệu mềm yếu như người con gái chưa chồng. Không ăn năm loài thóc, chỉ hớp gió, uống sương, nương theo hơi mây, cỡi rồng mà bay ngao du ngoài bốn biển. Ngưng thần lại thì có thể làm cho vạn vật không đau ốm hư hoại, lúa thóc lại được mùa)

Một vị thần nhân đã đắc đạo siêu thoát, sống trong tiên cảnh, da thịt trong suốt, chỉ nếm gió thưởng sương, nương gió đến, cưỡi mây đi, tiêu dao tự tại, người người hâm mộ.

Thực ra ông đang dùng phép ẩn dụ, nói với chúng ta rằng : mặc dù chẳng thể lay chuyển, trốn thoát khỏi cuộc sống này, nhưng thế giới tinh thần trong mỗi người đều có thể thăng hoa.

Chỉ khi bạn thực sự siêu thoát, bạn mới có thể cảm nhận được hạnh phúc thực sự.

*Siêu thoát : Vượt ra khỏi mọi ràng buộc ở đời. Theo Phật còn có nghĩa là thoát ly, đứng ngoài vòng sinh tử luân hồi.

Chỉ khi bạn học cách « căm ghét » thế giới này, một chân trời khác mới mở ra trước mắt. Sự ghét bỏ ấy không phải ghét theo cách bạn nghĩ, mà là để bạn thoát khỏi mọi thứ, dùng ánh mắt khách quan chiêm nghiệm nhân sinh của chính bản thân mình.

Nhìn thấu thế giới mà có người ngu thì có kẻ gạt, thấu hiểu khó khăn bấy lâu nay vẫn hành hạ mỗi người, bạn mới chợt ngộ ra rằng : Thế giới này cũng chỉ như vậy, nhưng cuộc sống của ta không chỉ dừng lại ở đấy, còn bao cảnh đẹp hữu tình ta muốn chiêm ngưỡng, bao núi cao biển rộng ta muốn chinh phục bằng hết thảy sức mình.

Thực lòng mà nói, sau khi đọc hết lắm chương nhiều chữ của Bách gia chư tử, Trang Tử là người chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn tôi.

Phẩm cách bên ngoài quả thực rất quan trọng, nhưng tu dưỡng nội tâm mới là điều kiện tiên quyết đưa bạn đến bất kỳ đâu.

Nếu trong lòng bạn không có một ngọn hải đăng sáng rực, sao bạn có thể tìm thấy hòn đảo bạn hằng mong đợi giữa biển cả bao la ?

Trang Tử chính là người đã chỉ cho bạn con đường ấy.

Bởi vậy, trong lòng tôi, Trang Tử là một đạo sĩ thực sự.

Thực tế, Trang Tử cũng có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tác phẩm văn học cũng như nhiều văn sĩ nhiều thế hệ tiếp theo.

Ví dụ, trong bài thơ « Ấm tửu kỳ 5 » của Đào Uyên Minh, có câu :

« Thái cúc đông ly hạ.

Du nhiên kiến nam sơn. »

(Dưới chân rào Đông hái nhành cúc.

Khoan thai nhàn nhã ngắm núi Nam)

Phạm Trọng Yêm từng viết :

« Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ dĩ bi. *» *

(Không vui vì cảnh, không buồn vì mình

– trích « Nhạc dương lâu ký »)

Hay trong bài từ « Thủy điệu ca đầu : Trung thu » của Tô Thức có đôi dòng dưới đây :

« Nhân hữu bi hoan ly hợp

Nguyệt hữu âm tình viên khuyết

Thử sự cổ nan toàn. »

(Người có lúc buồn vui ly hợp

Trăng có lúc mờ tỏ vơi đầy

Xưa nay khó gì trọn bề nguyên vẹn.)

Và thật nhiều những áng văn khác.

Bạn có thể cảm nhận được tâm hồn cởi mở phóng khoáng và phẩm chất lạc quan của họ qua từng chữ từng từ.

Vậy ai là người đã truyền cảm hứng ấy cho họ ?

Không ai khác ngoài Trang Tử.

Bởi vì, bọn họ cũng đã tìm ra được một thế giới khác, qua những lời Trang Tử để lại nơi đây.

Và hạnh phúc thực sự bọn họ có được, âu cũng là nhờ việc họ rũ bỏ được những chấp niệm về thực tại, dành hết tâm sức để tìm kiếm niềm vui cho chính bản thân mình.

_______________

Chú thích : phần dịch thơ/giải nghĩa vừa dựa vào giải nghĩa tiếng Trung, vừa tham khảo bản dịch của một số dịch giả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *